Huyền thoại cung đường Tây Nghệ An

(Baonghean) - Với 184 km đi qua 3 huyện rẻo cao: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, con đường này có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người và vùng đất miền Tây Nghệ An.

Gian nan những ngày tháng mở đường

Trước ngày khánh thành tuyến đường Tây Nghệ An, chúng tôi gặp ông Võ Quang Nhu - Phó Chỉ huy công trường thi công gói thầu 17. Giữa đêm núi rừng trên đỉnh dốc bản Thâm Thẩm, nét mặt nom già hơn tuổi 47 của người đàn ông quê lúa Yên Thành dường như đã giãn ra. Ông kể: Tốp kỹ sư, công nhân của Công ty cổ phần Tân Nam lên đây gồm có 50 người, có mặt từ ngày đầu của giai đoạn 2, tức là tháng 3/2010, thực hiện thi công đoạn đường từ km 102 đến km 112, nối giữa xã Tri Lễ (Quế Phong) với xã Nhôn Mai (Tương Dương).

Đơn vị thi công đường Tây Nghệ An đoạn qua địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong)
Đơn vị thi công đường Tây Nghệ An đoạn qua địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong)

Ngày ấy đường còn chưa thành hình. Giao thông từ Nhôn Mai sang Tri Lễ chỉ là một lối mòn như sợi chỉ vắt qua những dãy núi cao, rồi đột ngột chui xuống khe sâu. Trên con đường ấy, dân bản vẫn hàng ngày len lỏi, leo dốc làm nương rẫy. Điện không có, nước sạch cũng không; Thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, đêm lạnh như dao cắt, sáng lại sương muối, trưa thì nắng như thiêu đốt.

Để vận chuyển lương thực từ trung tâm xã Tri Lễ vào cũng phải mất 1 ngày trời. Còn việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào địa điểm thi công là một thử thách cực độ. Xe tăng bo vào mỗi chuyến cũng chỉ được 1-2 tấn, chuyển được 10 tấn vật liệu vào cũng phải mất 4-5 ngày.

Đó là những ngày khô ráo, còn ngày mưa thì tất cả như bị “buộc chân” trong lán trại, giữa đỉnh núi gió lùa. Mưa liên tục, ngày này sang ngày khác. Những lúc đó, dẫu cho máy móc, vật liệu có đầy đủ thì các công trường cũng phải nằm im, có khi nghỉ triền miên cả tháng trời. Đời sống gian khổ, việc thi công cực kỳ khó khăn, lại thêm việc thắt chặt chi tiêu công.

Không ít đơn vị thi công trên tuyến đường này đã phải bỏ cuộc. Kỹ sư, công nhân trong nhóm của ông Nhu hiểu rằng: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực miền Tây phát triển; là tuyến đường kết nối đường vành đai biên giới với tỉnh Nghệ An, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh biên giới.

Đại diện lãnh đạo tỉnh và Sở GTVT thị sát thi công đường Tây Nghệ An
Đại diện lãnh đạo tỉnh và Sở GTVT trong một đợt thị sát thi công đường Tây Nghệ An.

Từ chỗ ý thức về trách nhiệm của mình trước cộng đồng, những người kỹ sư, công nhân ấy đã quyết tâm bám trụ lại thực hiện việc thi công tuyến đường. Những ngọn núi cao dần được san bằng, những vực sâu rồi cũng được lấp đầy, tuyến đường Tây Nghệ An dần hình thành với cốt nền vững chắc, rải đá rồi thảm nhựa. Nếu trước đó từ Nhôn Mai ra Tri Lễ đi mất 4 tiếng đồng hồ cho 11 km, thì nay chỉ mất 25 phút…

 Trong lán trại chung của những người thi công gói thầu 16, phân đoạn km 98  đến km 102, anh Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Thương mại Nghệ An ngồi loay hoay tính toán phương án “trục vớt” chiếc ô tô vận tải đá đã bị lật xuống nơi Dốc Đỏ - điểm thi công khó khăn nhất của gói thấu này.

