Tìm cách bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông

(Baonghean.vn) - Nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông được coi là thế mạnh để phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên do yếu tố khách quan, dệt thổ cẩm ở đây đang bị mai một. Đến nay huyện đang từng bước khôi phục gắn phát triển du lịch cộng đồng.

Các sản phẩm thổ cẩm của huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu
Các sản phẩm thổ cẩm của huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Được thành lập hơn 10 năm, mô hình HTX Thủ công mỹ nghệ, dịch vụ  bản Xiềng (Môn Sơn) có những thời điểm tưởng chừng như không đứng vững. Tuy nhiên đến nay đã khẳng định được thương hiệu với các mặt hàng dệt thổ cẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong huyện mà vươn ra khắp  tỉnh, có mặt tại các hội chợ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản Xiềng hiện có gần 180 hộ, trong đó khoảng 50% gia đình có khung cửi. Nghề dệt thổ cẩm đã đem lại cho chị em nơi đây thêm nguồn thu nhập đáng kể, giúp trang trải cuộc sống gia đình.  Bà Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ, dịch vụ xã Môn Sơn chia sẻ: “HTX đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động những lúc nông nhàn, với mức thu nhập tương đối ổn định. Đến nay chúng tôi đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề, đầu ra đã được tháo gỡ, đây là tiền đề để chúng tôi duy trì và phát triển nghề truyền thống”.

Chị em phụ nữ xã Lục Dạ tham gia lớp đào tạo dệt thổ cẩm. Ảnh: Bá Hậu
Chị em phụ nữ xã Lục Dạ tham gia lớp đào tạo dệt thổ cẩm. Ảnh: Bá Hậu

Hay như ở xã Lục Dạ, hiện nay đã  thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm ở 6/12 thôn, bản nhằm khôi phục lại nghề truyền thống. Ở bản Tân Hợp, xã Lục Dạ hiện có trên 200 hộ tham gia nghề dệt thổ cẩm. Mặc dù do bị sản phẩm công nghiệp lấn át, cạnh tranh, có lúc nghề dệt thổ cẩm hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ nghề, nên nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn được chị em gìn giữ và ngày càng phát huy thế mạnh.

Phụ nữ bản Xiềng dệt thổ cẩm
Phụ nữ bản Xiềng dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Ảnh: Bá Hậu

Các nhóm sản xuất của làng nghề cũng đã tích cực tìm hiểu thị trường, quảng bá, bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh . Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, tạo động lực để duy trì và phát triển làng nghề. Chị La Thị Nọong -  Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lục Dạ (Con Cuông) cho biết:  "Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm, đồng thời liên doanh, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…".

Huyện Con Cuông hiện có 9/13 xã, thị trấn xây dựng được các tổ, nhóm làm nghề dệt thổ cẩm. Dẫu vậy, nhiều địa bàn vẫn hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nghề thủ công đang đứng trước sự cạnh tranh về mẫu mã, giá thành của các sản phẩm dệt công nghiệp. Để bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đòi hỏi các địa phương cần có quy hoạch, bước đi cụ thể. Trong đó, gắn bảo tồn ngành nghề với hoạt động du lịch dịch vụ... 

Những sản phẩm thổ cẩm của Con Cuông được sản xuất phục vụ khách du lịch. Ảnh: Bá Hậu
Những sản phẩm thổ cẩm của Con Cuông được sản xuất phục vụ khách du lịch. Ảnh: Bá Hậu

Bà La Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Con Cuông cho biết: Tới đây Hội liên hiệp phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết nhất. Đó cũng là cách lan tỏa sản phẩm thổ cẩm đến với cộng đồng./.

                                                             Bá Hậu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới