Xin rút khỏi danh sách hộ nghèo: Chuyện vui ở xứ núi Thạch Ngàn

(Baonghean) - Nếu được chứng nhận là hộ nghèo, sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề... Thế nhưng, ở xứ núi Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, có 15 hộ dân đã tự nguyện làm đơn xin rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Họ đã tự nguyện gác bỏ các lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của bản thân, giảm bớt áp lực cho xã hội.
15 hộ dân xã Thạch Ngàn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo gồm các ông, bà: Vi Văn Thoại, Lương Văn Châu, Vi Văn Hùng, Lô Thị Hương, Lô Thị Thủy, Lô Quốc Hùng, Lô Văn Điệp, Lô Doãn Xô, Vi Thị Hường, Vi Thị Phương, Lưu Đình Ấn, Lưu Đình Thợi, Lưu Đình Ngà, Lô Xuân Diện, Lữ Thị Toán.
Xin được thoát nghèo
Người đầu tiên làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo ở Thạch Ngàn là cụ Lưu Đình Ấn (69 tuổi), bản Thạch Tiến.
Gia đình cụ Ấn được người dân thôn bản bầu chọn hộ nghèo cuối năm 2011, đến tháng 6/2012 thì xin rút. Với cụ Ấn, là bộ đội xuất ngũ, từng qua hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, lại là đảng viên, nhận hộ nghèo thì thấy thật day dứt, không phải với lương tâm, dù rằng tiêu chuẩn hộ nghèo cũng bắt nguồn từ nghĩa tình tương thân tương ái của dân bản dành cho cụ. Cụ Ấn là bệnh binh 2/3, thương binh 4/4, mang trong mình chất độc da cam; có 3 người con, người con đầu và con út mang di chứng của chất đioxin (người con đầu mất năm 27 tuổi).
Cụ Ấn nói: "Người dân Thạch Ngàn còn khó khăn nhiều, gia đình tôi cũng vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình phải thuộc diện hộ nghèo. Sự thể là vào năm 2011, tôi bị u bàng quang phải mất rất nhiều thời gian đi bệnh viện chữa trị. Thấy gia đình tôi thật sự khó khăn nên cuối năm 2011 dân bản thương mà bầu chọn. Đến tháng 3/2012, khi đã qua cơn nguy kịch, tôi nói với vợ mình (cựu TNXP Nguyễn Thị Tơ) rằng: "Tôi đã khỏi bệnh, nhà đã bớt khó khăn, tôi làm đơn rút khỏi danh sách hộ nghèo bà nhé". Thế rồi tôi báo cáo với chi bộ, xin dân bản và làm đơn gửi xã rút tên khỏi danh sách hộ nghèo".
Qua tìm hiểu, 2 người con của cụ Ấn đã có gia đình riêng, ngoài khoản tiền lương hưu của cụ Ấn thì hiện nay cụ bà Nguyễn Thị Tơ chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập. Cụ Ấn tâm sự: "Tôi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, giáo viên dưỡng sinh, thành viên tổ hòa giải... Toàn những chức danh không có lương, nhưng bù lại là được gần gũi với bà con thôn bản. Về việc xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, là bởi tôi còn muốn làm gương cho con cháu. Đừng trông chờ ỷ lại, hãy vươn lên bằng sự nỗ lực của bản thân. Sau khi tôi làm đơn, đã có thêm một số gia đình xin rút khỏi danh sách hộ nghèo...".
Chị Lô Thị Hương (50 tuổi) ở bản Đồng Tâm viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo vào ngày 7/11/2012. Trong lá đơn gửi Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thạch Ngàn chị viết: "...Năm 2012, gia đình tôi còn là hộ nghèo của thôn. Qua 10 tháng phấn đấu, với sự giúp đỡ của thôn bản, nhất là của chi hội phụ nữ thôn, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã khá hơn. Nay tôi viết đơn này kính gửi cấp trên cho gia đình tôi rút ra khỏi danh sách hộ nghèo...".
Chị Lô Thị Hương giới thiệu mô hình chăn nuôi xóa nghèo.
Chị Lô Thị Hương giới thiệu mô hình chăn nuôi xóa nghèo.
Khi được hỏi về việc rút đơn, chị Hương ngượng ngùng: "Biết nói gì bây giờ chứ...". Chồng qua đời, một mình chị Hương nuôi 4 người con nên vào năm 2011 dân bản bình chọn gia đình chị là hộ nghèo. Qua gần một năm, khi thấy con cái trưởng thành, lại có sự giúp đỡ của bà con thôn bản, hội phụ  nữ trong làm ăn kinh tế, chị đã làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Hương nói: "Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì hẵng còn nhiều người vất vả hơn mình. Phải xin rút thôi để dành suất cho người khác...". Cho đến thời điểm này, kinh tế gia đình chị Hương đã cơ bản ổn định. Chị làm 4 sào ruộng, mỗi năm được khoảng 2 tấn thóc; nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 30 con, mỗi năm xuất chuồng khoảng 1,2 tấn lợn thịt, thu lãi được từ 25 - 30 triệu đồng. 
Anh Lô Doãn Xô ở bản Đồng Tâm kinh doanh dịch vụ xay xát.
Anh Lô Doãn Xô ở bản Đồng Tâm kinh doanh dịch vụ xay xát.
Ở bản Đồng Tâm, ngoài gia đình chị Lô Thị Hương, còn có 3 hộ làm đơn xin thoát nghèo, gia đình anh Lô Doãn Xô là một trong 3 hộ đó. Anh Xô có 3 đứa con còn nhỏ dại, được bầu chọn hộ nghèo, gia đình anh thụ hưởng khá nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ việc được miễn giảm học phí cho con, vay vốn ưu đãi đến hỗ trợ tiền điện thắp sáng, trợ cấp lương thực, quà tết... Bên cạnh tổ chức chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, anh Xô vay vốn kinh doanh thức ăn gia súc, đồng thời mua máy xay xát lúa  phục vụ bà con thôn bản. Nhờ kết hợp tốt các công việc nên kinh tế gia đình anh bây giờ đã ổn định, không những lo đủ cái ăn cái mặc, học hành cho con cái mà bắt đầu có tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đưa chúng tôi thăm hệ thống chuồng trại, anh Xô cho biết, hàng năm anh nuôi 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa trên 40 con, xuất chuồng mỗi năm khoảng 2 tấn lợn thịt, thu lãi khoảng 40 triệu đồng, bên cạnh đó, anh còn làm thêm nghề thợ nề để có thêm thu nhập. "Được hộ nghèo thì có lợi rất nhiều nhưng đeo đẳng danh hiệu này thì thấy thật không phải. Thạch Ngàn còn nhiều gia đình rất vất vả, mình còn trẻ nhận là hộ nghèo khó coi lắm..." - anh Xô nói.
Những lá đơn xin thoát nghèo của các hộ dân xã Thạch Ngàn.
Những lá đơn xin thoát nghèo của các hộ dân xã Thạch Ngàn.
Nên có sự tôn vinh
Ở xã Thạch Ngàn, ai cũng vui khi nói về chuyện các gia đình làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Ngân Văn Nhung, vào đầu năm 2012, khi Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết 49 về công tác giảm nghèo thì ý thức vươn lên của người dân đã tốt hơn rất nhiều. Ngoài 15 hộ đã làm đơn, hiện nay còn có một số gia đình trực tiếp đề nghị với Ban quản lý thôn bản xin được rút tên khỏi danh sách hộ nghèo. Anh Nhung phấn khởi: "Những hộ này đều rất nỗ lực tăng gia, sản xuất để làm kinh tế gia đình. Họ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo vì thấy kinh tế gia đình đã tương đối ổn định. Như gia đình chị Lữ Thị Toán ở bản Kẻ Gia liên tục mấy năm được thôn bản chọn là hộ nghèo, nay tự thấy đã tổ chức được sản xuất, chăn nuôi, có được một con trâu, xe máy, ti vi... nên làm đơn xin rút tên khỏi danh sách". 
Chúng tôi đã được xem lá đơn của chị Toán, nội dung thật mộc mạc, chân tình. Chị Toán viết: "Từ trước tới nay, gia đình tôi rất nghèo khổ. Với sự quan tâm giúp đỡ của Ban quản lý thôn bản, của UBND xã, đã bình xét cho gia đình chúng tôi được hưởng chế độ hộ nghèo 3 - 4 năm nay. Hiện nay, tôi vẫn có 4 đứa con đang ăn học, nhưng kinh tế gia đình đã tạm ổn, trong nhà có trâu, xe máy, ti vi. Vậy tôi làm đơn này xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, để nhường lại cho những gia đình còn nghèo khó như gia đình tôi trước đây...". 
Xã Thạch Ngàn có 1.332 hộ, 5.905 khẩu, là xã còn nhiều khó khăn của huyện Con Cuông. Năm 2012, Thạch Ngàn có tới 42,12% hộ nghèo, vậy nhưng, sau khi có Nghị quyết 49 của Đảng ủy xã, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm xuống còn 38,2% hộ, đợt xét chọn năm 2014 này, số hộ nghèo rút xuống còn 31,8%.
Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Con Cuông: "Khi nhận được đơn xin thoát nghèo do chính quyền cơ sở chuyển lên, phòng LĐ-TB&XH Con Cuông đã cử cán bộ về kiểm tra và thấy đúng là các hộ này đã có đủ khả năng để thoát nghèo; các hộ làm đơn hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi rất ghi nhận sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Ngàn, đặc biệt là những gia đình có đơn. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất UBND huyện động viên khen thưởng những gia đình này...".

