Tương Dương phòng chống dịch bệnh cho gia súc trong mùa mưa

(Baonghean.vn)- Đang là thời điểm giao mùa, khí hậu có những diễn biến thất thường, một số địa phương vùng sâu, xa có mật độ sông suối nhiều, khi có mưa bão nước thường dâng cao, gây ngập úng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi. Để chủ động trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm huyện Tương Dương đã tăng cường nhiều biện pháp.

Gia đình chị Hạ Vả Sấu, bản Hợp Thành được xem là một trong hộ nông dân điển hình trong phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa ở xã Xá Lượng. Nhiều năm nay gia đình chị luôn duy trì nuôi từ 7 đến 10 con trâu, bò. Chính vì thế, việc chủ động nguồn thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhất là vào mùa mưa được gia đình chị chú trọng.

Theo chị Hạ Vả Sấu, đất vườn đồi được gia đình trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn hàng ngày cho vật nuôi. Khu chuồng trại được cất dựng xa khe suối, tránh tình trạng khi mưa lũ, nước về nhiều ảnh gây hưởng đến đàn vật nuôi và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, duy trì phun thuốc, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng xung quanh chuồng trại. Ngoài ra, để trâu, bò phát triển tốt, gia đình ta chỉ chăn thả theo vùng, sau đó đưa về vỗ béo để xuất chuồng. Trời mưa tuyệt đối không thả rông.

3
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tương Dương đã chủ động được nguồn thức ăn cho trâu, bò trong những ngày mưa rét

Tương tự gia đình chị Hạ Vả Sấu, gia đình chị Mùa Y Khù, ở Bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền luôn duy trì được tổng đàn gia súc trên chục con, vì thế việc phòng chống dịch bệnh cho đàn luôn được chị đặt lên hàng đầu. Chị Y Khù cho hay, ngoài thực hiện nghiêm việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo định kỳ thì việc nắm bắt kịp thời các nguồn tin liên quan đến dịch bệnh là không thể xem thường. Có như vậy mới chủ động trong phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Theo ông Vi Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền: 5 năm trở lại đây, Lưu Kiền là địa phương có số lượng trâu, bò, dê phát triển mạnh. Hiện toàn xã có trên 500 hộ nuôi, trong đó có nhiều hộ nuôi đến vài chục con. Vì thế việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là rất quan trọng, nhất là vào mùa mưa bão.

“Chúng tôi chỉ đạo cán bộ thú y thôn bản tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt các điểm thường xuyên xẩy ra dịch bệnh. Tổ chức tiêu độc khử trùng, theo dõi sát các địa bàn, các điểm có dịch bệnh để từ đó kịp thời phòng chống, dập dịch nếu có”.- ông Bằng nói.

1
Vật nuôi chủ yếu được trong thả trong vườn, không thả rông

Với trên 36.000 con trâu, bò, gần 27.000 con lợn và hàng chục nghìn gia cầm trên địa bàn, việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc là hết sức cần thiết.

Ông Mai Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Tương Dương, cho biết: Ngoài triển khai cụ thể đến các ban, ngành và 18 xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trạm đã cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, giám sát tình hình, tiêm bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi mới. Phun tiêu độc, khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao như các ổ dịch cũ, các chợ, cơ sở giết mổ, chuồng trại chăn nuôi... 

May Huyền – Vi Mận

TIN LIÊN QUAN

Tin mới