Yêu cầu thu hồi đất lâm trường giao cho người dân sản xuất

(Baonghean.vn) – Tiếp tục thu hồi đất Lâm trường Cô Ba giao cho dân sản xuất là kiến nghị của đại diện BQL thôn bản xã Châu Bình (Quỳ Châu) với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội.

Sáng 6/9/2017, Hội đồng Dân tộc Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 – 2016 tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Về phía Đoàn giám sát có bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn và các ông, bà ủy viên Hội đồng Dân tộc, chuyên viên Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Chi cục Kiểm lâm; lãnh đạo huyện Quỳ Châu và xã Châu Bình.


Theo báo cáo của UBND xã Châu Bình, việc triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện giao đất, giao rừng của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận kịp thời. Trước năm 2005, xã tổ chức giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP cho 8 cộng đồng bản trên địa bàn với tổng diện tích 270,91 ha.

Năm 2013, sau khi tiếp nhận đất được UBND tỉnh thu hồi của Lâm trường Cô Ba, xã tiếp tục giao cho 1 cộng đồng bản (bản Kẻ Can) 128,96 ha đất rừng khoanh nuôi bảo vệ. Hiện tại, diện tích rừng này được cộng đồng quản lý và bảo vệ tốt.

Quang cảnh buổi làm việc tại UBND xã Châu Bình (Qùy Châu). Ảnh: Công Kiên
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND xã Châu Bình (Qùy Châu). Ảnh: Công Kiên

Công tác giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu đang thực hiện theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP. Giai đoạn từ năm 2003 – 2012 xã lập hồ sơ gia đất lâm nghiệp cho 861 hộ với 2.889,0 ha. Từ năm 2013 – 2016 xã tiếp tục lập hồ sơ và giao đất cho 763 hộ với 1.135,48 ha. Hộ dân tộc thiểu số được giao đất là 726/1.252 hộ (chiếm 58% tổng số hộ dân tộc thiểu số trong xã).

Trên cơ sở đó, công tác quản lý, tổ chức sản xuất của cộng đồng và hộ dân cư được thực hiện đúng theo quy định, rừng được quản lý và bảo vệ tốt, hàng năm xây dựng kế hoạch  khai thác, sử dụng. Kế hoạch trồng rừng được đảm bảo, hướng tới mục tiêu sử dụng, khai thác có hiệu quả bền vững. Quyền lợi của cộng đồng dân cư và hộ gia đình được đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng bản 3/2, xã Châu Bình (Qùy Châu) phản ánh tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Ảnh: Công Kiên
Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng bản 3/2, xã Châu Bình (Quỳ Châu) phản ánh tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Ảnh: Công Kiên

Tuy vậy, hiện nay xã Châu Bình còn trên 930 hộ, trong đó có 526 hộ dân tộc thiểu số  thiếu đất sản xuất. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân do địa hình dốc, một phần bị ngập trũng do xây dựng hồ chứa nước bản Mồng, tỷ lệ tăng dân cố còn cao, tình trạng tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Chủ trương giao đất, giao rừng đã đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc, miền núi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác lợi thế và nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng. Hạn chế chủ yếu là quỹ đất địa phương còn lại rất ít, vẫn còn tình trạng tranh chấp, khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự.

Từ thực tế địa phương, xã Châu Bình kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và đồng bào dân tộc. Hỗ trợ chế độ về trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo chính sách đề ra. Sớm xem xét điều chỉnh lại quỹ đất Lâm trường Cô Ba về cho địa phương để cấp cho đồng bào sản xuất nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống.

Thành viên Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội nêu những thắc mắ về cơ cấu thu nhập của người dân xã Châu Bình. Ảnh: Công Kiên
Thành viên Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội nêu những thắc mắc về cơ cấu thu nhập của người dân xã Châu Bình. Ảnh: Công Kiên

Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý các bản cũng phản ánh tình trạng còn một số lượng khá lớn hộ gia đình, trong đó có gia đình dân tộc thiểu số vẫn chưa được cấp đất rừng. Vì thế, cần tiếp tục sớm triển khai thu hồi diện tích đất của Lâm trường Cô Ba giao cho người dân sản xuất, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Các thành viên Đoàn giám sát nêu vấn đề về tổng mức thu nhập, cơ cấu thu nhập của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn, lợi ích các hộ gia đình nhận diện tích đất rừng được hưởng lợi, hệ lụy của việc thiếu đất sản xuất; tình trạng giao dịch, chuyển nhượng sau khi giao đất, giao rừng; thực tế diện tích rừng do xã quản lý giao cho các hộ gia đình.

Giải đáp thắc mắc của Đoàn giám sát, lãnh đạo xã Châu Bình và kiểm lâm viên địa bàn nêu rõ hơn tình hình thực tế quản lý, sử dụng diện tích đất rừng, về hiệu quả của chính sách giao đất, giao rừng. Về thu nhập bình quân đầu người, hiện tại xã Châu Bình đang ở mức 22 triệu đồng/người/năm, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp (chăm nuôi, trồng trọt) và một phần phát triển dịch vụ.

bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội yêu cầu địa phương tích cực hơn trong việc tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng cho nhân dân. Ảnh: Công Kiên

Tình trạng thiếu đất sản xuất dẫn đến việc tranh chấp đất rừng, gây mất an ninh, trật tự, vẫn còn tình trạng phá rừng, tuy chưa xẩy ra điểm nóng. Việc trao đổi, mua bán còn diễn ra trên địa bàn, diện tích rừng do xã quản lý đã giao cho các hộ gia đình.

Thay mặt Đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân lưu ý địa phương cần tích cực hơn trong việc làm thủ tục và tổ chức thực hiện việc giao đất, giao rừng, đẩy nhanh việc thu hồi đất lâm trường để bàn giao cho nhân dân và hứa sẽ chuyển vấn đề này lên Quốc hội. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới