Mẹ luôn là thách thức của con gái

MẸ LUÔN LÀ THÁCH THỨC CỦA CON GÁI

Mẹ tôi con nhà dòng dõi. 14 tuổi mồ côi mẹ, và cũng từ đó mẹ thay bà ngoại cai quản 50 gia nhân trong nhà. Dù được ông ngoại cưng chiều, nhưng hoàn cảnh sớm mồ côi mẹ, mẹ tôi được trui rèn thành một người đàn bà cứng rắn.

Tôi là đứa con gái được mẹ sinh ra trong lần chửa đẻ thứ 12 của đời mẹ, và là đứa con út ít. Làm con gái của mẹ tôi thật khó! Mẹ chẳng khen tôi bao giờ. Tôi thường bị chê là vụng đoảng và đần. Đôi khi điên lên, mẹ gọi tôi là con thụn! (tức là vụng về và xấu xí).

Hồi tôi lên 7 tuổi, tôi đã học thuộc nằm lòng về nguyên tắc sống của mẹ “Trong nhà này, không nơi nào được phép là góc khuất, nghe chưa!” – và cuộc sống của tôi sau này cũng hệt những gì mẹ dạy “Trong gia đình không có nơi nào trở thành góc khuất, tối tăm và không được chăm sóc!” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Ấy là khi tôi biết có đội chiếu phim lưu động về xóm, sẽ dựng phông chiếu một bộ phim Đông Đức mà tôi rất thích “Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem” ngay tại bãi chơi bóng của xóm. Tôi muốn được đi xem lắm, nên từ chiều đã chăm chỉ đi hái rau cho lợn, rau cho thỏ; giặt quần áo cho cả nhà; vợi nước giếng cho đầy vại nước để khi chợ về mẹ có nước dùng; nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa… Xong xuôi, tôi chắc mẩm bữa nay thể nào mẹ cũng hài lòng mà cho tôi đi xem phim bãi….

Khi mẹ đặt quanh gánh xuống, tôi xin phép mẹ “Mẹ ơi, hôm nay mẹ cho con đi xem phim ngoài bãi nhé!” Mẹ chẳng nói chẳng rằng, lùa cây chổi cán dài xuống gậm giường, thậm chí mẹ còn nằm bẹp xuống để ngó vào gậm giường… lôi ra một đống thứ rác rếnh tôi tấp vào đó cho khuất mắt mẹ. Thế là mẹ nổi trận lôi đình, tôi không những không được đi xem phim ngoài bãi như những đứa trẻ khác, mà còn phải khắc phục hậu quả vụ làm dối của mình. Khi tiếng râm ran kháo nhau của lũ bạn đi xem phim về ngang ngõ… thì tôi vẫn đang phải cặm cụi dọn nhà.

Sau này, với vô số lý do, mẹ không mấy khi cho phép tôi đi xem phim ngoài bãi “Con gái con nhà không phải bạ đâu cũng lê la nhé, hư cái thân!” Hồi đó, đôi khi tôi cũng ức lắm, nhưng vẫn luôn phục tùng mẹ. Mẹ có uy bởi vì mẹ luôn là tấm gương lao động chăm chỉ cật lực để bảo vệ con cái, cho con cái học hành đầy đủ, dù mẹ phải làm việc từ 4h sáng đến 10h đêm mỗi ngày. Và sau 1 ngày lao động quần quật, sau 10h đêm, đêm nào cũng vậy, mẹ lại chong ngọn đèn dầu đọc sách. Cuốn sách mẹ đọc đi đọc lại nhiều lần là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tác giả mà mẹ yêu thích nhất là Vitor Hugor với cuốn “Những người khốn khổ”. Mẹ cũng gặm nhấm cả những cuốn dày cộp của Lep Tolstoi nữa… Hứng lên, mẹ còn đọc thành tiếng đầy biểu cảm cho tôi nghe, mà phần lớn là tôi ngủ quên khi mẹ đọc được 1 trang.

Cực nhọc vậy mà chẳng bao giờ mẹ than vãn vất vả, hay yêu cầu chúng tôi nghỉ học. Bị mẹ mắng thì cũng ấm ức, nhưng chúng tôi thương mẹ lắm.

