Đời nhung lụa ngắn ngủi của phu nhân quan phủ Tương Dương

(Baonghean.vn) - Đã bước sang tuổi 98 nhưng bà Lữ Thị Quyết vẫn rất minh mẫn. Bà là vợ ông Lang Vi Năng, quan tri phủ phủ Tương Dương trước năm 1945.

Bà cụ hiện sống cùng con trai trưởng và một đàn còn, cháu, chắt tại bản Phục xã Đôn Phục (Con Cuông). Trong căn nhà chính tay phủ Năng khi đã “hết quan hoàn dân” tự tay chọn gỗ và dựng nên, cụ bà như một ngọn đèn trước gió, sống khá lặng lẽ.

 Bà hầu như cả ngày im lặng và chỉ trả lời những câu hỏi do khách của con cháu đưa ra. Bà là một trong những nhân chứng cuối cùng chứng kiến những ngày huy hoàng của dòng họ gia thế Lang Vi.

Bà Phủ Năng nay đã gần bước sang tuổi bách niên
Bà Phủ Năng nay đã gần bước sang tuổi bách niên.

Thời Pháp thuộc, chế độ “thổ quan” được áp dụng đối với vùng miền núi Nghệ An, trong đó phủ Tương Dương họ Lang Vi cai quản. Theo những hậu duệ của dòng họ “danh gia vọng tộc” bậc nhất vùng miền núi Nghệ An thì họ Lang Vi có 3 đời tri phủ và 5 đời tri huyện. Trong một thời gian dài, những chức như tri huyện, tri phủ chỉ truyền cho những người trong dòng họ hoặc theo hình thức “cha truyền con nối”.

Ông Lang Vi Năng là quan phủ cuối cùng đã bỏ phủ đệ ở bản Cửa Rào (Tương Dương) tháo chạy trước khi quân Việt Minh tiến vào tiếp quản chính quyền hồi tháng 8/1945. Bà Lữ Thị Quyết là vợ thứ 2  của phủ Năng.

Một cuốn sách viết trên lá cây được dòng họ Lang Vi xem như là bấu vật.
Một cuốn sách viết trên lá cây được dòng họ Lang Vi xem như là báu vật.

Cụ bà Quyết vốn người bản Na Khốm nay thuộc xã Yên Na (Tương Dương) là người đẹp người, đẹp nết thuộc dòng họ gia thế ở mường cổ Xiềng Nứa xưa. Bà nhớ lần đầu gặp Lang Vi Năng chỉ mới 16 tuổi trong một hội “đấu xảo” ở khu vực Mường Xén (Kỳ Sơn) bây giờ. Lần ấy có ông Xuvanuvong, hoàng tử nước Lào cũng tham gia. Khi đó Lang Vi Năng đã gần 40 tuổi. Vợ cũ của ông cũng đã mất từ lâu.

Trong cuộc gặp, quan phủ lúc ấy không còn vợ nữa nên tự do hòa vào đám con gái đến từ nhiều mường, bản mà chẳng phải e ngại tiếng xấu. Quan cũng hát giao duyên, ném còn… Từ lần gặp gỡ đó, sau khi tung quả còn cho nhau, bà Quyết chỉ biết người này làm quan nhưng không biết đó là tri phủ cai quản cả một vùng rộng lớn.

Sau này khi về bản cứ hễ rỗi là phủ Năng lại cưỡi ngựa vào bản Na Khốm thăm cô gái xinh đẹp. “Quan đi đâu cũng có người khiêng nhưng ông (phủ Năng) lại thích ngồi ngựa.”, bà cụ nhớ lại. Một thời gian sau, trong một hội “đấu xảo” khác ở bản Cửa Rào, một người giỏi xem tướng mạo nói với phủ Năng rằng nếu lấy bà này sẽ sinh nhiều con trai. Sẵn lòng thương mến, lại chưa có con trai nối dõi nên ông Lang Vi Năng gần như ngay lập tức sau đó đã hỏi cưới bà . Lúc đó bà đã 20 tuổi.

Về làm dâu trong dòng họ nhiều đời làm quan, nhưng cuộc sống gấm nhung trong phủ đệ to nhất miền tây nam xứ Nghệ của cụ bà Quyết đã không kéo dài được bao lâu. Lấy nhau được ít năm thì cách mạng nổ ra. Sau khi trao lại chính quyền cho cách mạng, dòng họ Lang Vi mất vị thế của mình. Như cách nói của người Thái thì từ quan, xuống lính.

Trong phong trào cải cách ruộng đất, nhà cửa, ruộng vườn và nhiều tài sản khác của gia đình quan phủ bị tịch thu. Sau khi xong án “cải tạo” 2 năm, Lang Vi Năng trở về cùng con cháu làm ăn như những người dân bình thường.  Từ một tri phủ phu nhân, bà Quyết trở lại với cuộc sống ruộng đồng, cùng chồng nuôi con cho đến năm 1975, phủ Năng mất.

Con trai trưởng của bà Quết, ông Lang Vi Tịnh bên những hiện vật của dòng họ một thời gia thế
Con trai trưởng của bà Quyết, ông Lang Vi Tịnh bên những hiện vật của dòng họ một thời gia thế

Quả như lời tiên tri của người xem tướng nọ, khi về làm vợ phủ Năng, bà Quyết đã sinh liền 7 người con trai. Con trai út năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Vất vả với đàn con nên cuộc sống gấm lụa dần phai mờ trong ký ức của bà cụ. Khi về già, cụ bà Quyết trở thành một nông dân lam lũ.

Nhớ về người chồng đã khuất từ hơn 40 năm về trước, cụ bà Quyết cho biết đó là một người đàn ông sống tình nghĩa. “Sau khi cướp chính quyền, có người bảo ông trốn sang Lào nhưng thương vợ, ông không đi.”

Cụ bà Lữ Thị Quyết vẫn được những người lớn tuổi trong cộng đồng gọi là trìu mến là “bà Phủ Năng”. Đó là người phụ nữ đã chứng kiến một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử vùng đất miền tây Nghệ An và cuộc sống nhung gấm của các quan chức phong kiến trước năm 1945

Hữu Vi – Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới