Nghệ An: Lão mù sửa xe đạp và đan chổi kiếm sống

(Baonghean.vn)- Gần suốt cuộc đời bị bóng tối bủa vây, giam hãm nhưng người đàn ông ấy luôn nỗ lực vượt lên để tâm hồn và ý chí được tỏa sáng. Mỗi chặng đời, ông đều để lại một dấu ấn đối với mọi người chung quanh, và trái tim ông luôn hướng về cuộc sống, về quê hương yêu dấu.

"Tuổi thơ dữ dội"

  Ở xã Bình Sơn (Anh Sơn- Nghệ An) có một ki-ốt nhỏ nép mình giữa những ngôi nhà kiên cố, chủ nhân là ông Nguyễn Sỹ Hồng (gần 70 tuổi), bị mù lòa và sinh sống bằng nghề bện chổi đót. “Không còn đôi mắt, mất đi một giác quan, tôi phải luyện tập đôi tay, đôi chân và cái đầu của mình để bù đắp, để nhận biết xung quanh”- ông Hồng chia sẻ.

Lúc 5 tuổi, cậu bé Hồng thấy mắt đau nhức, rồi trận lũ lớn ập đến, phải sơ tán lên mái nhà suốt cả tuần. Lũ rút đi, để lại bùn đất và xác chết súc vật phân hủy khiến đôi mắt cậu càng đau nặng. Một mắt bị nổ, tròng mắt bong ra ngoài. Mắt kia chỉ thấy lờ mờ, gia đình đưa đến bác sỹ nhưng quá muộn, một thời gian ngắn sau, mắt kia cũng mất luôn khả năng nhận biết ánh sáng.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng bện chổi đót để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng bện chổi đót để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Còn nhỏ tuổi nhưng Nguyễn Sỹ Hồng đã ý thức được nỗi đau khổ và bất hạnh của một người không còn ánh sáng của đôi mắt. Cậu đã khóc rất nhiều, nhưng rồi thời gian đã giúp cậu nguôi ngoai dần nỗi buồn đau, bắt đầu biết cách chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh.

Hành trình mưu sinh

Năm 1963, gia đình chuyển từ Nam Đàn lên vùng đất Bình Sơn (Anh Sơn) khai hoang theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới. Thời điểm ấy, nơi đây còn heo hút, mọi người bắt đầu bổ những nhát cuốc đầu tiên với quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm”. Hợp tác xã phát động đóng góp tranh để lợp các công trình và ủng hộ các đơn vị bộ đội.

 Hồng tập đan tranh, học rất nhanh và chẳng mấy chốc thành thạo. Những chiếc tranh do cậu đan đều và chắc, chẳng khác gì của những người mắt sáng bình thường. Từ việc đan tranh, cậu chuyển sang đan các loại vật dụng khác như thúng, mủng, nong, kiềng... và dần trở thành một nghề mưu sinh.

Để giúp đỡ gia đình, người thanh niên mù lòa ấy còn học thêm nghề đóng cối xay. Đây là việc không dễ, dù với người mắt sáng chứ chưa nói đến những người mắt không nhìn thấy xung quanh. Vậy mà, qua mấy ngày được một người thợ quê ở miền Bắc hướng dẫn, Hồng đã đóng được chiếc cối hoàn chỉnh. Từ đó, ông có thêm một nghề kiếm sống.

Mắt không nhìn thấy nhưng ông Hồng có đôi tay khéo léo và ý chí vươn lên. Không chỉ kiếm sống bằng nghề đan lát và làm cối xay, ông còn học làm mộc. Trước tiên là làm các nông cụ như cày, bừa; rồi đến các vật dụng trong nhà như bàn, ghế, tủ. Và đáng nói hơn, ông từng tự tay làm một căn nhà bằng gỗ, từ cột, kèo đến các cấu kiện khác đều do bàn tay ông bào, đục, đẽo, rọc.

Những lúc rảnh rỗi, ông Nguyễn Sỹ Hồng thường làm bạn với chiếc đàn Măng-đô-lin.
Những lúc rảnh rỗi, ông Nguyễn Sỹ Hồng thường làm bạn với chiếc đàn Măng-đô-lin.

Nhưng đây là một nghề quá lao lực, không hợp với sức vóc của một người tật nguyền nên ông Hồng không theo đuổi thường xuyên. Khi xe đạp là phương tiện thịnh hành, ông lại tự mày mò học nghề sửa chữa xe đạp. Từ việc bơm vá, căng xích, tăng vành ông đều làm một cách chắc chắn, tiền công lại rẻ hơn nhiều so với những người khác.

Rồi đến thời xe máy thịnh hành, những chiếc xe đạp vắng dần, cũng là lúc tuổi già ập đến, ông Hồng phải nghĩ đến một công việc khác để mưu sinh. Ông quyết định làm nghề bện chổi đót, một công việc thích hợp với sức khỏe hiện thời, hơn nữa với bàn tay khéo léo và nguồn nguyên liệu tương đối sẵn nên công việc không mấy khó khăn.

Chổi ông bện được chừng nào bán hết chừng đó, người trong làng, trong xã và trong vùng tìm đến tận nhà đặt mua, có lúc làm không kịp. Bởi khách hàng từ lâu đã biết đến đôi bàn tay khéo léo. Chổi của ông  làm ra được bà con đánh giá cao về độ bền và sự tiện dụng, quét đến khi chổi “cùn” vẫn không bị sổ.

Tâm hồn nghệ sỹ

Ông Hồng lập gia đình gần 40 năm trước, vợ ông là người phụ nữ lỡ duyên, từng qua một lần đò. Hai người đến với nhau bằng sự cảm thông về nỗi bất hạnh và ở bên nhau trong những tháng ngày vất vả, gian nan. Vợ chồng ông sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái) và có 5 cháu nội ngoại.

Khá say mê và có năng khiếu văn nghệ, trong nhà ông Hồng luôn có các loại nhạc cụ (đàn ghi-ta, vi-ô-lông, măng-đô-lin và sáo) làm bạn. Lúc rảnh rỗi, ông gửi gắm nỗi lòng mình qua từng giai điệu. Những đêm khuya vắng, nỗi nhớ quê dâng trào, tiếng đàn, tiếng sáo lại vang lên.

Ông Hồng chia sẻ: “Nhìn lại cuộc đời, tôi thấy mình đã hết sức nỗ lực trong hành trình tìm “nguồn sáng”. Trên hành trình ấy, tôi luôn giữ vững niềm tin để vượt lên nghịch cảnh”.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới