Nhọc nhằn gieo chữ bản xa

(Baonghean.vn) - Cả huyện Kỳ Sơn hiện có 71 trường học của 3 bậc học THCS, tiểu học, mầm non và hầu hết đều thuộc diện khó khăn. Đặc biệt ở bậc tiểu học và mầm non, giáo viên phải vào tận các bản làng xa xôi để dạy học, sự khó khăn càng gấp bội.

Chúng tôi đặt chân đến điểm trường Tiểu học Na Ngoi 2 tại bản Huồi Thum khi tiếng trống bắt đầu vào lớp. Điểm trường này có 28 học sinh người Khơ Mú do 2 thầy phụ trách là thầy Phan Thanh Hòa và thầy Vừ Bá Và. Để vào được điểm trường Huồi Thum, các thầy đã phải đi bộ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Vào những ngày trời mưa thì có khi gần 2 tiếng mới tới nơi. Con đường dốc đứng, phải luồn qua vách đá, rừng rậm, gian nan cực khổ vô cùng. Toàn trường có 4 lớp học 2,3,4,5 không có lớp 1. Thầy Phan Thanh Hòa cho biết, năm nay lớp 1 chỉ có 4 em nên không thành lập lớp được, đành phải để các em học lớp ở trường mầm non. Ngôi trường này được dựng lên bằng tranh tre nứa lá, một bên là phòng ở của 2 thầy cũng lụp xụp như một túp lều.

Điểm trường Tiểu học Na Ngoi đóng tại bản Huồi Thum
Điểm trường Tiểu học Na Ngoi đóng tại bản Huồi Thum

Quan sát trong “túp lều” ở của thầy, chúng tôi thấy một chiếc giường được kê tạm bợ để nằm và một chiếc bàn làm việc chung. Đơn sơ vậy thôi, cứ xong buổi dạy là chạy về đi kiếm mớ rau nấu ăn. “Cứ cuối tuần chúng tôi lại cử người cuốc bộ lên bản Phù Khả mua thêm ít trứng, ít thịt đưa xuống để đủ ăn cho cả tuần” – thầy Hòa cho biết thêm. Rồi thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện mấy hôm trước thầy từ Phù Khả đi xuống bị ngã giờ còn đau ê ẩm. Con đường nhỏ chỉ bằng 2 gang tay nên thầy bị trượt bánh xe ngã xuống, cũng may chưa bị rơi xuống vực. Câu chuyện của thầy làm chúng tôi cảm thấy ớn lạnh và ngậm ngùi biết mấy. Hành trình đưa con chữ đến với những bản xa của họ thật không đơn giản chút nào.Ngồi nhấp chén nước, thầy Phan Thanh Hòa tâm sự: “Tôi từ huyện Con Cuông lên đây công tác đã 14 năm và gắn bó điểm trường này đã được 2 năm. Khó khăn nhất vẫn là đường đi đến trường, kinh tế nghèo nàn nên đời sống giáo viên cũng khó khăn thiếu thốn nhiều mặt. Như điểm trường chúng tôi, năm nào cũng phải huy động dân bản đến thưng lợp lại mới có thể yên tâm dạy học được. Thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa rồi lốc xoáy đến cuốn bay tất cả mái nhà”.

Thầy giáo Phan Văn Hòa đang soạn bài trong
Thầy giáo Phan Văn Hòa đang soạn bài trong "túp lều" của mình nơi bản xa

Rời Na Ngoi, chúng tôi đến bản Sao Va (xã Bảo Thắng). Từ trung tâm của xã đi vào bản Sao Va chỉ với 10 km nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới tới nơi. Con đường khó khăn không thể nào nói hết, dốc dựng đứng, đá ngổn ngang giữa đường như muốn cản trở bước chân người. Đó là những ngày trời nắng còn đi xe vào đến nơi được chứ trời mưa thì đành chịu.

Thầy Lương Văn May hồ hởi ra đón chúng tôi như thể lâu lắm rồi mới có người thân vào tận đây thăm trường. Điểm trường Sao Va đã được xây dựng khang trang với 5 phòng học nhưng đời sống của bà con và các thầy cô giáo ở đây vẫn hết sức khó khăn. Đường đi đã khó, điện lưới cũng không, mọi thứ đều tự cung tự cấp.

Các thầy dạy ở đây cho biết, năm nay được vào ở khu nội trú mới nên cũng yên tâm công tác chứ như các năm trước mọi người đều phải vào nhà dân bản để ở trọ và dạy học. Đến cái giường còn không đủ chỗ mà nằm, mỗi người ở nhờ mỗi nhà, thức ăn thức uống đều phải nhờ mua từ nơi khác đến.

Thầy Nguyễn Xuân An – Phó hiệu trưởng trường PTCS DTBT Bảo Thắng cho hay: “Vì điều kiện giáo viên ở bản Sao Va rất khó khăn nên nhà trường cũng bố trí luân chuyển địa bàn dạy học trong từng năm. Hiện ở bản Sao Va, khó khăn nhất vẫn là đường đi nhưng chúng tôi cũng vui mừng vì tinh thần giáo viên ở đây rất cao”.

Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng những giáo viên cắm bản luôn nhận được sự quan tâm của bà con dân bản. Các thầy cô được dân bản quý mến xem như con em của mình. Già làng Bùi Văn Tuấn (bản Huồi Thum, Na Ngoi) tâm sự với chúng tôi rằng: “Cũng may nhờ các thầy chịu khó vào đây dạy học cho con em bản ta đấy. Cả bản hiện nay mới có một người học hết cấp 3 thôi, bản ta thiếu cái chữ quá mà. Thầy cô chịu khổ với dân bản như vậy để ở lại dạy học, mình phải thương thầy cô chứ”. Bữa tối hôm đó, ông dọn ra ché rượu cần mời chúng tôi ở lại cùng ăn uống. Thầy Phan Thanh Hòa nói rằng: “Bữa ăn nào bố Tuấn cũng lên xem thử thầy cô có gì ăn không, nếu thấy chúng tôi chưa nấu liền về bảo vợ con nấu thêm để chúng tôi xuống ăn cùng”.

Bí thư chi bộ bản Sao Va (Bảo Thắng) ông Ốc Văn Phương cho chúng tôi biết thêm: “Các thầy cô ở đây tình cảm và đoàn kết với dân bản lắm. Bà con chúng tôi lên rừng về được bó rau, bó măng gì cũng mang đến cho thầy cô để họ cải thiện thêm bữa ăn”. Cuộc sống giáo viên cắm bản là vậy, tuy khó khăn vất vả nhưng tình cảm vì thế càng gắn bó.

                   Bài, ảnh: Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới