5 chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu đối với ngưới dân miền núi Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đời sống còn gặp khó khăn thiếu thốn, trình độ hiểu biết hạn chế nên đồng bào các huyện miền núi, vùng cao thường bị kẻ xấu lợi dụng để kiếm lợi bất chính. Dưới đây là những chiêu trò lừa đảo bà con thường mắc phải.

1. Dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ đi Trung Quốc

Chiêu trò này xuất hiện từ nhiều năm nay, kẻ xấu thường tìm gặp chị em phụ nữ ở các bản làng, kể cả những em gái lứa tuổi vị thành niên, vẽ ra viễn cảnh về "miền đất hứa". Ở đó, công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, đời sống vật chất đầy đủ. Nghe bùi tai, không ít chị em đã bị kẻ xấu lợi dụng, bị chúng biến thành "món hàng", đưa qua biên giới để trao đổi. Phần lớn chị em bị bán cho những người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ, hoặc đưa vào các "động" mại dâm. 

Chị Kha Thị Hoa ở bản Lạp, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) từng bị người dì họ là Quang Thị Thuổn đưa sang Trung Quốc và hứa hẹn công việc có thu nhập cao. Nhưng thực chất Hoa sang bên đó làm thuê, công việc nặng nhọc nên đã tìm đường trốn về từ năm 2013.
Chị Kha Thị Hoa ở bản Lạp, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) từng bị người dì họ là Quang Thị Thuổn đưa sang Trung Quốc và hứa hẹn công việc có thu nhập cao. Nhưng thực chất Hoa sang bên đó làm thuê, công việc nặng nhọc nên đã tìm đường trốn về từ năm 2013.

Gia đình rơi vào cảnh bất hạnh, cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ. Đáng buồn hơn, có những trường hợp người dụ dỗ, lôi kéo chính là những người thân quen, ruột thịt, có khi là cô, dì hay chị em ruột. Và nhiều bậc làm cha, làm mẹ "hoa mắt" trước đồng tiền, sẵn sàng nhận mấy chục triệu đồng rồi để con phiêu bạt nơi xứ Người.

2. Rủ rê nam giới đi làm thuê

Lợi dụng tình trạng thiếu việc làm, những kẻ "cò mồi" thường tìm đến tận bản rủ rê nam giới ở lứa tuổi trung niên, thanh niên, và có khi cả thiếu niên đi làm thuê. Chúng thường hứa hẹn sẽ trả tiền công cao, công việc lại không nặng nhọc. Thiếu tiền, nhiều người khăn gói đi theo và chẳng mấy chốc bị "vỡ mộng". Vì thực chất, họ được đưa đến các công trường khai thác khoáng sản trái phép như mỏ đá, mỏ vàng, điều kiện làm việc khắc nghiệt, bị bóc lột sức lao động, trong khi tiền công bèo bọt, thậm chí có người còn bị chủ chiếm đoạt.

5 năm trước, ông Lô Văn Thìn ở xóm 1, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) đã trốn thoát trở về từ một bãi vàng ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) do điều kiện lao động quá khắc nghiệt, không được trả đồng lương nào. Trước đó, ông Thì và một số người khác được một người cùng xã hứa hẹn đi làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao.
5 năm trước, ông Lô Văn Thìn ở xóm 1, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) đã trốn thoát trở về từ một bãi vàng ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) do điều kiện lao động quá khắc nghiệt, không được trả đồng lương nào. Trước đó, ông Thì và một số người khác được một người cùng xã hứa hẹn đi làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao.

Nhiều người bị đánh đập tàn nhẫn, để lại thương tích đầy cơ thể, buộc phải tìm đường bỏ trốn về quê. Tai họa luôn rình rập, sự an toàn tính mạng bị đe dọa, vụ sập hập vàng ở Quảng Nam khiến 4 người bị chết ( trong đó có 3 anh em ruột quê ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn - Nghệ An) , trong đó có 3 anh em ruột) là một bằng chứng. Những người có cơ may trở về luôn mang theo nỗi ám ảnh về những ngày tháng bị đày đọa nơi "địa ngục trần gian".

3. Tiêu thụ hàng giả, hàng nhái

Miền núi- vùng cao là địa bàn lý tưởng để những kẻ buôn gian, bán lận tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không có nguồn gốc xuất xứ. Từ lương thực, thực phẩm, nước uống giải khát đến quần áo, hàng gia dụng (bếp ga, bếp từ, nồi cơm điện, máy lọc nước...).

