Nhiều hộ dân ở Yên Tĩnh vẫn canh cánh nỗi lo lũ quét

(Baonghean.vn) - Đã hơn 2 tháng kể từ khi cơn lũ ngày 14/9/2016 càn quét qua những bản làng xã Yên Tĩnh (Tương Dương), cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nỗi ám ảnh bị lũ cuốn vẫn chưa bao giờ nguôi đối với người dân sống ở ven con suối nhỏ này.

Chiều dần buông, những tia nắng yếu ớt cuối ngày đang dần tắt trên đỉnh đồi, bản Pa Tý vẫn vắng bóng người, bởi người dân vẫn đang tất bật trên rẫy để hoàn thành vụ gặt cuối cùng trong năm. Ông Lô Ba Duy, Trưởng Bản Pa Tý cho biết, toàn bản có 68 hộ dân sống tập trung chủ yếu dọc con suối Chà Hạ. Hàng năm vào mùa mưa lũ, nỗi ám ảnh về lũ ống thường xuyên xảy ra khiến người dân nơi đây nơm nớp lo sợ. 

1
Nằm cạnh suối, hàng năm vào mùa mưa lũ, bản Pa Tý vẫn gánh chịu nhiều thiệt hại.

Đợt mưa lũ giữa tháng 9/2016 vừa qua, cả bản có 32/68 hộ bị ngập, nhiều hộ dân bị cuốn trôi nhà và tài sản như nhà của anh Vi Văn Dậu, anh Lương Văn Tùng... Những hộ dân này đều thuộc đối tượng hộ nghèo của xã nên đời sống vì thế hết sức khó khăn.

Để ổn định đời sống lâu dài, nhiều hộ dân ở Yên Tĩnh mong muốn di dời đến vị trí cao hơn tuy nhiên do nguồn ngân sách hạn chế, đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn nên không phải ai cũng đủ điều kiện để di dời. Riêng bản Pa Tý có 7 hộ có nguyện vọng di dời vào đợt này, tuy nhiên hiện chỉ có 5 hộ đủ điều kiện.

1
Ngôi nhà sắp di dời của gia đình ông Lữ Văn Thuyết.

Chúng tôi đến nhà ông Lữ Văn Thuyết, 54 tuổi ở bản Pa Tý lúc trời đã nhá nhem tối, ông Thuyết vừa trở về sau một ngày lên rẫy thu hoạch lúa. Dưới căn nhà sàn của ông vẫn còn nham nhở vết bùn đất lưu lại sau cơn lũ, trong căn nhà chẳng còn gì đáng giá. Trong đợt mưa lũ vừa rồi, nhà của ông bị ngập trên 2m, nước ngập lên cả sàn nhà, may cả gia đình ông đã chuyển lên ở nhà người họ hàng trong bản nên kịp tránh được cơn lũ. Mặc dù vậy, lũ quá lớn đã cuốn phăng hết đồ dùng của gia đình.

Ông Thuyết chỉ tay sang mảnh đất cạnh nhà cho biết, đây là vị trí chúng tôi sẽ chuyển lên, tuy nhiên để di dời cần khoảng 60 triệu đồng mới đủ. Đó là nền mới của gia đình tôi ở gần, có hộ phải chuyển đi gần 2km thì chi phí vận chuyển sẽ cao hơn nhiều. Ngoài nguồn kinh phí 20 triệu được UBND xã cấp, còn lại gia đình tôi phải vay mượn thêm anh em, họ hàng.

Mặc dù khó khăn nhưng ông Thuyết vẫn còn may mắn hơn rất nhiều hộ dân khác, bởi họ muốn chuyển đi nhưng vẫn chưa có nền mới và nguồn kinh phí ít ỏi nhà nước hỗ trợ không đủ để xây cất nhà. Như hộ anh Lương Văn Thêm (34 tuổi) bị mưa lũ cuốn trôi nhà và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Sau lũ, được bà con hỗ trợ, vợ chồng anh mới đủ điều kiện để dựng lại nhà. Vợ anh Thêm thường xuyên đau yếu, 5 miệng ăn trong nhà trông cả vào rẫy lúa nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Chia tay bản Pa Tý, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những lớp bùn đất đã khô còn sót lại sau cơn lũ. ở đó hàng chục ngôi nhà hàng năm vẫn phải gồng mình chống chọi với lũ dữ.

2
Một ngôi nhà ở Pa Tý tan hoang sau lũ.

Đến bản Văng Cuộm thì trời đã nhá nhem tối, chúng tôi phải cuốc bộ một đoạn đường đồi dốc mới lên được căn nhà tạm bợ của vợ chồng anh Kha Văn Moong bị lũ cuốn trong trận lụt giữa tháng 9. Trước ngôi nhà lợp bằng lá cọ, đứa con gái lớn của anh Moong bế em gái đỏ hỏn vừa tròn 1 tháng tuổi đang chơi cùng đám bạn. Khi trời tối sẫm thì anh Moong và chị Dần cũng về tới nhà, sau lưng hai vợ chồng là những gùi lúa và củi.

2
Anh Moong trở về sau một ngày lên rẫy.

Ôm đứa con đỏ hỏn vào lòng, chị Dần cho biết, do nhà nằm cạnh suối, ngày hôm đó mưa lớn kéo dài nên gia đình sợ lũ cuốn đã di chuyển lên nhà anh họ ở nhờ. May mà chúng tôi di chuyển kịp thời không thì tối hôm ấy cả nhà bị cuốn theo lũ. Lũ đi qua, căn nhà bị cuốn trôi cùng 5 con lợn, 10 con gà. 5 thành viên trong gia đình phải lên rừng lợp lán ở tạm suốt một tháng trời. Hiện tại gia đình anh thêm đã làm một căn nhà tạm ở vị trí cao hơn nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì không đủ điều kiện để làm nhà kiên cố.

12
Chị Dần bản Văng Cuộm chia sẻ với phóng viên.

Để giúp người dân Yên Tĩnh di dời lên vị trí cao hơn sinh sống, UBND huyện Tương Dương đã có quyết định hỗ trợ các hộ dân vùng rốn lũ di dời đến vị trí mới. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu để di chuyển nhà cửa. Kế hoạch đến tháng 12/2016, 31 hộ dân ở Yên Tĩnh sẽ chuyển đến vị trí mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân ở Yên Tĩnh chưa đủ điều kiện để di dời, nỗi lo vẫn còn đó khi mỗi mùa mưa bão về./.

Lan Thái - Hữu Vi

Tin mới