Mỗi kiểm lâm viên “gánh” hơn 10.000 ha rừng

(Baonghean.vn) - Đây là phản ánh của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông khi đề cập đến thách thức, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do lực lượng mỏng.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Sáng 27/4, đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đối với Vườn Quốc gia Pù Mát, Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc.
Thông tin đến đoàn giám sát, lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát cho hay, tổng số người làm việc được giao năm 2017 là 109 người và tổng số hiện có là 108 người. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát hiện có 37 công chức và 41 viên chức. Tuy nhiên, theo quy định, số lượng công chức kiểm lâm mới chỉ đáp ứng được 1/4 so với quy định của Chính phủ tại Nghị định 117/2010/NĐ - CP về Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.

Theo đó, quy định lực lượng Kiểm lâm được bố trí 500 ha/công chức kiểm lâm. Tuy nhiên, hiện tại ở Vườn Quốc gia Pù Mát mỗi công chức kiểm lâm đang “gánh” 1.300 ha/người.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vườn Quốc gia Pù Mát nhiều lần kiến nghị tại cuộc làm việc với đoàn giám sát là xem xét chế độ cho các kiểm lâm viên là viên chức.

Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường trăn trở: “Làm cùng một địa bàn, trong cùng một điều kiện nhưng viên chức kiểm lâm không có chế độ phụ cấp thâm niên, công vụ như công chức kiểm lâm”.

Một “thiệt thòi” khác của kiểm lâm viên là viên chức mà ông Cường nêu ra và đề nghị có tháo gỡ với đối tượng này không thể thi nâng hạng sau khi đã được đào tạo và có thời gian cống hiến lâu năm; trong khi đó để chuyển ngạch sang công chức đòi hỏi phải có biên chế. 

Pù Mát. Ảnh: Thành Duy
Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Lực lượng mỏng cũng là vấn đề được lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Con Cuông phản ánh với đoàn giám sát. Năm 2017, đơn vị này có 19 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, 13 kiểm lâm viên được giao quản lý 12 xã, 1 thị trấn trên diện tích 154.000 ha, bình quân mỗi kiểm lâm viên quản lý trên 10.000 ha rừng, trong khi theo quy định tại Nghị định 119/2006/NĐ - CP về Tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm thì cứ 1.000 ha rừng cần bố trí 1 kiểm lâm địa bàn. 

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông cho biết: Mấy năm nay lực lượng kiểm lâm không có tuyển dụng nên số lượng rất thiếu với số lượng theo quy định, nhất là thiếu lực lượng trẻ.

Còn tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông, số cán bộ trong biên chế hiện có là 13 người và 15 hợp đồng chi trả từ nguồn thu của đơn vị.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đánh giá lãnh đạo cả 3 đơn vị triển khai nghiêm túc việc tuyển dụng người lao động, cơ bản xây dựng đề án vị trí việc làm, triển khai đề án tinh giản biên chế. 

Kiểm lâm tuần tra rừng ở Con Cuông. Ảnh tư liệu
Kiểm lâm tuần tra rừng ở Con Cuông. Ảnh tư liệu
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu 3 đơn vị thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ đề án vị trí việc làm được phê duyệt; vị trí còn thiếu có kiến nghị cấp có thẩm quyền để xem xét.

Các đơn vị cũng cần rà soát chặt chẽ công chức, viên chức, hợp đồng, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đồng thời thực hiện đầy đủ chính sách đối với người lao động theo quy định của cấp có thẩm quyền và quy định của Nhà nước.

Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đề nghị, các đơn vị đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo nền tảng xây dựng Con Cuông thành đô thị sinh thái./.

Tin mới