Mỗi năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau

(Baonghean.vn) - Bộ GD&ĐT thống kê trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
Ảnh: Chu Thanh
Chia sẻ của cô Đoàn Thị Thủy Chung tại buổi truyền thông ở trường THCS Nghi Xá, Nghi Lộc. Ảnh: Chu Thanh
Chiều 4/4, gần 400 học sinh, thầy cô giáo Trường THCS Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) đã tham gia buổi Truyền thông Phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn do Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban DS-KHHGĐ, Ban Tư Pháp phối hợp với Trường THCS Nghi Xá tổ chức.

Bạo lực học đường đang được các gia đình, nhà trường quan tâm, trở thành nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tại buổi truyền thông, cô Đoàn Thị Thủy Chung - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - khách mời tại chương trình cho biết, bạo lực học đường là những hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản, sức khỏe, tinh thần, uy tín, danh dự của người bị hại trong môi trường học đường. Nguyên nhân có thể đến từ gia đình, nhà trường, xã hội.  

Ảnh: Chu Thanh
Em Nguyễn Đình Hùng, một trong số ít học sinh dám nhận từng chịu bạo hành học đường bằng lời nói. Ảnh: Chu Thanh
Theo cô Chung, tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT thống kê trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau; hơn 11.000  học sinh thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo Bộ Công An thống kê, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Con số trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cô Chung thẳng thắn khi nói về tình hình bạo lực học đường hiện nay.

Ảnh: Chu Thanh
Cô Lê Hòa, giáo viên Trường THCS Nghi Xá, người từng chủ nhiệm nhiều lớp cá biệt của trường. Ảnh: Chu Thanh
Có mặt tại buổi truyền thông, cô Lê Hòa, giáo viên Trường THCS Nghi Xá chia sẻ, để hạn chế bạo lực học đường, điều đầu tiên là phải có sự phối hợp của ba bên là gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cũng là nền tảng quan trọng nhất và mỗi bậc phụ huynh phải là nền tảng giáo dục đạo đức cho các em học sinh. Tiếp theo, nhà trường và thầy cô phải là tấm gương sáng, giáo dục, định hướng tốt cho các em từ đó hạn chế được bạo lực trong học đường.
Cô Lê Hòa, giáo viên Trường THCS Nghi Xá nói về phương pháp chống bạo lực học đường. Clip: Chu Thanh

Tại buổi truyền thông kéo dài gần 2 tiếng, các em học sinh Trường THCS Nghi Xá không chỉ được chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường mà còn cả những vấn đề về giáo dục giới tính chống xâm hại tình dục và cả kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.

Tin mới