Cô gái tật nguyền ở bản Noóng Háo

(Baonghean.vn) - Về Noóng Háo nghe bà con kể về một cô gái bị liệt cả hai chân nhưng may vá, thêu thùa và buôn bán rất giỏi, nhiều người phải nể phục. Đó là Cầm Thị Năm (sinh 1975) ở bản Noóng Háo, xã châu Thuận, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). 
 

 Cô gái tật nguyền ở bản Noóng Háo ảnh 1
Cầm Thị Năm bên chiếc máy khâu

Cô tâm sự: “lên 12 tuổi, Năm bị liệt cả hai chân tê cứng và co quắp lại không đứng, đi được, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện chạy chữa. Với Năm vừa đau đớn cho bản thân vừa thương cho những người thân trong gia đình bởi Năm đã trở thành gánh nặng cho mọi người. Nhiều lúc nghĩ quẩn buồn chán Năm muốn tìm đến cái chết. Nhưng nghĩ đến người mẹ lúc nào cũng hết lòng vì con, Năm lại không làm được. Cuộc sống cứ quanh quẩn trong nhà, ngồi một mình nhìn anh, chị vui đùa với bạn bè trong xóm và nghĩ về bản thân bất hạnh, Năm lại thấy buồn”.

 

Năm 13 tuổi, Năm cố gắng tập đi dù rất ít hy vọng đi được. Suốt 3 năm khổ luyện, bằng hai bàn tay và đôi chân liệt, cuối cùng Năm đã di chuyển được trong nhà, lên xuống cầu thang... Đi được để tự chăm sóc mình đã hạnh phúc lắm rồi, nhưng Năm muốn phải tự chăm lo cho cuộc sống của mình sau này. Làm gì bây giờ? Việc nặng thì Năm không làm được.

 

Bằng nghị lực của chính mình, ngày ngày Năm bò sang nhà bên để tập thêu váy, làm nệm và tập làm chăn gối... Rất may cho Năm là gần nhà có chị Liên, người hàng xóm tốt bụng rất nhiệt tình dạy cho Năm cách may, vá trên máy khâu để cho Năm có thể  may, vá quần áo cho trẻ trong làng.

 

Thấy con sáng dạ lại có khiếu may, vá, dệt, thêu, bố mẹ Năm đã vay mượn tiền mua máy khâu và thuê người về dạy may tại nhà cho cô. Thật bất ngờ, cô gái tật nguyền này tiếp thu nhanh, những sản phẩm của cô làm ra đã gây được ấn tượng cho khách hàng.

 

Để tiện lợi cho con, bố mẹ đã làm cho Năm một cái quán nhỏ để bán hàng tạp hóa như: mắm, muối, dầu đèn... cho dân bản, bên cạnh đặt một máy khâu để cho Năm vừa may vừa bán hàng. Mới được vài năm nhưng Năm dành dụm tiền mua được một xe máy để nhờ người lai đi mua bán và trao đổi hàng hóa ở các xã lân cận và cũng là phương tiện để Năm đi thăm bạn bè và vui chơi trong ngày lễ hội. Năm còn giúp bố mẹ có tiền chi tiêu và nuôi các em ăn học.

 

Theo dòng thời gian, Năm như con o­ng chắt chiu từng giọt mật, để lại lời ngợi khen và sự tin yêu quý mến của bà con thôn bản.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Lan - Châu Hạnh, Quỳ Châu

Tin mới