Mía tím xuất khẩu sang Nhật: "Đãi vàng" trong cát

Thông tin một số đơn vị của tỉnh Hòa Bình xuất khẩu mía tím sang Nhật Bản đã mở ra tia hy vọng cho người dân trồng mía ở xứ Mường. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ mấy nghìn ha mía tím của tỉnh Hòa Bình vẫn còn là bài toán nan giải.

Chuyến Mía tím Hòa Bình xuất sang thị trường Nhật Bản theo hợp đồng mua bán trái cây tươi được xác lập giữa bên bán là nông trại hữu cơ Linh Dũng (tháng 1.2019) và bên mua là Công ty Cổ phần AMEII Việt Nam. Theo đó, số lượng mía tím lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản là 712kg, thành tiền gần 8,5 triệu đồng.

Mía tím được đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 1 kg/túi, đóng 8kg/thùng carton, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, mía giữ nguyên vỏ tím, làm sạch, chặt khúc, bỏ 100% đầu mấu.

Xuất khẩu mía tím sang Nhật Bản là tin vui đối với người trồng mía ở Hòa Bình.

Ông Nguyễn Đồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết: Sau khi gửi mẫu mía tím ở Hòa Bình xuống Công ty ANEIL, kiểm tra đạt chất lượng rồi chúng tôi mới mua thu gom mía của bà con ở huyện Kim Bôi, huyện Tân Lạc để xuất khẩu.

Hiện việc tiêu thụ mía tím ở xứ Mường đang gặp rất nhiều khó khăn. Các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy - nơi trồng mía chủ lực của tỉnh Hòa Bình.

Tiêu chuẩn để mía tím xuất khẩu sang Nhật rất nghiêm ngặt và khắt khe, đòi hỏi mía không bị nứt nẻ, bạc màu, không để sót mắt mía hoặc dính đất. Vì vậy trước khi xuất khẩu phải rửa sạch, lau khô, chặt khúc, bỏ 100% đầu mấu, sau đó cân định lượng 1kg/túi rồi hút chân không, bảo quản ở nhiệt độ 5 -10 độ C.

"Vừa rồi, chúng tôi xuất khẩu mía tím sang Nhật Bản 3 đợt: đợt 1 là 7,2 tạ, đợt 2 đạt 1 tấn, đợt 3 đạt 1,5 tấn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân trồng mía tím đạt chất lượng tốt, để xuất khẩu ra nước Nhật với số lượng lớn hơn", ông Yến cho biết thêm.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình, sản xuất mía tím, diện tích trồng mía tím đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 9.500 ha, đến năm 2030 là 10.000 ha, sản lượng mía khoảng 225.000 tấn. Đến năm 2025 sử dụng 100% giống được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Tin mới