Bản Đan Lai vắng lặng ngày cuối năm

(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm bản Khe Bu (Châu Khê - Con Cuông) của cộng đồng Đan Lai vẫn khá tĩnh lặng. Cuộc sống của nhiều người vẫn còn phụ thuộc vào hái lượm tự nhiên và nguồn cứu trợ từ chính quyền và cộng đồng. Cũng có câu chuyện đẹp về sự vượt khó, thoát nghèo của những đảng viên trẻ tuổi.

Đã cận tết nhưng bản làng vẫn khá vắng lặng. Nhiều người vẫn đang hái lượm ở một cánh rừng nào đó
Đã cận Tết nhưng bản Khe Bu vẫn vắng lặng. Ảnh: Hữu Vi

Đường vào bản Khe Bu vẫn gập ghềnh đá sỏi. Những ngày cuối năm không khí bản làng tĩnh lặng đến lạ. Một nhóm người cả đàn ông lẫn đàn bà bốc từng khúc gỗ keo lên ô tô tải. Dân bản tranh thủ khai thác chuyến gỗ cuối năm để đi sắm tết.

“Tết về đến đâu rồi, cô ơi?” - tôi hỏi một người phụ nữ vừa ngừng tay bóc vỏ keo. “Tết vẫn ở cách bản Bu mình ba chục cây nữa.” Nói rồi người đàn bà luống tuổi khoát tay chỉ về phía chân trời xa. Bản Khe Bu cách trung tâm chợ huyện những 30km. Thời tự túc tự cấp đã qua, nay mọi đồ dùng, thực phẩm, hương nhang… cho ngày Tết đều phải xuống trung tâm chợ huyện. Sau chuyến xe bán keo, cả gia đình mới có tiền sắm Tết. 

Bản Khe Bu nằm giữa ngã ba con suối lớn, nơi dòng Nặm Choăng (Khe Choăng) gặp dòng Nặm Pu có 172 hộ dân thì hầu hết là người Đan Lai. Chỉ có một vài hộ người Thái. Khe Bu là nơi cộng đồng thiểu số Đan Lai cư ngụ nhiều nhất ở Nghệ An và cũng chỉ có xứ Nghệ có tộc người này. Họ đã về đây lập bản từ ngày có chính sách định canh định cư của chính quyền hồi đầu thập niên 60. 

Đã cận Tết, ông lão trạc ngoài sáu mươi vẫn tranh thủ xuống ruộng cày để ra Giêng cấy vụ xuân. Nghe đâu, những anh lính biên phòng có công lớn trong việc dạy cho người Đan Lai gieo cấy lúa nước. Đó là một câu chuyện dài nhưng điều quan trọng là cuối cùng một thói quen canh tác mới cũng đã hình thành. Chuyện tưởng dễ nhưng phải mất mấy chục năm. 

Trưởng bản La Văn Nam có căn nhà nhỏ cạnh con đường bê tông mới mở. Con đường tuần tra biên giới đi qua bản Khe Bu trở thành nơi thuận lợi nhất trong số phần lớn những bản vùng trong của xã Châu Khê. Ông Nam dường như chẳng để ý đến có người khách lạ ghé nhà, mắt vẫn chăm chăm vào tờ báo trên tay. Hạ tờ báo xuống, bắt tay khách, ông bảo: "Trong này thiếu thông tin nên hễ rảnh là tôi lại đọc báo. Đọc tất cả các loại báo được cấp phát. Mình đảng viên, cán bộ bản. Phải có thông tin để nói lại cho dân họ mới nghe rồi làm theo.”  

Dường như đã quá quen với cánh báo chí, hầu như tháng nào cũng có một vài đoàn ghé thăm bản. Sau vài phút làm quen, uống xong cốc nước chè, ông đã hỏi ngay: “Anh muốn tôi dẫn đi thăm một số hộ dân trong bản à? Hay chỉ hỏi thông tin về thôn bản thôi?” Tôi lấy làm thú vị vìTrưởng bản người Đan Lai với tác phong dứt khoát. Sau nay khi câu chuyện thân tình hơn tôi mới biết, ông Nam đã có thâm niên trên 20 năm liên tục làm cán bộ bản. Từ năm 1996, ông là Bí thư Chi đoàn sau đó làm phó bản, Bí thư Chi bộ rồi Trưởng bản. Nay ông là Ủy viên ban chấp hành đảng ủy xã Châu Khê.  

Căn nhà chị Lê Thị Huệ, gia đình mà cán bộ Nam dân tôi đến thăm đầu tiên năm ở trên ngọn đồi, cuối rìa bản. Chị Huệ chỉ có 2 mẹ con. Cậu con trai năm nay vừa bước sang tuổi 18 nhưng cả hai người đều thường xuyên đau yếu, sức khỏe không cho phép lao động nặng nhọc. Trong khi đời sống chính của hai mẹ con chủ yếu lại dựa vào rừng và những khoản cứu trợ từ chính quyền và các nhà hảo tâm. Người phụ nữ 44 tuổi có mẹ là người Sơn Tây (Hà Nội), gốc gác khá đặc biệt so với cộng đồng xa xôi này.

Chị Lê Thị Huệ có bố là người Đan Lai,
Chị Lê Thị Huệ có bố là người Đan Lai, mẹ gốc Sơn Tây (Hà Nội) - trường hợp khá đặc biệt đối với cộng đồng dân tộc thiểu số này.

“Xưa cha mẹ tôi đều là bộ đội ở Sơn Tây. Gặp rồi yêu thương nhau, được đơn vị làm đám cưới. Sau khi cha giải ngũ thì cùng đưa gia đình về bản Khe Bu. Tôi được sinh ra ở Sơn Tây. Ngoài ấy vẫn còn có các dì, các cậu nhưng lâu lắm không có điều kiện tới thăm.” - chị Huệ nhỏ nhẻ kể. 

Ngồi bên bếp lửa ngày cuối năm, chị Huệ nói rành rọt về quá khứ của mình. Đôi mắt đen láy nhìn xa xăm ra khoảng rừng trước mặt. Có lẽ những ngày cuối năm nay chị lại như về thời thơ ấu của mình nơi “xứ Đoài xa vắng”. Với chị đó là một thế giới đã xa cách nghìn trùng. 

Dẫn tôi băng đồi đi thêm mấy nhà nữa, vị trưởng bản Nam tâm sự: Trong bản vẫn còn khá nhiều nhà mà hoàn cảnh na ná như chị Huệ. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu đất sản xuất, việc làm không ổn định. Dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp ngành cũng như bội đội biên phòng đóng trên địa bàn nhưng việc thay đổi cuộc sống cho cộng đồng người Đan Lai vẫn là một bài toán gian nan. 

Trưởng bản Khe Bu La Văn Nam.
Trưởng bản Khe Bu La Văn Nam.

“Nhưng không phải ai cũng trì trệ” - ông trưởng bản bảo thế khi dẫn tôi đi hết một vòng và dừng chân cạnh căn nhà sản của anh La Văn Hải. Anh thanh niên 31 tuổi mới đây được bầu làm phó bản. Cuối năm 2016 vừa qua anh vừa chính tay viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Mới ra ở riêng chưa đầy nửa năm còn đầy khó khăn nhưng anh quyết định “làm gương” không phải để lấy “oai” mà muốn khơi dậy tinh thần vượt khó của người trẻ. 

Cách đây 3 năm anh Hải đọc lời tuyên thệ trước cờ búa liềm trong ngày lễ kết nạp để chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng và nguyện sẽ làm theo lời thề danh dự đó. “Mình đã nói sao là phải làm vậy”, anh đảng viên trẻ, một trong số những người đầu tiên trong bản học hết cấp ba nói.

Trời đã cuối chiều, tôi chia tay trưởng bản Nam và anh đảng viên trẻ La Văn Hải lội đèo dốc trở về. Trên con đường dẫn vào bản, từng tốp học sinh bon bon trên chiếc xe đạp trở về nhà sau giờ tan trường. Cách đây ít năm, những chiếc xe đạp còn là một ước mơ xa xỉ đối với trẻ em nơi đây. 

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới