Mổ xẻ phong độ của đội tuyển Việt Nam hiện nay

(Baonghean.vn) - Khi bước ra sân chơi châu lục, nhất là từ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, phải ghi nhận ĐT Việt Nam thể hiện sự tiến bộ qua từng trận đấu.

Đặc biệt là khả năng triển khai tấn công trong thế trận phòng ngự - phản công, ý chí cao độ của cả tập thể khi bị áp đặt thế trận hoặc bị dẫn bàn, xuất hiện những nhân tố nổi trội trong các trận đấu cũng như một số tình huống cụ thể.

Tuy vậy, những tiến bộ đáng kể đó vẫn chưa thể khỏa lấp khoảng cách hay đẳng cấp giữa bóng đá Việt và các đối thủ hàng đầu châu lục. Từ thua sút về thể hình, thể lực và nhiều yếu tố khác về chuyên môn, kinh nghiệm, ĐT Việt Nam đánh mất cân bằng giữa các tuyến, các vị trí, phạm sai lầm cá nhân cũng như cả hệ thống ở những thời điểm quan trọng. Ngoài ra, trong đội hình ĐT Việt Nam chưa có ngôi sao tầm cỡ châu lục có thể giúp định đoạt trận đấu…

Bóng đá là môn chơi tập thể, tất nhiên. Nhưng chỉ có các ngôi sao mới có khả năng phá vỡ thế cân bằng, tạo đột biến để xoay chuyển tình thế. Nếu tính ở sân chơi khu vực, ĐT Việt Nam đương nhiên được xem là đội bóng số 1 với nhiều ngôi sao nổi trội. Nhưng bước vào vòng loại thứ 3, kể cả trước đó ở trận cuối vòng loại thứ 2 gặp UAE, ĐT Việt Nam đã “vấp” phải các đội bóng đẳng cấp hơn, kinh nghiệm hơn và nhiều ngôi sao sáng hơn, khiến cho mọi nỗ lực của các ngôi sao trở nên khó khăn hơn và nếu sai lầm xảy ra thì bị khai thác, tận dụng một cách triệt để hơn.

Một pha tranh bóng giữa các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Australia. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng
Một pha tranh bóng giữa các cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Australia. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Trận gặp UAE, đối thủ áp đặt thế trận liên tục khiến hàng thủ ĐT Việt Nam dù lùi sâu vẫn không theo kịp các pha phối hợp biến hóa, bất ngờ của đội chủ nhà. Kết quả là 2 đường chuyền sáng nước của các tiền vệ chủ nhà ngay lập tức dẫn tới bàn thắng, khi lần lượt Hồng Duy ở cánh trái mắc lỗi vị trí, rồi đến lượt Trọng Hoàng cánh phải không thể bật nhảy trước đối thủ cao lớn hơn, trái lại bị họ đè mặt bật cao đánh đầu hạ gục thủ môn Tấn Trường…

Trong trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình, ĐT Việt Nam tưởng như đã tạo được một thế trận chặt chẽ, kín kẽ khi không cho đội khách bất cứ một cơ hội nào để chơi bóng bổng theo lợi thế của họ. Nhưng trong một tình huống lao lên sai vị trí của Hồng Duy, trong khi Văn Đức không kịp thời hỗ trợ, đối thủ đã chuyền một đường bóng vô cùng hiểm hóc khiến Văn Lâm băng lên thì không tới mà lùi về thì không kịp! Một trận thua sát nút, rất đáng tiếc trong một thế trận không đến nỗi nào của ĐT Việt Nam.

Trong các trận đấu gặp ĐT Trung Quốc và ĐT Oman, sai lầm cá nhân cũng đã khiến cho ĐT Việt Nam gặp vô số bất lợi và phải chấp nhận thua cuộc. Đáng tiếc nhất là sai lầm liên tiếp do non kinh nghiệm trận mạc của trung vệ trẻ Thanh Bình khi không ngăn chặn nổi cầu thủ Wu Lei, một ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu. Còn sai lầm của Tấn Tài, Duy Mạnh với những cú vung tay thừa thãi trong trận đấu gặp ĐT Oman thì rất khó để khẳng định đây là lỗi chuyên môn hay đạo đức hay đồng thời cả hai. Chỉ biết Tấn Tài là tuyển thủ mới đá chính trận đầu, chơi bùng nổ và hiệu quả đi kèm với những sai sót, sai lầm lần đầu mới gặp. Chỉ đáng nói và đáng tiếc khi Duy Mạnh là trụ cột, chơi tin cậy nhưng sai lầm dẫn đến đội nhà bị phạt đền thì đâu phải lần đầu!

Màn thể hiện của tuyển Việt Nam ở các trận đấu đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là đáng khen ngợi. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng
Màn thể hiện của tuyển Việt Nam ở các trận đấu đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là đáng khen ngợi. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Nhắc lại một số sai sót, sai lầm cá nhân nêu trên không nhằm mục đích gì cao hơn ngoài việc mong muốn mỗi tuyển thủ phải tự mình nghiêm khắc nhìn lại, không ngừng học tập, trau dỗi kỹ năng chuyên môn, đạo đức sân cỏ, thi đấu chuyên nghiệp, chấp nhận khó khăn để vượt qua, chấp nhận luật chơi để tiến bộ từng ngày, từng trận và từng giải đấu. Phải thật thấm thía câu nói “mỗi lần vấp là một lần bớt dại” như lâu nay ai ai cũng hiểu, cũng chấp thuận.

Việc sau những trận đấu được coi là thiếu may mắn dẫn tới thất bại, một vài tuyển thủ nêu ý kiến cá nhân trên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông, thể hiện sự ấm ức, bất bình trọng tài hay VAR suy cho cùng là “lợi bất cập hại”. Vì xem ra, trong đó vẫn có chuyện đổ lỗi, không nhận lỗi và không biết cách vượt lên hoàn cảnh, không biết chấp nhận “một phần của bóng đá” là những chuyện lùm xùm không bao giờ hết như thế lâu nay.

Và khi bước ra sân chơi châu lục, tốt nhất là hãy trả lời bằng hành động, bằng kết quả cụ thể trên sân cỏ. Còn nhớ, ở sân chơi khu vực thời SEA Games 18, thủ môn Tiến Dũng có lần nói rằng “ tôi sai đã có đồng đội sửa!”. Nhưng nghiệt ngã thay, đến sân chơi châu lục lúc này, nếu sai, nếu phạm sai lầm dù trong tích tắc, sẽ không đồng đội nào có thể sửa được, ngoài việc chấp nhận một bàn thua, thậm chí một trận thua và nhiều hơn thế nữa. Đẳng cấp chính là chỗ đó! Đi ngày đàng học sàng khôn cũng là chỗ đó!

Tin mới