Trước khi sang Mỹ du học, con gái tôi nói rất khôi hài khi nhắc đến độ “khó tính” của bà ngoại: “Sau này mẹ mà chọn con rể thì dễ lắm, cứ cho nó ở với bà ngoại 7 ngày mà không bị bà đá đít ra đường thì coi như ổn đấy mẹ ạ!” Sau này, mỗi bận con gái đạt thành quả trong một dự án khó khăn nào đó, tôi thường “tuyên dương” con về thái độ vượt lên chính mình, chiến thắng bản thân để đạt được mục tiêu đề ra… Những lúc đó, con gái tôi lại trả lời rất hóm hỉnh mà không giấu vẻ tự hào: “Chuyện, con là F2 nhưng lại nhận gen trội của bà ngoại!” (ý nó là nhấn mạnh phẩm chất quyết liệt, tính mục tiêu rõ ràng và không ủy mị… như mẹ nó)

Thế đấy, mẹ luôn là người tạo nên áp lực và đòi hỏi khắt khe ở con gái. Từ thói ăn, nết ngủ, nữ công, gia chánh, thêu vá, nấu ăn, làm vườn… mẹ đều đòi hỏi chu toàn, chi tiết. Tôi học cấp nào cũng được cô khen, thầy quý và các bạn yêu mến (giờ tôi cũng chẳng hiểu vì sao tôi được vậy) nhưng mẹ vẫn thường lẳng lặng và bất chợt vào một ngày đẹp trời đến tận trường nhắc cô rằng, ở nhà nó lười và hay ngủ dậy muộn. 4h30 sáng mẹ gọi chưa dậy để học bài và rang cơm cho cả nhà ăn sáng để đi làm đi học nghĩa là lười lắm nhé!

Ngồi trong mâm cơm, thì mẹ nhắc từng cử động cầm đũa, cầm bát sao cho thanh tao, nhã nhặn. Vừa cầm đũa vừa cầm thìa múc canh… thì thôi rồi, cả ba và mẹ sẽ lừ mắt khiến cho tôi thấy xấu hổ ghê gớm: “Mày ăn uống mà thô thiển như chèo thuyền ngoài đầm thế a, tay chèo tay mái!”. Ăn uống thì phải khoan thai, không được vừa nhai vừa nói khiến người đối diện phải nhìn thấy cái miệng đầy thức ăn, rất xấu xí. Không được nhai thức ăn mà phát ra thành tiếng lép nhép, không được nhai thức ăn mà hở môi, hai môi phải khép kín khi nhai thức ăn, bằng không mẹ và ba sẽ mắng “Vô duyên thế thì sau này ai người ta rước!” Không được húp canh hay mì sì sụp thành tiếng, không được gõ đũa, gõ thìa mất lịch sự….

Đi đứng thì không được lê dép loẹt quẹt, không được dẫm chân bình bịch thô lậu. Đến nhà ai thì dứt khoát không được ngồi lên giường. Không được nấn ná khi gia đình họ chuẩn bị bữa ăn, phải lễ phép chào và ra về…

Nói năng không được cợt nhả, vừa nói vừa cười… Nói to thì bị chê là “vô duyên” nói nhỏ thì bị mắng là “Nói lí nhí như chó ăn vụng bột!”. Mẹ bảo, con gái chữ “thanh” đứng trước chữ “sắc” nghĩa là lời nói và âm vực khi nói năng của người con gái quan trọng hơn sắc đẹp!

Như luật bất thành văn, dù nghèo đến mấy, mẹ đều bận áo trắng và chúng tôi cũng vậy. Dù áo vá thì vẫn là áo trắng. Mẹ bảo, áo trắng nó lộ ngay cái đứa lười tắm và lười giặt đồ!

Trời ơi, làm con gái của mẹ thật là khó, vì có quá nhiều thứ “không được” do mẹ đặt ra quy định, không thể kể xiết. Rồi tôi cũng lớn lên, dần “thoát” khỏi sự uốn nắn khắt khe của mẹ.