Anh Dũng lý giải: Gói thầu này nguyên bản là của một công ty khác chuyển lại, do năng lực yếu nên bị “tuýt còi”. Công ty bắt đầu nhận thi công gói thầu này từ tháng 10/2014. 5 năm bằng 11 tháng, công ty phải đẩy nhanh tiến độ thi công cả ngày lẫn đêm; bạt núi mở đường công vụ, mượn đường nhà dân, tìm mọi cách khắc phục tác động của mưa gió, sạt lở. Khó khăn chồng chất khó khăn, công ty đã phải vừa làm đường, vừa phải đến từng nhà làm công tác “dân vận”.

Thi công tuyến đường phía Tây Nghệ An đã khó, việc xây dựng 41 cây cầu trên tuyến đường này còn khó khăn gấp bội. Đường đi qua những lũng sâu, khe suối lớn. “Cực độ” phải kể đến: cầu Nậm Nơn, cầu Khe Ké rồi Khe Lực, Khe Bén đoạn từ xã Mai Sơn (Tương Dương) đến xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Những ngày đầu đường không có, nên không thể nào đưa vật liệu xây dựng vào.

Thi công đường Tây Nghệ An
Công ty cổ phần Xây lắp Thương mại  Nghệ An thi công gói thầu 16 đoạn đường thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong).

Đơn vị thi công các cây cầu này là Công ty TNHH Hòa Hiệp đã phải thuê những chuyến phà từ bến thượng lưu, hồ Thủy điện Bản Vẽ chở hàng nghìn tấn vật liệu, máy móc ngược dòng Nậm Nơn, phải 2 - 3 ngày trời vật liệu mới vào đến điểm thi công. Kỹ sư Phạm Chiến Hữu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp chia sẻ: “Chúng tôi không còn tính đến chuyện lỗ, lãi mà mình thi công bằng trách nhiệm, tình cảm, bằng chữ tín đối với tỉnh nhà. Có vô vàn khó khăn không tên, không có trong bản vẽ, thiết kế khi xây dựng tuyến đường và các cây cầu trên tuyến đường Tây Nghệ An”.

Ông Trần Hữu Xuân, tư vấn giám sát hiện trường 4, các gói thầu từ 16 đến 19 cho hay: Tuyến đường Tây Nghệ An có tổng chiều dài tuyến 184 km; Điểm đầu là xã Đồng Văn (Quế Phong), điểm cuối là thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Đường đi qua 3 huyện là Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn và thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi (các đoạn qua khu dân cư thiết kế đường cấp V miền núi). Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường là 2.127 tỷ đồng. Việc xây dựng tuyến đường được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 dài 78 km, giai đoạn 2 dài 106 km. Mặc dù việc xây dựng tuyến đường hết sức khó khăn nhưng các đơn vị đều cho thấy sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm. 

Đường lớn đã mở

Mới cách đây 3 năm, xã Nhôn Mai và Mai Sơn của huyện Tương Dương vẫn là vùng biệt lập, không có đường giao thông bộ. Người dân muốn về trung tâm huyện phải đi bằng thuyền mất cả ngày trời. Hôm nay đường đã thông đến tận nhà, tận bản; xe khách cũng đã vào đón đưa, việc đi lại của bà con đã thuận tiện hơn rất nhiều.

Đường Tây Nghệ An đoạn qua địa bàn huyện Tương Dương
Đường Tây Nghệ An đoạn qua địa bàn huyện Tương Dương.

Đi cùng với con đường là điện cũng được kéo về. Kinh tế, văn hóa, xã hội chẳng mấy chốc mà bắt nhịp cùng. Đặc biệt, đường Tây Nghệ An sẽ trở thành tuyến quốc lộ kết nối với Tây Thanh Hóa và kéo dài sang Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, thành tuyến giao thông các huyết mạch Bắc – Nam thứ 3, song song với 2 tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1. Ở trên tuyến đường phía Tây này, mỗi địa phương, cấp, ngành lại có những tính toán, cách làm để vực dậy miền Tây Nghệ An.

Ông Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương khẳng định: Tuyến đường Tây Nghệ An hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho huyện nhà, nhất là khi từ trước đến nay chưa có tuyến giao thông thuận lợi nào đi vào các xã thuộc vùng trũng của Tương Dương, gồm: Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông.

Huyện sẽ có cơ hội để đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp; trồng rừng nguyên liệu có giá trị cao, trồng cỏ, xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc. Tăng cường xây dựng trường chuẩn, trạm y tế theo bộ tiêu chí theo phân kỳ, xây dựng các xã có thiết chế văn hóa đồng bộ. Tập trung giải quyết các điểm nóng về ma túy; ổn định dân cư, sản xuất, tránh việc di, dịch cư trái phép… Theo ông Phạm Trọng Hoàng, huyện sẽ nghiên cứu việc đưa các giống mới vào thử nghiệm như chanh leo (hợp với điều kiện thổ nhưỡng 2 xã Mai Sơn và Nhôn Mai), táo mèo, cây ăn quả...

đường

Từ khi có đường Tây Nghệ An, việc giao thương đi lại của người dân các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương đã trở nên thuận lợi. Nhiều mô hình, đề án kinh tế cũng phát huy hiệu quả, trong đó có đề án phát triển chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong).

Tuyến đường Tây Nghệ An cũng mang đến nhiều đổi thay trong đời sống kinh tế, xã hội của huyện Kỳ Sơn. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho rằng: Đường Tây Nghệ An chính là cơ hội để huyện Kỳ Sơn xóa đói, giảm nghèo. Huyện Kỳ Sơn cũng đã chỉ đạo các xã nằm trên tuyến đường Tây Nghệ An như: Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý, Bắc Lý đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển nông thôn...

Giao thông thuận lợi đang khơi gợi những hướng phát triển kinh tế mới. Anh Phạm Tuấn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP Nghệ An cho biết: Được phép của  Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Tỉnh đoàn đang xúc tiến xây dựng các làng Thanh niên lập nghiệp dọc tuyến biên giới của tỉnh, bám theo tuyến đường Tây Nghệ An. Các làng này sẽ xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất hiệu quả để người dân học tập…

Náo nức những ngày vui

Chung niềm vui đường lớn đã mở của bà con dân bản là các cán bộ, chiến sỹ lực lượng biên phòng. Là những người bảo vệ an ninh biên giới, bước chân của những người lính mang quân hàm xanh đã quen với những núi cao, sông, suối trầy trượt trên đường tuần tra. Nhưng nay, với tuyến đường Tây Nghệ An chắc chắn công tác tuần tra sẽ giảm bớt khó khăn và từ miền biên cương về với hậu phương được rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian.

Thiếu tá Nguyễn Nam Thái - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tri Lễ khẳng định: Đường Tây Nghệ An hoàn thành đã và đang tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, là tuyến  kết nối đường vành đai biên giới của các tỉnh, góp phần giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh biên giới, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tệ nạn, tội phạm ma túy.

Đường Tây Nghệ An
Một đoạn đường Tây Nghệ An.

Mùa vui thực sự đã về từ khi có đường Tây Nghệ An. Khu vực trung tâm xã Huồi Tụ hiện đã có trên 50 ki ốt buôn bán dọc đường. Hiện tại nơi đây đang xây dựng thêm chợ phụ đi Bắc Lý có giá trị đầu tư 5 tỷ đồng. Theo bà Lầu Y Tòng (50 tuổi) ở bản Trung tâm, xã Huồi Tụ: Từ khi có đường, kinh tế, thương mại, dịch vụ ở xã phát triển nhanh chóng. Trước đây vợ chồng bà Lầu Y Tòng – ông Vừ Chống Chơ (nay đã mất) ở bản Huồi Mộ, năm 2011, khi đường Tây Nghệ An (giai đoạn1) mở, vợ chồng ông chuyển ra bản Trung tâm cư trú, tìm kiếm phương cách làm ăn.

Chợ ven đường Tây Nghệ An, đoạn qua ngã 3 Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý
Chợ ven đường Tây Nghệ An, đoạn qua ngã 3 Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý.

