Mẹo lái xe ô tô an toàn qua vùng ngập nước

(Baonghean.vn) - Trong những ngày mưa lớn, ngập nước cục bộ ở nhiều nơi, với những xe ô tô gầm cao có thể đi qua, nhưng với những xe gầm thấp là nỗi lo sợ của các lái xe. Để có thể di chuyển qua các khu vực ngập nước một cách an toàn cần lưu ý những điểm sau.
1. Quan sát các xe đi trước, nếu mực nước không quá nửa lốp xe thì mới tiến hành đi qua. Bởi nếu mực nước dâng lên quá nửa lốp xe thì lúc này khả năng nước tràn vào khoang lái và tràn qua hệ thống điện dưới gầm xe là rất cao.
Khi mặt sàn của xe bị ngập nước, xe có nguy cơ bị chập điện dẫn đến hư hại hệ thống điện bên trong ảnh hưởng đến các trang thiết bị trên xe.
2. Nếu điều kiện giao thông cho phép, lái xe nên đi ở giữa tâm đường bởi đây luôn là vị trí cao nhất của mặt đường; điều này sẽ giúp giảm mực nước và giảm nguy cơ cho chiếc xe của bạn.
3. Luôn giữ khoảng cách với các phương tiện khác và tránh xa những xe có trọng tải lớn bởi những phương tiện khác khi di chuyển sẽ tạo ra những cơn sóng nước lớn tràn qua nắp capo của xe bạn và có thể làm nước tràn vào họng hút gió và vào thẳng động cơ gây hiện tượng "thủy kích".

4. Khi lái xe đi qua khu vực ngập, nên giữ đều ga và chọn số thấp. Nếu là số sàn bạn nên đi số 1 - 2. Còn đối với xe số tự động hoặc bán tự động thì nên chuyển về số D1 hoặc chuyển về chế độ số tay rồi đi ở số 1 - 2. 

Tắt một số những thiết bị như điều hòa, hệ thống giải trí để giảm tải cho động cơ và cũng tránh bị chập cháy trong tình huống nước tràn vào.

5. Tuyệt đối không rồ ga phóng qua đường ngập bởi nguy cơ nước có thể bị áp lực đẩy tràn lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích.
Kinh nghiệm nhỏ của tài già thường chia sẻ với nhau là trước khi đi qua những chỗ có ngập nước, nên tháo đường ống hút gió ở phía đầu xe ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào (vị trí cao nhất) mà không thông qua đường khí nạp theo xe (vị trí thấp hơn); qua khỏi đoạn ngập lụt, lắp lại lọc gió động cơ. Với cách làm này có thể hạn chế được việc nước tràn qua nắp capo sẽ bị hút vào họng hút gió và đi vào động cơ gây ra hiện tượng "thủy kích".
  1. 6. Sau khi qua vượt qua đoạn đường ngập lụt, cần vừa đi vừa rà phanh để nước trong phanh ra khỏi đĩa phanh, để tránh hiện tượng bó phanh sau khi để qua đêm.
  2.  
  3. Dọn rác, lá cây ở két nước vì khi đi vào vùng ngập két nước là chỗ chắn đựng rất nhiều rác trong nước và giữ lại. Cuối cùng cần kiểm tra lại động cơ và gầm xe để đảm bảo sạch sẽ và không có gì bất thường.

Tin mới