Luân chuyển cán bộ ở Quế Phong: Được người, được việc

(Baonghean) - Luân chuyển không chỉ tạo môi trường rèn luyện, thử thách giúp cán bộ trưởng thành hơn mà còn khắc phục được tình trạng cục bộ địa phương, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao.

Bởi vậy, công tác luân chuyển cán bộ được Huyện ủy Quế Phong hết sức coi trọng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Môi trường rèn cán bộ

Được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong hơn 2 năm nay, đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa đã quen với chức năng, nhiệm vụ mới của mình. Đồng chí cho biết, lần lượt trải qua các vị trí công tác như: Chuyên viên phòng Kế hoạch - đầu tư, Trưởng phòng Công thương và tháng 5/2015 được điều chuyển về cơ sở làm nhiệm vụ mới, lượng công việc lớn hơn và trải đều nhiều lĩnh vực.

“Thực tế công việc buộc mình phải nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kiến thức và tư duy nhiều hơn. Mặc dù mọi công việc đều có sự bàn bạc thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ nhưng với vai trò là Bí thư Đảng ủy, tôi phải thể hiện rõ vai trò của mình, muốn vậy thì phải hiểu, nắm vấn đề. Vậy nên tôi thường xuyên xuống cơ sở, trực tiếp đối thoại với nhân dân, nắm bắt tình hình”.

Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) - Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản.
Đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) - Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong trao đổi với dân bản. Ảnh: Đặng Nguyễn

Để gỡ từng “nút thắt”, dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công lại nhiệm vụ, trách nhiệm của thành viên Ban Chấp hành. Theo đó, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Phạm Ngọc Nghĩa đã tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ về đất đai, nhất là những trường hợp tồn đọng, kéo dài; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân…

Cùng thời điểm luân chuyển với đồng chí Phạm Ngọc Nghĩa, tháng 4/2015 đồng chí Nguyễn Bá Hiền, Phó ban Phát triển Nông thôn miền núi được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Đồng Văn. Nhờ xác định rõ trách nhiệm, ngay từ đầu, đồng chí Hiền đã chú trọng xây dựng mối đoàn kết trong cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể; cùng BTV Đảng ủy xã, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Lang Văn Tuần - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn cho hay: “Tuy thời gian ở xã chưa phải là dài (1 năm) nhưng đồng chí để lại dấu ấn với việc xây dựng các mô hình kinh tế cho người dân địa phương như: Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ; kết nối với Công ty nước mắm Vạn Phần thu mua cá nhỏ; ký kết với Công ty CP Sữa TH thu mua ngô sinh khối cho bà con… Đây thực sự là cách làm mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập theo hướng bền vững, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 43% xuống 37,6%”. 

Tương tự, đồng chí Lô Minh Điệp từ cương vị Phó ban Tổ chức Huyện ủy được luân chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã Cắm Muộn vào tháng 12/2013 và nay sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ luân chuyển, đồng chí Điệp được BTV Huyện ủy điều về giữ chức vụ Trưởng phòng Dân tộc. Tuy thời gian “cắm bản” không dài song đã thực sự tạo được ấn tượng với cơ sở.

Theo nhận xét của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, từ chỗ một cán bộ lãnh đạo chuyên môn chuyển về làm nhiệm vụ lãnh đạo một đảng bộ, thời gian đầu ít nhiều cũng bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần ham học hỏi, đồng chí Điệp đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, giành nhiều thời gian hoạt động cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình địa phương để từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Nhờ đó, đã khắc phục được tình trạng đảng bộ yếu kém; công tác phát triển đảng luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Từ chỗ là địa bàn khá phức tạp về tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, đến nay với sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, lực lượng chức năng, tình hình cơ bản ổn định.

Một giải pháp nhiều mục tiêu

Theo đồng chí Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong: Chỉ tính riêng từ thời điểm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 15/3/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, giai đoạn 2016-2020, huyện Quế Phong đã điều động 3 đồng chí là cấp phó các ban, phòng cấp huyện về giữ chức vụ Bí thư, Chủ tịch UBND xã, nay được điều động về giữ chức vụ trưởng, phó phòng các cơ quan, ban, ngành cấp huyện; luân chuyển 2 đồng chí trưởng, phó cấp huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã; luân chuyển, điều động ngang 12 đồng chí cấp trưởng, phó các cơ quan, ban ngành, MTTQ và đoàn thể huyện…

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ do đồng chí Nguyễn Bá Hiền xây dựng tại xã Đồng Văn.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ do đồng chí Nguyễn Bá Hiền xây dựng tại xã Đồng Văn. Ảnh: Đặng Nguyễn

Việc điều động, luân chuyển nhằm tăng cường cho đội ngũ cán bộ các xã có khó khăn, đồng thời rèn luyện, thử thách, đào tạo cán bộ qua thực tiễn để tạo nguồn cho cán bộ lãnh đạo huyện. Số cán bộ được luân chuyển đã khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu rèn luyện, chủ động tìm tòi tiếp cận với điều kiện và môi trường làm việc mới, giữ gìn phẩm chất, thể hiện được năng lực, tích lũy được kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong công tác. Phần đông cán bộ luân chuyển đã cùng với tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi luân chuyển đến đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt mục đích luân chuyển. 

Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong khẳng định: Để công tác luân chuyển cán bộ có hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành từng bước, thận trọng, không chạy theo số lượng. Trước khi điều chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá đúng năng lực cán bộ từ trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và triển vọng phát triển. Bên cạnh đó, quán triệt, chỉ đạo nơi đi và nơi đến phải tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho cán bộ luân chuyển.

Việc luân chuyển phải xuất phát từ nhu cầu của từng địa phương, Ban Thường vụ cân nhắc, lựa chọn cán bộ (trong diện quy hoạch) đưa xuống cho phù hợp với cơ sở, đồng thời có thể phát huy năng lực của người được luân chuyển. Công tác luân chuyển phải đảm bảo đúng quy trình, quy định, công khai, dân chủ, khách quan. Định kỳ hàng năm và thời điểm sắp hết thời gian luân chuyển, cấp ủy đảng, thủ trưởng nơi tiếp nhận cán bộ phải tổ chức đánh giá, nhận xét ưu điểm, hạn chế và kết luận mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng phát triển của cán bộ luân chuyển kèm theo kiến nghị đề xuất gửi Ban Thường vụ Huyện ủy.

Có thể khẳng định rằng, việc luân chuyển cán bộ rất cần thiết góp phần tích cực trong công tác bồi dưỡng, đào tạo rèn luyện cán bộ. Tuy nhiên, cùng với tính toán một lộ trình cụ thể, trên cơ sở kết quả phê duyệt quy hoạch đầu nhiệm kỳ, để rà soát, bổ sung quy hoạch làm căn cứ nhằm làm tốt công tác luân chuyển như lâu nay. Đồng thời, cần tính đến luân chuyển “ngang cấp”, cán bộ chủ chốt từ xã, thị trấn này sang xã, thị trấn khác, để phòng ngừa tư duy bảo thủ, chuyên quyền khi cán bộ công tác ở một vị trí, một địa bàn lâu năm; khắc phục khuynh hướng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, tạo động lực phát triển chung cho địa phương. Cùng với đó, cần bố trí cán bộ hợp lý tại các phòng ban, không để xảy ra tình trạng “giao quyền”, làm cho hoạt động chuyên môn cầm chừng, thiếu quyết đoán. Ngoài ra, các chế độ, chính sách cũng cần kịp thời, để động viên khuyến khích cán bộ được luân chuyển, tăng cường về cơ sở, nhất là cán bộ được luân chuyển về các xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã biên giới…

Đặng Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới