Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An: Bao giờ mở khóa?

(Baonghean) - Năm 2007, UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An là khu giàu có bậc nhất trong số 8 khu DTSQ trong cả nước về các loài hoang dã và diện tích rừng tự nhiên còn lại. Để giúp bạn đọc hiểu thêm giá trị và hướng khai thác, phát triển Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Được biết, trên thế giới hiện có 580 khu DTSQ thuộc 114 quốc gia và ở nước ta có tới 8 khu. Việc công nhận các khu dự trữ sinh quyển như vậy nhằm mục đích gì?  
Du thuyền trên sông Giang
Du thuyền trên sông Giang
Đồng chí Nguyễn Tiến Lâm: Khu DTSQ là khu vực do một quốc gia thành lập và được công nhận bởi Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc UNESCO nhằm góp phần: Bảo tồn đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học cũng như đảm bảo các dịch vụ cung cấp bởi sự đa dạng trên; thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững các mặt kinh tế, môi trường, xã hội, nhất là phát triển văn hóa một cách phù hợp; nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
P.V: Như quan niệm trên thì giá trị chủ yếu của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được xác định bao gồm những gì?
Đồng chí Nguyễn Tiến Lâm: Nói đến giá trị của các khu DTSQ nói chung cũng như giá trị của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, người ta thường đề cập tới 2 lĩnh vực: Tính đa dạng sinh học và các giá trị về văn hóa, kinh tế - xã hội. Khi xét công nhận về Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, Tổ chức UNESCO đánh giá cao tính đa dạng của hệ sinh thái động thực vật. Đó là khu DTSQ giàu có bậc nhất trong số 8 khu DTSQ của nước ta xét về các loài hoang dã, với một số loài đặc hữu và gần đặc hữu với diện tích lớn rừng tự nhiên còn lại. Kết quả sơ bộ điều tra khảo sát điều kiện tự nhiên, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học thì chỉ riêng Vườn quốc gia Pù Mát có 1297 loài, 51 loài quí hiếm (12 loài đặc trưng) về thực vật 938 loài, 77 loài quí hiếm (19 loài đặc trưng) về động vật được xếp vào hạng ưu tiên và đặc biệt ưu tiên bảo tồn.
Các khu DTSQ còn hàm chứa các giá trị văn hóa phong phú và là nơi sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số. Trong đó có tộc người Ơ đu là tộc người có dân số ít nhất thế giới; dân tộc Đan Lai đang bị thoái hóa do tập quán sản xuất, sinh sống lạc hậu; nền văn hóa  đặc sắc của người Thái và nhiều di tích, danh thắng, sản phẩm thương hiệu.
P.V: Lợi ích khu DTSQ  mang lại? 
Đồng chí Nguyễn Tiến Lâm: Trước hết, đối với những người làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp: Được hưởng lợi từ các dự án trình diễn và đào tạo về cách thức quản lý và sử dụng đất và tài nguyên bền vững trong các khu DTSQ. Thứ đến, cung cấp dữ liệu để các nhà khoa học có thể dựa vào đó xây dựng các giả thuyết mới về các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng như xác định xu hướng biến đổi khí hậu và môi trường trong tương lai; nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành cũng như giám sát lâu dài về các quá trình sinh thái và đa dạng sinh học, tạo việc làm, có cơ hội tiếp tục duy trì các giá trị truyền thống; môi trường trong sạch và lành mạnh hơn cho các cộng đồng địa phương và con cháu của họ. 
Ngoài ra, khu DTSQ còn cung cấp thông tin, nâng cao năng lực quản lý nhà nước bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một công cụ để các quốc gia đáp ứng nghĩa vụ của mình trong các công ước quốc tế như công ước về đa dạng sinh học, sa mạc hoá và Chương trình nghị sự 21. Giải quyết mâu thuẫn trong sử dụng đất và bảo tồn đa dạng sinh học, tạo ra những cơ hội trong giáo dục, giải trí và du lịch, ý thức đoàn kết nhân dân trên toàn thế giới để quản lý bền vững sinh quyển.  
P.V: Để phát huy các giá trị cũng như lợi ích của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, chúng ta cần phải làm gì?
Đồng chí Nguyễn Tiến Lâm: Để phát huy các giá trị của khu DTSQ, cần tập trung giải quyết tốt 3 việc:
1. Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng các dân tộc để khơi dậy niềm tự hào về  nền tảng văn hóa phong phú và tính đa dạng của thiên nhiên sẵn có trong Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.
2. Điều tra, đánh giá, thẩm định bổ sung các giá trị về đa dạng sinh học cũng như tính phong phú về văn hóa của khu DTSQ nhằm lồng ghép các giá trị của khu DTSQ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, coi phát triển kinh tế xanh là mục tiêu nhằm hướng tới tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nghệ An.
3. Khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp với xây dựng nhãn mác hàng hóa, sản phẩm truyền thống, đặc trưng trong khu DTSQ gắn thương hiệu Khu DTSQ miền Tây Nghệ An để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư trong vùng, đồng thời quảng bá hình ảnh vùng đất đầy tiềm năng phía Tây Nghệ An.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hải Yến (Thực hiện)

Tin mới