Xin ra khỏi hộ nghèo

(Baonghean) - Năm nay, xã Châu Hạnh, huyện miền núi Quỳ Châu có 50 hộ thoát nghèo, trong số đó có 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Thái), ở tại bản Tà Cồ xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những hộ này, tuy chưa khá giả, nhưng họ đã tự nguyện gác bỏ các lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình.
Vợ chồng anh Hà Văn Quang.
Vợ chồng anh Hà Văn Quang.
Bản Tà Cồ có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai chủ yếu là đất đồi rừng, khe suối, tuy vậy, người dân nơi đây đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cuộc sống. Ông Hà Văn Dương, Trưởng bản Tà Cồ cho hay, những năm trước, cũng như các bản khác, việc bình xét hộ nghèo ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi ai cũng muốn nghèo để được vay vốn làm ăn, được hưởng các ưu đãi của Nhà nước như: hỗ trợ nhà ở, tiền điện, cấp muối ăn, đầu tư con giống gia súc, gia cầm để chăn nuôi… Nhưng vài năm gần đây, bà con trong bản đã hiểu, nếu chỉ chờ Nhà nước hỗ trợ mà mình không cố gắng thì cũng không thể thoát nghèo được, nên bây giờ hộ nào cũng lo làm ăn.
“Hộ nghèo được hỗ trợ vốn, cây, con giống đều làm ăn có hiệu quả. Bà con đua nhau lao động sản xuất, ngày nắng thì đi chăm sóc cây, chăn trâu, bò ngày mưa thì đi trồng trỉa và xúc cá khe kiếm thêm nguồn thu nhập, chỉ có người bị ốm, người già và trẻ nhỏ là ở nhà thôi. Do vậy, hộ nào có cuộc sống khá lên thì tự giác xin ra khỏi diện nghèo” - anh Dương phấn khởi cho biết.
Thật vậy, chúng tôi đã đến thăm 3 gia đình tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, thì 2 nhà đã đóng cửa đi làm, chỉ có anh Vi Văn Nhẫn còn ở nhà, nếu đến muộn chút nữa thì anh cũng đi lên rẫy. Mấy năm trước gia đình anh Nhẫn thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước cho vay vốn trồng keo, chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, đồng thời có tích lũy để làm nhà. Hiện nay, gia đình anh có trâu, có  bò rồi có đất trồng mía, trồng rừng để phát triển kinh tế bền vững. “Mình xin ra khỏi hộ nghèo để nhường phần ưu tiên cho hộ còn khó khăn hơn mình”, anh  Nhẫn vui vẻ chia sẻ.
Theo lời giới thiệu của bà con, chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Quang. Anh Quang cho biết: “Gia đình tôi trước kia cũng nghèo, 3 năm thuộc diện hộ nghèo. Tuy chưa được hỗ trợ vốn vay dành cho hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi sản xuất, nhưng cũng được Nhà nước hổ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, gạo cho các con ăn học. Bây giờ các con đã thôi học, vợ chồng mình sẻ cố gắng dành  nhiều thời gian để phát triển kinh tế để tự lực vươn lên, chứ ở mãi trong danh sách hộ nghèo thì xấu hổ lắm. Vì vậy tôi đã bàn với vợ con xin ra khỏi hộ nghèo và cả gia đình cũng đồng ý”. 
Câu chuyện tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo của 2/3 hộ ở bản Tà Cồ  đang lan tỏa khắp các bản làng trên địa bàn xã Châu Hạnh. “Tôi nghĩ, họ chính là những tấm gương rất tốt để các gia đình khác noi theo, nên phải được nhân rộng ra toàn xã, để kích thích phong trào thi đua làm kinh tế gia đình. Sắp tới, tôi sẽ đề nghị UBND xã cần có sự hỗ trợ để các hộ này tiếp tục phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, ông Trưởng bản Tà Cồ Hà Văn Dương bộc bạch.
Trần Ngọc Lan

Tin mới