Rồi tôi bước vào đời, lần lượt gặt hái những thành công, lần lượt hứng nhận những biến cố không thể khác mà cuộc đời mang lại. Nhưng tôi đã đi qua nó, trưởng thành và hoan hỷ một cách vững vàng. Tôi cũng làm mẹ và có con gái. Con gái tôi giờ đã lớn khôn trưởng thành. Giờ thì tôi và con gái như đôi bạn thân, đôi khi, chuyện tếu với con, tôi thổ lộ “Hồi nhỏ, nhiều khi bị bà ngoại cấm không cho đi xem phim bãi, mẹ ức lắm. Mẹ có bí mật muốn chia sẻ với con, rằng đôi lúc mẹ đã lầu bầu thế này “Mẹ ơi, tao ghét mẹ lắm!”

Nghe tôi kể, con gái tôi, mắt sáng rỡ long lanh cười phá lên: “Ha ha, đứa con nào chả từng có lúc xưng “tao” với mẹ, chỉ là xưng vụng thôi. Mẹ đừng áy náy nữa, bà ngoại mà biết cũng chỉ buồn cười thôi!”

Vậy là hiểu rồi, đã có khi vì nghiêm khắc rèn con, tôi cũng từng bị con gái ghét và xưng “tao” đấy. Trẻ con không phải khi nào cũng hài lòng với những huấn luyện rèn dũa của cha mẹ… Những ký ức ấy như những viên sỏi tuổi thơ, thế rồi bạn mang vào đời bạn trong một chiếc túi nằng nặng mang tên “ký ức”, bạn bước đi và trong hành trình ứng phó với xã hội và biến cố xảy ra, những viên sỏi đó đã biến thành kim cương quý báu tự lúc nào. Đấy là lý do cha mẹ luôn là người nghiêm khắc với con hơn xã hội, vì cha mẹ đủ trải nghiệm để cho con hiểu rằng, ngoài kia luôn ẩn chứa những biến động khôn lường và khó khăn sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào. Do đó, cha mẹ muốn con cái có năng lực để đứng cao hơn số phận và làm chủ được biến cố xảy ra. Xã hội khi cần dạy dỗ bạn, thì sẽ rất duy lý chứ không duy tình đâu.

Tôi viết điều này, vì nhận thấy gần đây, nhiều bà mẹ “nổi tiếng” đang có xu hướng chia rẽ các thế hệ bằng những câu chuyện ký ức nhằm đổ lỗi cho cha mẹ vì đã không yêu con theo đúng cách… mà các bạn kỳ vọng. Các bạn biện dẫn tình yêu “không đúng cách” đó của cha mẹ là nguyên nhân khiến cho các bạn gặp trở ngại và thất bại trong cuộc sống hiện tại, thậm chí còn nhấn mạnh rằng “nơi khiến đứa trẻ đau khổ và dẫn đến có ý định tự tử chính là gia đình!”. Quan sát, và tôi rất lo âu.

Tôi không hoàn toàn tán thành cách rèn dũa con gái khá nghiêm khắc của mẹ tôi, nhưng tôi không oán hận mẹ, tôi hiểu căn cội và lý do để mẹ hành động như thế và tôi hàm ơn mẹ đã dạy tôi để trở nên có khí chất và vững vàng trong cuộc sống của mình. Mẹ dạy tôi biết yêu thương, biết hy sinh, biết lao động chăm chỉ sáng tạo và biết sống tự trọng! Mẹ dạy bằng chính cách mẹ sống!

Cái tâm lý đổ lỗi nó tinh vi lắm, và không gì dễ bằng đổ lỗi cho các bậc sinh thành về những thất bại hay khó khăn của mình, vì đơn giản, cha mẹ không bao giờ trả đũa con cái khi bị phán xét và đổ lỗi, dù họ đau đớn trong lòng. Xã hội thì khác, mọi sự đổ lỗi của bạn chắc chắn sẽ phải trả giá.

Tôi nhớ một câu nói rất thấm thía của ngài tỷ phú Bill Gates rằng “Cha mẹ bạn không có lỗi gì trong những thất bại của bạn đâu! Hãy tỉnh thức.”

Với tôi, sự thất bại lớn nhất của cuộc đời là bước đi trong đời với một tâm thế u ám, cay nghiệt… vì trong trái tim thiếu đi lòng biết ơn nồng hậu, đích thực và trí tuệ. Nếu vậy, nghĩa là tôi chỉ già đi theo năm tháng, mà không có chút trưởng thành nào, tôi vô minh vô tuệ! Đau khổ gì bằng khi ta mất đi lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ và gia tộc mình, dù cha mẹ không bao giờ hoàn hảo!