Các cán bộ Huyện ủy Con Cuông cũng có chung niềm vui với cán bộ xã Thạch Ngàn. Ông Phùng Văn Mùi - Phó Trưởng ban Tuyên giáo đã nói rằng khi biết tin có một số hộ dân viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, ông đã nghĩ ngay đến việc phải kiến nghị cấp trên có biểu dương, khen thưởng kịp thời. Bởi theo ông, vấn đề hộ nghèo và chính sách cho hộ nghèo đang là một vấn đề khá nan giải ở cơ sở, vì vậy, có được những bà con chủ động xin thoát nghèo thì sẽ là những tấm gương rất tốt để các gia đình khác noi theo. Với Phó Bí thư Huyện ủy Vi Văn Sơn thì: "Tôi thấy rất mừng khi nghe tin có một số hộ tự nguyện làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Về Thạch Ngàn để tìm hiểu nguyên nhân, tôi được chứng kiến các hộ rất nỗ lực trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế. Với những hộ này, rõ ràng họ có ý thức rất cao trong việc thoát nghèo...".

Về Thạch Ngàn, được chứng kiến những gia đình đã tự nguyện gác bỏ các lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của bản thân thì quả thật không vui sao được. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo là sự ưu việt của chế độ, nhưng vì vậy, đang có không ít gia đình mang tâm tưởng trông chờ, ỷ lại, thậm chí, ở một số địa phương cơ sở đã xẩy ra những chuyện không hay từ việc bình bầu, xét chọn hộ nghèo. Bởi vậy, những gia đình đã viết đơn xin thoát nghèo ở Thạch Ngàn thực sự là những tấm gương cho xã hội noi theo.
Nhật Lân

Tin mới