Chúng thường vận chuyển đến từng nhà, vận động, thuyết phục gia chủ về tính năng ưu việt, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. Nhiều người vô tình đã bị "mắc bẫy" khi mua phải hàng kém chất lượng, không có bảo hành. 

Những kẻ buôn gian, bán lận thường tìm đến các bản làng miền núi- vùng cao để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ.
Những kẻ buôn gian, bán lận thường tìm đến các bản làng miền núi, vùng cao để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ (ảnh: Hồ Phương).

4. Hợp đồng lắp biển quảng cáo

Thực hiện chiêu trò này, kẻ xấu  thường tìm đến tận nhà, mang theo sản phẩm gia dụng (nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ...) và đặt vấn đề với gia chủ về việc hợp đồng dựng biển quảng cáo trước khuôn viên và thanh toán tiền thuê địa điểm. Nhưng để tiến tới ký kết hợp đồng, trước tiên gia chủ phải mua ít nhất 1 sản phẩn với giá "cắt cổ". Những "nhân viên" giả hiệu này thường ăn mạc lịch sự, đi xe sang, nói năng lưu loát nên dễ dàng "chinh phục" được những khách hàng bất đắc dĩ.

Ông Lương Văn Nho ở bản Nam Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) mua chiếc bếp từ này với giá 3,9 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá thị trường, chưa kể nhãn hiệu chưa được khẳng định trên thị trường đồ gia dụng. Điều này xuất phát từ việc ông nhận lời ký hợp đồng dựng biển quảng cáo, được trả tiền thuê địa điểm hàng năm. Nhưng khi bán được bếp từ, kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay.
Ông Lương Văn Nho ở bản Nam Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) mua chiếc bếp từ này với giá 3,9 triệu đồng, cao hơn nhiều so với giá thị trường, chưa kể nhãn hiệu chưa được khẳng định trên thị trường đồ gia dụng. Điều này xuất phát từ việc ông nhận lời ký hợp đồng dựng biển quảng cáo, được trả tiền thuê địa điểm hàng năm. Nhưng khi bán được bếp từ, kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay (Ảnh: Hữu Vi).

Sau khi bán được sản phẩm, những kẻ lừa đảo liền cao chạy xa bay, gọi điện hỏi luôn tìm lý do để lần lựa, thoái thác và dần dần "bặt vô âm tín". Khi gia chủ nhận ra mình bị lừa thì đã muộn...

5. Đặt làm những tờ giấy vô giá trị

Vài năm gần đây, có những tốp người ở xa mang theo máy ảnh, máy in và các loại vật liệu đến từng bản làng, từng gia đình để thuyết phục chụp ảnh, làm các loại giấy chứng nhận không có giá trị. Thủ đoạn của chúng là gặp chính quyền địa phương và các tổ chức hội (Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Nông dân...) để làm "Sổ vàng lưu niệm", chụp ảnh miễn phí cho các hội viên. Từ đó, gạ gẫm hội viên làm các loại giấy chứng nhận của Hội để lấy tiền với mức giá hàng trăm nghìn đồng.

Những tờ giấy chứng nhận kiểu này thực tế không có giá trị, những kẻ lừa bịp đã thu của bà con hàng trăm nghìn đồng/tờ.
Những tờ giấy chứng nhận kiểu này thực tế không có giá trị, những kẻ lừa bịp đã thu của bà con hàng trăm nghìn đồng/tờ.

Chẳng hạn, giấy chứng nhận "Tám chữ vàng danh dự" cho hội viên Hội Cựu chiến binh, "Tuổi cao trí càng cao" cho hội viên Hội Người cao tuổi. Thực chất, đây là trò lừa bịp, mượn danh nghĩa của các cấp Hội để "lòe" hội viên. Vì những tờ giấy loại này không có chữ ký và con dấu của bất cứ cấp Hội nào, đó là chưa kể những dòng chữ in trên đó nhiều khi rất vô nghĩa.

Kẻ xấu đang tiếp tục lợi dụng lòng tin của đồng bào miền núi- vùng cao để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, mong bà con hết sức cảnh giác, kẻo mắc "bẫy" của kẻ xấu.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới