Cách người Mông Nghệ An giữ gìn chữ viết dân tộc mình

(Baonghean.vn) - Trong khi một số dân tộc thiểu số khác không có chữ viết riêng hoặc bị mai một,  thì người Mông Nghệ An đã giữ gìn và phát huy tốt ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.

Hiện nay, trên các bản làng người Mông Nghệ An, những đứa trẻ từ lớp 5 trở lên hầu như đều biết đến chữ viết của dân tộc mình. Đó là một minh chứng khẳng định chữ viết của người Mông không bao giờ mất đi trong đời sống của cộng đồng này.

Trở lại với lịch sử, theo già làng Lầu Xái Phia ở bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn) cho hay: Trong quá trình di cư về vùng núi cao Nghệ An, người Mông cũng có thời gian mất đi chữ viết do điều kiện khó khăn, không có trường lớp học tập. Những đứa trẻ sinh ra đã phải theo bố mẹ lên nương rẫy trồng cây thuốc phiện nên không được đi học đầy đủ như bây giờ.

Những lúc rảnh rỗi, học sinh người Mông thường tập viết chữ của dân tộc mình. Ảnh: Đào Thọ
Những lúc rảnh rỗi, học sinh người Mông thường tập viết chữ của dân tộc mình. Ảnh: Đào Thọ

Ông Xái Phia nhớ lại: Khoảng những năm 1960-1961, có một thầy giáo từ phía Bắc vào dạy học tiếng Mông tại xã Na Ngoi đã truyền thụ lại cách viết chữ của dân tộc Mông cho bà con dân bản. Có lẽ vì ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ nên chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết những người Mông tham gia học đều viết thành thạo thứ chữ này. Đây loại chữ dùng các chữ cái Latinh để ghi lại tiếng nói và các dấu thanh cũng được ký hiệu bằng những chữ cái.

Từ đó, không ai bảo ai, mọi người tự học hỏi lẫn nhau và họ thường xuyên viết thư, trao đổi công việc bằng loại chữ này. “Mãi đến những năm gần đây, ngành Giáo dục mới có chủ trương đưa tiếng Mông vào giảng dạy cho học sinh tiểu học và cán bộ một cách đại trà. Tuy nhiên trước đó, chữ Mông đã được người Mông sử dụng rất nhiều rồi” - già làng Lầu Xái Phia nói.

Những nét chữ Mông được các em nắn nót viết trên trang giấy. Ảnh: Đào Thọ
Những nét chữ Mông được các em nắn nót viết trên trang giấy. Ảnh: Đào Thọ

Tại trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) chúng tôi thấy trong sổ tay của các em học sinh có rất nhiều những bài hát bằng tiếng Mông được các em ghi lại bằng chữ Mông một cách nắn nót.

“Chúng em ghi lại bài hát Mông bằng chữ Mông thì hát mới thấy hay, chứ dịch ra tiếng Kinh vừa khó vừa không hay nữa” - một em học sinh lớp 7 tâm sự. Hỏi ra mới biết, chữ này một số em được học ở bậc tiểu học, một số em tự học từ bạn bè.

Một bài hát bằng tiếng Mông trong sổ tay học sinh. Ảnh: Đào Thọ
Một bài hát bằng tiếng Mông trong sổ tay học sinh. Ảnh: Đào Thọ

Không chỉ vậy, trên các trang mạng xã hội như facebok, các bạn trẻ người Mông cũng sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình để tham gia đăng bài, ảnh, clip hay viết bình luận.

Anh Và Bá Lầu ở bản Liên Sơn (xã Nậm Càn) cho hay, anh không hiểu lắm về mạng xã hội, nhưng sau nhờ con lập cho một nickname bằng chữ Mông cũng thấy "hay hay". Mỗi lần vào nói chuyện với mọi người bằng tiếng của dân tộc mình anh thấy tự tin hơn hẳn.

Trên các trang mạng xã hội, người Mông cũng dùng chữ viết của dân tộc mình để nói chuyện với nhau. Ảnh chụp từ màn hình.
Trên các trang mạng xã hội, người Mông cũng dùng chữ viết của dân tộc mình để nói chuyện với nhau. Ảnh chụp từ màn hình điẹn thoại.

Thế mới biết được, với người Mông, dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng trong lòng họ luôn có một ý thức cao trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa của cha ông để lại. 

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới