“Vương quốc” vịt bầu Qùy

(Baonghean) - Vịt bầu Quỳ là giống vịt được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là thịt ngon nhất hiện nay và còn được người dân bản địa xem như một đặc sản chỉ đem ra tiếp đãi khách quý khi đến thăm nhà. Trong một tương lai gần, giống vịt đặc sản này sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế mới nhằm nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân tại Quế Phong.

Vịt quý đãi khách quý

Vịt bầu Quỳ - giống vịt đặc sản quý chỉ có ở các huyện miền Tây xứ Nghệ. Người ta nhớ đến vịt bầu Quỳ chính là chất lượng thịt thơm ngon, ngọt của nó. Vì thế mà các nhà nghiên cứu của Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá đây là giống vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi vượt hơn 30 km vào xã Quang Phong để tìm hiểu về nguồn gốc của loài vịt đặc sản này. Nhắc đến vịt bầu Quỳ, Chủ tịch UBND xã Quang Phong, Vi Thái Điệp trầm trồ: Đây là giống vịt “truyền đời” của bà con dân tộc Thái sống tại 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn. Từ khi chúng tôi sinh ra thì đã có giống vịt này rồi. Mỗi gia đình chỉ nuôi chừng 5-10 con trong nhà để làm thực phẩm chính. Mỗi khi có khách quý lên chơi, người dân mới làm thịt để tiếp đãi. Hỏi vì sao loại vịt này lại có thể ngon được thế? Ông Bình giải thích: Do người dân nuôi vịt theo hình thức thả rông, ăn  con cá, con tép dưới khe suối, họa hoằn lắm, một số hộ mới cho vịt ăn thêm ít vỏ trấu, lúa, sắn. Hơn thế, thổ nhưỡng ở đây là môi trường lý tưởng nhất để giống vịt này phát triển và tạo ra chất lượng thịt thơm ngon.

Ông Bình dẫn chúng tôi vào nhà ông Lang Văn Sâm, ở bản Ca, một trong những người nuôi vịt bầu lâu năm. Ông Sâm tỏ ra thích thú khi có người lên tìm hiểu về giống vịt “truyền đời” của cha ông mình để lại. Ông bảo, từ nhiều đời nay, gia đình ông đã gắn bó với giống vịt này. Trong nhà lúc nào cũng có từ 3-5 con là ít nhất để tiếp đãi bạn bè xa mỗi khi đến chơi nhà. Nhưng có năm, đàn vịt bỗng dưng lăn ra ốm, trong khi giống vịt này rất khó ấp trứng nên có nguy cơ bị xóa sổ. Ông cho hay, cũng may là giống vịt này có sức đề kháng cao nên đàn vịt của xã vẫn được giữ nguyên. Hiện nay, tổng đàn vịt bầu của xã Quang Phong có khoảng gần 5.000 con. Nhiều là thế nhưng muốn mua một con vịt về ăn cũng không phải là điều dễ dàng. Muốn mua được vịt, có khi phải đi lùng sục khắp bản, đặt hàng trước cả tuần mới có. Giá bán của nó cũng cao ngất ngưởng, từ 120 - 150 ngàn đồng/kg.

Đàn vịt bầu của gia đình anh Nguyễn Đình Chín cho thu nhập mỗi năm

hơn 100 triệu đồng.

Rời Quang Phong, chúng tôi lần trở ra Cắm Muộn. Đây cũng được xem là cái nôi của giống vịt bầu Quỳ. Ông Lữ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã biết có nhà báo lên liền ngỏ ý mời chúng tôi ở lại thưởng thức món vịt đặc sản này. Ông bảo, đã lên đến đây mà không được ăn món vịt này thì xem như chưa cảm hết được cái tình, cái nghĩa của đồng bào nơi đây. Thiện chí của ông Chủ tịch xã khiến chúng tôi khó lòng từ chối. Và quả thực, những người đã từng được làm khách quý ở Quế Phong phải gật gù công nhận  rằng, ít ai không  thoả lòng với hương vị ấy. “Trong đề án phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đang vận động người dân đưa giống vịt này trở thành hàng hóa. Bởi đây là hướng đi bền vững nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân của xã. Hiện xã đang có 2 lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12.000 con”- ông Bình chi biết.

“Ông vua” vịt bầu Quỳ

Nói đến vịt bầu Quỳ, không thể không nhắc đến ông Thái Diệu. Ông được biết đến như là một người “cứu” giống vịt quý này trước nguy cơ bị xóa sổ.

Nguyên nhân là do tình trạng chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ mỗi nhà chỉ 5 - 10 con, khi các nhà hàng đặc sản đổ xô đến săn lùng đã đẩy giống vịt quý nổi tiếng này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Giá vịt bầu Quỳ có thời điểm lên tới 250 đến 300 nghìn đồng/con, nhưng vẫn rất khó mua. Cũng may, lúc đó, ông Thái Diệu xuất hiện. Ông Diệu không phải là người bản xứ mà quê ông ở xã Liên Thành, Yên Thành. Ông vốn là một trong những người nuôi vịt giỏi ở quê lúa. Rồi những lần ông đưa vợ về thăm ngoại ở Quế Phong, ông có cơ hội được biết đến giống vịt bầu Quỳ. “Lúc đó, tôi nghĩ trong bụng, ở đây có một giống vịt lạ mà ngon thế này sao người dân lại không nuôi nhiều. Hơn nữa, loại vịt này có giá trị kinh tế khá cao có thể xây dựng thành hàng hóa được”, ông Diệu chia sẻ.

Từ thực trạng trên, ông Thái Diệu đã nảy ra ý tưởng tự mình tìm cách khôi phục lại nhằm bảo vệ và giữ gìn giống vịt bầu Quỳ cho địa phương. Năm 1993, ông quyết định đưa vợ lên bản Đan, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong lập nghiệp với nghề nuôi vịt. 2 vợ chồng đã phải lặn lội đến từng thôn bản, đi từng nhà dân, có hôm sang tận bên Lào để gom trứng về ấp. Nhưng ngày nhiều nhất cũng chỉ được 10 quả. Kiên trì sau gần 2 năm, ông đã có được gần 200 con vịt thuần chủng. Đây là lứa vịt bố mẹ đầu tiên mà ông gây dựng được. Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục lại giống vịt bầu Quỳ. Ban định canh, định cư (nay là Ban phát triển nông thôn miền núi) huyện Quế Phong đã hỗ trợ cho ông Diệu 20 triệu đồng nhằm giúp ông có điều kiện đầu tư mở rộng trang trại và mua máy ấp trứng. Từ đây, ông Diệu có thể cung cấp cho người dân đàn vịt giống có chất lượng tốt hơn.

Năm 2011, được sự giúp đỡ của hợp phần chăn nuôi, dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An, doanh nghiệp Diệu Châu hình thành “Liên minh sản xuất và tiêu thụ vịt bầu Quỳ giữa doanh nghiệp và HTX chăn nuôi xã Tiền Phong - Quế Phong” với sự tham gia của 100 hộ, quy mô 200 con giống/lứa/hộ, mỗi năm 2 lứa. Tại liên minh này, hai bên đã ký kết với nhau: Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân theo giá được thỏa thuận trong vòng 2 năm. Đây thực sự là cứu cánh  cho nhiều hộ có cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Đình Chín (xóm 2, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) là một trong 100 hộ được hưởng lợi từ dự án. Ban đầu, gia đình anh được  hỗ trợ 100 con vịt giống và thức ăn. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, anh bán lứa vịt đầu tiên và thu về gần 20 triệu đồng.  Số tiền này, anh tiếp tục đầu tư để tái đàn. Cho đến nay, tổng đàn của gia đình lên tới 2.000 con vịt đẻ và thu nhập bình quân một tháng của gia đình hơn 100 triệu đồng. “Nuôi vịt bầu Qùy khỏe hơn so với các giống vịt khác, vì vịt bầu Qùy có khả năng kháng bệnh cao hơn, dễ thích ứng với điều kiện thời tiết đột ngột. Hiện mỗi ngày, đàn vịt của gia đình đẻ được hơn 1.200 quả trứng. Số trứng này được doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu thu mua hết nên người dân không sợ bị ế”, anh Chín cho biết.

Năm 2008, ông Diệu thành lập doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Quỳ thuần chủng, chất lượng cao. Mỗi tháng ông xuất được khoảng 24.000 con vịt giống thuần chủng. Ngoài các hộ dân trong huyện, nhiều khách hàng ở các huyện lân cận như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nghe tiếng cũng tìm đến mua vịt giống. Bởi người ta biết đến ông như là một “ông vua” của giống vịt bầu Quỳ nổi tiếng này. Số lượng lớn vịt giống của ông được cung cấp cho các dự án hay mô hình của các chương trình chính sách của các huyện lân cận. Theo ông Diệu, thì lò ấp trứng của ông hoạt động suốt ngày đêm nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Ông Thái Diệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu vịt bầu Qùy. Hiện nay, vịt bầu Qùy đã “đi vào” các nhà hàng, quán ăn tại TP Vinh. Và một tương lai không xa, giống vịt này sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà còn lan ra cả toàn quốc, để mọi người biết đến một thứ đặc sản của miền đất Quế đang từng ngày làm thay da, đổi thịt nơi vùng núi cao này.

Vịt bầu Quỳ có chất lượng thịt thơm ngon, thịt đùi có tỷ lệ protein thô 21,23-21,50%; tỷ lệ mỡ thô 1,18-1,68%; tỷ lệ nước 75,09-75,6%. Tỷ lệ mỡ của thịt vịt bầu Quỳ cao hơn các giống vịt khác và vịt bầu Quỳ có tỷ lệ protein và mỡ thích hợp là cơ sở để vịt bầu Quỳ có mùi vị thơm ngon hơn các giống vịt khác.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Tin mới