Mùa hoa ban nơi miền Tây xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Không ít người nghĩ rằng hoa ban là đặc trưng của núi rừng vùng Tây Bắc, ít ai biết những cánh rừng miền Tây xứ Nghệ vẫn thấp thoáng những khóm ban đang mùa khoe sắc.

Khí Xuân tràn ngập trên những cánh rừng và bản làng miền Tây, chúng tôi ngược lên Kỳ Sơn để được thưởng lãm phong cảnh nơi vùng rẻo cao biên giới.

Từ những vườn mận, vườn đào nơi “cổng trời” Mường Lống, rẽ ra phía ngã ba Huồi Tụ, rồi theo tuyến đường về các xã Na Loi - Đoọc Mạy - Keng Đu bắt gặp những cành ban thấp thoáng trong màn sương mây mờ ảo.

So với vùng Tây Bắc, cây hoa ban ở Kỳ Sơn không mọc thành rừng mà đứng rải rác ven bờ suối, quanh rẫy và dọc các tuyến đường, thi thoảng mới có khoảng từ 3- 5 cây chụm lại gần nhau để cùng đua sắc nhưng cũng đủ gợi lên nỗi xao xuyến, bồi hồi cho những người khách đi đường. Và điểm tô hương sắc mùa Xuân cho những cung đường cheo leo, uốn lượn.

Hoa ban góp phần điểm tô cho vẻ đẹp đẹp mùa Xuân của núi rừng, làng bản. Ảnh: Công Khang
Hoa ban góp phần điểm tô cho vẻ đẹp đẹp mùa Xuân của núi rừng, làng bản. Ảnh: Công Khang

Cụ Vi Văn Bình ở bản Na Khướng (xã Na Loi) - người sống lâu năm ở vùng đất này cho biết: “Những cánh rừng ở vùng này trước đây rất nhiều cây hoa ban nhưng do bà con phát rẫy quá nhiều nên giờ chỉ còn  rải rác...”.

Dừng chân ngắm loài hoa nở trắng rừng mùa tháng Ba, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, đắm say và gần như bị “hút hồn” trước vẻ đẹp trắng trong, tinh khiết của những đóa hoa ban vừa bung cánh. Hoa ban khi vừa hé nụ pha sắc tím nhạt; lúc nở bung sắc tím dồn vào nhụy, còn cánh hoa toát lên một mầu trắng nuột nà.

Hoa ban
Hoa ban thường nở rộ vào khoảng tháng Ba, sang tháng Tư bắt đầu tàn. Ảnh: Công Khang

Người vùng cao thường ví hoa ban với vẻ đẹp của những một cô gái. Lúc hé nụ chính là vẻ e ấp, thẹn thùng trong buổi đầu gặp gỡ;  khi nở xòe là vẻ đẹp của những sơn nữ uống nhạt vò rượu cần ngày hội, vẻ mặt rạng rỡ, tâm tình cởi mở và  bước vào điệu lăm vông, điệu xòe trong dáng điệu nhịp nhàng, uyển chuyển. 

Người Mông ở xã Đoọc Mạy nói rằng địa danh này ít nhiều có nguồn gốc từ loài hoa ban. Bởi tiếng Thái, “đoọc mạy” nghĩa là “cây hoa”, vùng đất này xưa kia ngập tràn sắc hoa, hàng chục, hàng trăm loài hoa đua nở giữa mùa Xuân, nhiều nhất là loài hoa ban trắng. Hoa ban thường bắt đầu nở vào đầu tháng hai âm lịch, lúc hơi hơi ấm lan đến những cánh rừng vùng biên.

Hoa ban nở rộ vào tháng Ba, và bắt đầu tàn khi tháng Tư “gõ cửa”. Nó còn được bà con vùng cao chế biến thành những món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn như canh, nộm hay hông với xôi. Hương vị của hoa ban làm cho những món ăn này thêm phần đậm đà, ăn một lần nhớ mãi. 

Hoa ban khi vừa hé nụ pha sắc tím nhạt; lúc nở bung sắc tím dồn vào nhụy, còn cánh hoa toát lên một mầu trắng nuột nà.
Khi vừa hé nụ, hoa ban pha sắc tím nhạt; lúc nở bung sắc tím dồn vào nhụy, còn cánh hoa toát lên một màu trắng nuột nà. Ảnh: Hồ Phương

Vào mùa hoa ban nở, người Thái ở Tây Bắc thường mở hội xên bản, xên mường, hay còn gọi là hội hoa ban. Trong ngày hội, trai gái có dịp gặp gỡ, hát giao duyên, chung vui bên vò rượu cần và nắm tay mở rộng vòng xòe...  Suốt hành trình, chúng tôi mơ về hội xên bản, xên mường nơi miền Tây xứ Nghệ - một cơ hội để bè bạn gần xa tìm về chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp của núi rừng biên cương.

Lên đến “cổng trời” Pà Tạc - điểm giáp ranh giữa hai xã Đoọc Mạy và Keng Đu, nghe vang vọng bài hát “Thư tình của núi” của nhạc sỹ An Thuyên. Ca từ bài hát vừa tha thiết, rộn ràng, vừa ngân vang, sâu lắng: “Một rừng ban nở trắng xinh/ Một tình yêu tôi có giữa núi rừng mờ xa...”.

Công Khang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới