Chuyện buồn ở Đôn Phục

(Baonghean) - Vì nhọc nhằn mưu sinh, ôm giấc mộng được xuất ngoại để “đổi đời”, đã không ít người dân Đôn Phục (Con Cuông) vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Đất khách quê người, không có giấy tờ hợp pháp, họ phải sống chui lủi qua ngày; có nhiều người bị bắt giam, đánh đập...
Ngôi nhà bị sập của Vi Văn Thiết.
Ngôi nhà bị sập của Vi Văn Thiết.
Đó là cảnh sống của những người xuất ngoại “chui” trở về sau một chuỗi dài ngày bị bắt và giam giữ tại Trung Quốc mà chúng tôi được tiếp xúc tại bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Họ “xuất ngoại” khi trên người không có một thứ giấy tờ tùy thân nào. Họ đi chỉ vì một lời hứa từ những người quen trong bản qua Trung Quốc lấy chồng những năm trước đây... 
Vài năm về trước, bản Hồng Thắng cùng với bản Hồng Điện, xã Đôn Phục là điểm nóng về nạn buôn người. Có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa bán đi Trung Quốc. Họ bị chính những người trong bản hoặc những làng bản lân cận (mà trước đó họ cũng là những nạn nhân buôn người) lừa bán. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí và chính quyền cũng như lực lượng công an, nạn buôn người  lắng xuống. Gần đây lại nổi lên phong trào đi lao động Trung Quốc “chui”. Những người đi lấy chồng ở Trung Quốc trở về thăm nhà hoặc qua những cuộc gọi tâm sự, những lời tỉ tê: “Sang bên ấy làm nhàn ru, mỗi tháng cũng được vài ba nghìn tệ, quy ra cũng được chục triệu tiền mình. Mức thu nhập vậy hơn hẳn đi miền Nam làm công ty, chẳng kém việc đi Thái Lan hay Malaysia”. Nhiều người vùng cao nghe nói đến mức thu nhập đó, cả đời làm ruộng, nương cũng không mơ tới, nên quyết đi lao động “chui”. Riêng bản Hồng Thắng hiện có hàng chục người đang cư trú trái phép phía bên kia biên giới và hiện có gần chục người đang bị chính quyền Trung Quốc bắt giam vì không có giấy tờ tùy thân.
Ông La Đình Việt, Trưởng bản Hồng Thắng cho biết: Phong trào đi Trung Quốc “chui” tại bản người Thái này bắt đầu rộ lên  từ đầu năm 2014. Năm 2013, trong bản có Vi Văn Chuyền 22 tuổi đi “chui” được gần một năm khi trở về thấy mua được cái xe máy đẹp, lại giúp cha mẹ tu sửa được nhà cửa. Năm nay, Chuyền về rủ thêm em trai là Vi Văn Đạo đi theo. Nhiều người trong bản thấy bảo sang bên kia không cần phải có tay nghề, không học tiếng như xuất khẩu lao động chính thống, lại chẳng cần đến giấy tờ, hộ chiếu nên xin đi cùng. Họ đi với lời hứa đảm bảo an toàn và có công việc thu nhập cao từ những người quen mà phần lớn trước đó đã bị bán đi Trung Quốc, đã lấy chồng và cư trú ổn định. 
Một trong những người đi theo lời hứa hão như thế là ông Lương Văn Tịnh, 52 tuổi. Ông cho rằng, bản thân có phần may mắn vì đã được trở về nhà, có những người đi “chui” như ông và bị chính quyền sở tại bắt giữ đến giờ chưa biết sống chết ra sao? Ông nhớ lại, vào đầu năm 2014, khi ấy mới xong Rằm tháng Giêng. Có cô cháu họ người cùng bản đi lấy chồng Trung Quốc tên gọi là Chiến, gọi điện về bảo đi sang phụ hồ, mỗi tháng được 9 triệu đồng. Ông mừng vì ngần ấy tiền là một khoản thu nhâp trong mơ. Ông Tịnh cùng với một nhóm gồm 9 người nữa theo chỉ dẫn qua điện thoại của cô cháu, ra Cửa khẩu Móng Cái, rồi đi vòng vượt qua các trạm kiểm soát, vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Sang đến nơi còn chưa kịp đến chỗ làm việc thì cả nhóm gồm 10 người đã bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Trong số này, không ai có giấy tờ tùy thân nên bị giam giữ lại suốt một tháng rưỡi. Ông Tịnh kể lại: “Cả nhóm bị giam chung một chỗ, chật chội đến nỗi không thể duỗi thẳng chân được. Mỗi bữa cả chục con người chỉ được chia 2 tô cơm để ăn cầm hơi cho khỏi chết”. Sau đó, nhóm người này được trao trả cho Công an Việt Nam và họ đã phải xin đi nhờ xe từ Cửa khẩu Móng Cái về Thành phố Vinh, rồi người nhà xuống đón về. Sau bài học nhớ đời này, ông Tịnh chia sẻ: “Bây giờ trong giấc mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi lại bên ấy nữa!” 
Ông Lương Văn Tịnh kể về những tháng ngày bị giam giữ tại Trung Quốc.
Ông Lương Văn Tịnh kể về những tháng ngày bị giam giữ tại Trung Quốc.
Không may mắn như ông Tịnh là gần chục thanh niên của thôn Hồng Thắng. Trong số này, có 2 anh em ruột là Vi Văn Chuyền và Vi Văn Đạo. Chuyền 22 tuổi, còn Đạo chưa đầy 18 tuổi. Hiện nay, trong căn nhà mới tu sửa lại nhờ tiền đi Trung Quốc “chui” của Chuyền mang về từ năm ngoái, đã đẹp đẽ hơn nhưng cũng hiu quạnh hơn bởi 2 người con hiện đang bị giam lại phía bên kia biên giới. Ông Vi Văn Minh, bố của 2 thanh niên này kể: “Nhà có người cô lấy chồng Trung Quốc từ năm 1998. Thấy bảo bên ấy làm ăn được, lại có người nhà, gia đình vững dạ cho con đi làm ăn dẫu biết rằng đi như thế là không hợp pháp. Sau 3 tháng, ông Minh nhận được tin cả 2 con đều đã bị chính quyền sở tại bắt giữ vì không có giấy tờ tùy thân. Gọi điện cho cô em gái ở bên Trung Quốc, cũng không liên lạc được. Từ đó, ông Minh khôn nguôi ngóng tin con. Hỏi những người từ Trung Quốc trở về, cũng chẳng có được tin tức gì. Ông chỉ mong sao các con bình an trở về. “Dù bên ấy có núi vàng, núi bạc cũng nhất quyết không cho đi nữa”, vừa ngắm ảnh cũ của con, ông Minh ngân ngấn nước mắt chia sẻ. 
Cùng chung cảnh ngộ với hai anh em Chuyền và Đạo là anh Vi Văn Thiết. Hay tin chồng bị bắt, cô vợ cũng đã cõng con về nhà bố mẹ đẻ ở xã Bình Chuẩn, bỏ lại căn nhà lá dựng tạm trống hoác.
Ông La Đình Việt cho biết, hiện vẫn có những người đang ngấm ngầm trốn đi Trung Quốc mà ban quản lý không có cách nào xử lý ngăn cản ngoài việc báo cáo lên công an và chính quyền cấp trên. Đã đến lúc chính quyền địa phương phải vào cuộc để tuyên truyền, ngăn chặn nạn xuất ngoại “chui” đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn các xã Đôn Phục, Bình Chuẩn của huyện Con Cuông.
Hà Phượng

Tin mới