Con Cuông: Dấu ấn từ những công trình

(Baonghean) - Xác định hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển, huyện Con Cuông đã tập trung lồng ghép, sử dụng, đầu tư hiệu quả các nguồn vốn vào lĩnh vực này. Vì vậy, kết cấu hạ tầng trên địa bàn từng bước được tăng cường, nhiều công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. 

Mấy năm gần đây, lên Con Cuông điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống đường giao thông và các cầu cống được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Nhiều con đường mới được hoàn thành, nhiều cây cầu được đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui lớn cho nhân dân. Ông Kha Trọng Bình, Trưởng bản Xát, xã Châu Khê nhiệt tình dẫn tôi đi ra cầu treo, phấn khởi cho biết: “Bản có 15 hộ với gần 50 nhân khẩu. Trước đây cầu qua suối tạm bợ, mỗi lần đi qua ai cũng nơm nớp, lo lắng. Vào mùa mưa, đi lại hết sức khó khăn và nguy hiểm. Thương nhất là hàng chục học sinh, hôm nào mưa to, nước dâng là phải ở nhà, không đến trường được”.
Tuy nhiên, nỗi lo đó của ông Bình và nhân dân trong bản giờ chỉ còn trong ký ức khi cây cầu treo mới khang trang, vững chãi được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng. “Có cầu rồi, nhân dân bản ta được nhiều cái lợi lắm! Bây giờ, qua khe, qua suối an toàn; các mặt hàng nông sản như ngô, sắn được vận chuyển, mua bán thuận tiện, không bị tư thương ép giá như trước”, ông Bình vui vẻ. Cầu treo bản Xát và bản Diềm là 2 trong số 6 cây cầu treo dân sinh được xây dựng trên địa bàn huyện Con Cuông trong nhiệm kỳ qua do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, được thiết kế để sử dụng cho người đi bộ, các loại xe thô sơ,... Đến nay, cả 6 cầu treo trên địa bàn đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, kết hợp với các cầu treo đã được xây dựng trước đó tạo nên hệ thống cầu treo dân sinh tương đối đồng bộ, tạo thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của nhân dân tại các điểm ách yếu.
Cầu treo Bãi Ổi, xã Chi Khê đưa vào sử dụng  năm 2013 tạo điều kiện đi lại tốt hơn cho người dân.
Cầu treo Bãi Ổi, xã Chi Khê đưa vào sử dụng năm 2013 tạo điều kiện đi lại tốt hơn cho người dân.
Đến nay, Con Cuông đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Nếu như trước đây con đường duy nhất từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt và Khe Búng chủ yếu đi bằng đường thủy; mùa mưa lũ, nước lên, người dân 2 bản hầu như bị chia cắt và cô lập. Nhưng giờ đây con đường từ trung tâm xã chạy men theo dòng sông Giăng vào các bản Cò Phạt và Khe Búng đang được Nhà nước đầu tư xây dựng, mang lại nhiều thay đổi lớn cho cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng.
Đồng chí Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Con đường sẽ giúp mở mang phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống của người dân Đan Lai. Nếu như trước đây, người dân muốn đi ra trung tâm xã phải mất 4 tiếng đồng hồ, nay có con đường rồi chỉ mất 1 giờ”. Tính trên tổng thể, chỉ trong 5 năm qua, toàn huyện Con Cuông đã huy động được 731 tỷ đồng, triển khai mở mới hơn 100 km đường vào vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, cải tạo và nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm, nhân dân đã đóng góp gần 23 tỷ đồng làm đường. Những con đường “ý Đảng lòng dân” đã được kết nối 125/127 thôn bản với trung tâm xã, tạo thuận lợi rất lớn cho nhân dân. 
Bên cạnh hệ thống giao thông, hệ thống lưới điện nông thôn ở Con Cuông được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo nên thay đổi lớn cho bộ mặt và cuộc sống của nhân dân nhiều địa phương. Đặc biệt, dấu ấn nổi bật là huyện đã triển khai đưa hệ thống điện lưới quốc gia đến với người dân xã vùng sâu, vùng xa Bình Chuẩn và đến cuối năm 2013, có 979 hộ dân thuộc 8/8 thôn của xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Theo đó, cuộc sống vật chất, tinh thần của những người dân Bình Chuẩn cũng đang từng bước thay da đổi thịt. Ông Lê Việt Dĩnh, ở bản Đình, xã Bình Chuẩn vui vẻ cho biết: Trước đây chưa có điện, chúng tôi chủ yếu dùng đèn dầu, điện cù, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất. Nhưng từ khi có điện, nhiều người đã mua sắm ti vi xem truyền hình, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt; sản xuất cũng thuận lợi hơn nhiều. 
Ngoài ra, trong những năm qua, Con Cuông đã phát huy tốt các nguồn lực trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: trái phiếu Chính phủ, vốn từ Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ngân sách Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp... để xây dựng được nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Đơn cử như các công trình Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An với 150 giường bệnh, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 7A đoạn qua thị trấn, đường tuần tra biên giới Châu Khê... Tất cả góp phần thay đổi diện mạo địa phương, tạo tiền đề để Con Cuông ngày càng phát triển. Theo số liệu báo cáo về xây dựng cơ bản của huyện chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện đã triển khai thi công 28 công trình, tập trung ở 13 xã, thị của huyện. Trong đó, có một công trình đường giao thông; 9 công trình trường học; 4 trạm y tế...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông cho biết: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục giám sát, đôn đốc chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như chất lượng các công trình, đặc biệt là những công trình phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015 theo kế hoạch. Đồng thời tập trung huy động và quản lý tốt các nguồn vốn đầu tư phát triển và hoàn thiện việc quy hoạch, rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới và quy hoạch tổng thể của Thị xã Con Cuông trong tương lai; trong đó tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt”.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ đã tạo được bệ phóng rất tốt cho Con Cuông trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đó cũng là nền tảng để Con Cuông tiếp tục có bước đầu tư những dự án có tính chất trọng điểm trên địa bàn trong thời gian tiếp theo; từ đó tạo tiền đề để Con Cuông sớm đạt các tiêu chí, hướng tời thành lập thị xã du lịch sinh thái trong tương lai. 
Bá Hậu
(Đài Con Cuông)

Tin mới