Từ chỗ làm nương rẫy, chăn nuôi thuần túy, 2 vợ chồng mua 1 ô tô bán tải chuyên thu mua nông sản khắp vùng đem về bán tại trung tâm xã hoặc nhập ra thị trấn Mường Xén. Ông bà cũng mua lợn về bán, bình quân mỗi ngày bán 1 con, mua máy xay xát làm dịch vụ. Các con nhờ vậy cũng được học hành đến nơi đến chốn (con trai đầu hiện đang là cán bộ xã Huồi Tụ). Đây cũng là điều đáng ghi nhận đối với một gia đình thuộc đồng bào Mông.

Ông Hạ Bá Lề - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho hay: Đường Tây Nghệ An đã mở ra cho địa phương nhiều định hướng phát triển. Đó là phát triển cây chè tuyết shan, chăn nuôi đại gia súc. Điều hay nhất vẫn là làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của địa phương theo hướng tiến bộ hơn. Người dân chủ động đến trạm xá để khám, chữa bệnh, lễ cúng lạc hậu không còn. An ninh trật tự ổn định, đặc biệt không còn ai trồng cây thuốc phiện.

Háo hức với những ngày vui đường mới, ông Cụt Phò Dương - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho biết: Xã có tới 73% là hộ nghèo. Trước đây để xóa đói, giảm nghèo cho người dân, huyện và xã có đưa vào các giống mận tam hoa, cam, quýt, dứa, vịt bầu Quỳ Châu nhưng không có hiệu quả. Trong đó phần lớn nguyên nhân do hệ thống giao thông, đường sá chưa thuận lợi. Nay có đường, bà con đã chủ động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng dịch vụ hàng hóa. Xã cũng chỉ đạo các thôn bản đẩy mạnh các giống cây trái phù hợp thổ nhưỡng, trồng thêm gừng, đào úc, nuôi bò bản địa ...

Từ khi có đường Tây Nghệ An, người dân ở xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) đã mở rộng quy mô nghề dệt thổ cẩm truyền thống để cung cấp cho thị trường
Từ khi có đường Tây Nghệ An, người dân ở xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) đã mở rộng quy mô nghề dệt thổ cẩm truyền thống để cung cấp cho thị trường

Về Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) gặp Lỳ Bá Cha (32 tuổi) mang dưa ra chợ bán. Hai giỏ dưa quả to, mọng nước. Hỏi chuyện, Cha cho hay: Trước đây dưa bà con đồng bào Mông trồng được rất nhiều, ăn không hết phải đổ đi vì không bán được. Giờ có đường, tập đi được xe nên Cha chở ra chợ Tri Lễ bán. Nhà Cha còn có vườn đào gần 500 gốc. Vườn mỗi năm cho thu hoạch gần 70 triệu đồng từ việc bán cành, quả.

Bá Cha vui với đường mới: “Trước kia đường đi lại khó khăn, dân thu mua cành, quả đào thường phải đi xe máy, đi bộ vào nên giá không được cao. Giờ đường thuận tiện như thế này, ô tô vào tận đường lên bản, chắc chắn Tết năm nay thu nhập của gia đình còn hơn thế”. Cha còn khoe “Từ khi có đường, ta đã sang thăm bạn bên Mường Lống được 3 lần rồi đấy”. Trước đây từ Tri Lễ sang Mường Lống (Kỳ Sơn) chỉ có con đường duy nhất là bắt xe xuống Vinh rồi ngược lên Kỳ Sơn theo Quốc lộ 7 hoặc trèo đồi, lội suối cả tuần trời đường rừng. Nay đường đã rút ngắn từ hơn 1 ngày chỉ còn 2 tiếng đồng hồ đi xe máy.

Trên tuyến đường Tây Nghệ An hôm nay đã thấy những đoàn xe nhộn nhịn qua lại: Xe khách từ Kim Sơn và Mai Sơn, xe thu mua nông sản, xe của bà con dân bản đi chợ và có cả những bạn trẻ đi ô tô, xe máy “phượt” khám phá cảnh sắc miền Tây...

Bài: Thành Chung

Ảnh: Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới