'Mổ xẻ' cái được và chưa được của SLNA ở mùa V.League 2019

(Baonghean.vn) - So với mùa giải năm ngoái, kinh phí dành cho mùa giải của đội bóng Nghệ An tăng 20 tỷ đồng, nhưng lại tụt 3 bậc trên BXH. Nếu như V.League 2018 họ ghi được 38 bàn thắng, thủng lưới 32, kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4 với 42 điểm, thì mùa giải này là 32, 26 và 7 (35 điểm).

Năm ngoái, thành tích đội bóng xứ Nghệ chia thành 2 nửa đen-trắng, với loạt 12 trận đấu đầu tiên chỉ giành duy nhất 1 chiến thắng, 6 trận bại và 5 trận hòa, nhưng kể từ vòng 13, họ có mạch chiến thắng chỉ xen kẽ 2 trận thua, 1 trận hòa.

Mùa bóng năm nay, nếu như phòng thủ là điểm mạnh, thì hàng công lại là sự thất vọng lớn. Hàng công SLNA có 12 trận không ghi được bàn thắng, 11 trận hòa trong đó có 8 trận hòa với tỷ số 0-0. Suốt cả mùa giải với 26 vòng đấu, duy nhất vòng 17 và 18 họ nhận 2 thất bại liên tiếp nhưng SLNA cũng chỉ có 2 chiến thắng liên tiếp (vòng 5 và 6). Nói cách khác, thầy trò HLV Đức Thắng không thể duy trì được phong độ ổn định suốt cả mùa giải.

Góc nhìn dành cho BHL, cầu thủ

Trong 14 đội dự V.League thì SLNA thuộc đội có số bàn thắng ít nhất (32 bàn), chỉ hơn S.Khánh Hòa đội rớt hạng đúng 1 bàn, ngang bằng Nam Định. Khá ngạc nhiên là đội chủ sân Vinh có số bàn thắng sân khách (19 bàn) nhiều hơn sân nhà (13 bàn). Duy nhất chỉ đội bóng xứ Nghệ lại có phong độ ghi bàn như thế.

Một trong những nguyên nhân khan hiếm bàn thắng vì Olaha thường lùi về quá sâu. Ảnh tư liệu Đức Anh
Một trong những nguyên nhân khan hiếm bàn thắng vì Olaha thường lùi về quá sâu. Ảnh tư liệu Đức Anh
Lý giải về điều này, nhà báo Quang Huy (Thể thao TP.HCM) cho rằng: “Khá nhiều đội kèo dưới, khi đến sân Vinh đá phòng thủ thấp, tập trung số đông nên hàng công SLNA gặp khó khăn. Rất nhiều trận đấu trên sân Vinh kết thúc bằng tỷ số 0-0, trong khi đó đá trên sân khách, chủ nhà phải tấn công để có điểm thì đội bóng xứ Nghệ mới có cơ hội”.
Thực ra, về lý thuyết SLNA thường thi đấu với sơ đồ 4-4-2 khi cần bàn thắng hoặc 4-5-1 khi cần phòng thủ nhưng khá nhiều thời điểm họ đá với sơ đồ 4-3-2-1, trong đó Olaha thường lùi về phần sân nhà tham gia phòng thủ. Với phương án này thì trước mặt 2 trung vệ SLNA thiết lập được “bức tường màu vàng” nhưng tuyến giữa đội bóng xứ Nghệ mất cầu thủ kiến tạo.
Việc Michael Olaha và Pape Omar (Hà Nội FC) đứng đầu danh sách chuyền cho cầu thủ kiến tạo nhiều nhất (Pre-Assist) với 6 lần đã cho thấy BHL SLNA đã quá chú tâm vào việc phòng thủ. Sở dĩ Pape Omar trở thành Vua phá lưới với 15 bàn thắng vì BHL Hà Nội đã sớm phát hiện điều này, đẩy Hoàng Vũ Samson đi Quảng Nam, trả lại vị trí ghi bàn cho ngoại binh này.
Không chỉ Michael Olaha mà ngay Khắc Ngọc, mùa giải này cũng đá thấp hơn thường lệ. Tiền vệ số 12 này cũng có 4 pha chuyền cho cầu thủ kiến tạo, đồng nghĩa với việc anh ở khá xa khung thành đối phương. Việc Khắc Ngọc có số cơ hội chuyền bóng cho cầu thủ kiến tạo ngang bằng Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC), Ngô Xuân Toàn (Sài Gòn FC), Nghiêm Xuân Tú (Than Quảng Ninh), Nguyễn Hoàng Đức (Viettel FC)…nhưng không nằm trong tốp 10 kiến tạo tại V.League 2019 khiến con đường lên đội tuyển của tiền vệ này hẹp đi đáng kể.
Duy nhất 1 bài tủ
Mùa giải này, thời gian cầm bóng của SLNA chỉ 47,1% chỉ hơn được duy nhất Hải Phòng 46,7%. Ảnh tư liệu
Mùa giải này, thời gian cầm bóng của SLNA chỉ 47,1% chỉ hơn được duy nhất Hải Phòng 46,7%. Ảnh tư liệu
Lý giải về tình trạng khan hiếm bàn thắng có phần xuất phát từ triết lý trung thành với lối đá phòng ngự phản công, để đảm bảo không thua của BHL SLNA. Ít ai nghĩ rằng, thời gian cầm bóng của đội bóng xứ Nghệ chỉ 47,1% chỉ hơn duy nhất Hải Phòng 46,7%.
Nên nhớ đội bóng đất Cảng của HLV Trương Việt Hoàng thì đấu theo kiểu “bỏ qua” hàng tiến vệ, bóng được phất thẳng lên cho ngoại binh. Khi thi đấu với S.Khánh Hòa (thắng 4-1) thì thời gian kiểm soát bóng của SLNA cũng chỉ 43%.
Suốt cả mùa bóng mà thời gian kiểm soát trận đấu của đội bóng xứ Nghệ còn thua cả Nam Định (47,3%) và S.Khánh Hòa (47,2%) thì đúng là khó hiểu và khó chấp nhận. SLNA không thể so với Hà Nội FC, đội có tỷ lệ cầm bóng 59,3% nhưng để thua cả những đội phong độ khá tệ như Thanh Hóa (49,3%) hay tân binh Viettel (47,8%) là điều không ai muốn thừa nhận.
Nếu đối thủ không có đất cho Olaha và các đồng đội diễn lối đá phòng ngự phản công là y như rằng SLNA gặp khó khăn, bất luận đá sân khách hay sân nhà. Mà bóng đá, thì BHL SLNA không thể yêu cầu đối phương đá theo ý mình, nên cơn hạn bàn thắng kéo dài và không có phương án giải quyết.
Ngoài ra, SLNA là đội bóng duy nhất không có bàn thắng trong 15 phút đầu của trận đấu. Thầy trò HLV Đức Thắng dường như dàn quân khá chậm, thời gian ưa thích ghi bàn của họ là từ phút thứ 15-30.

Tin mới