Mỗi năm, Nghệ An giải quyết việc làm mới cho hơn 37.000 lao động

(Baonghean.vn) - Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, bình quân giai đoạn 2013 - 2017, mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 37.187 người.
Học viên học nghề may công nghiệp tại Trường Trung cấp
Học viên học nghề may công nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế -
Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
Cụ thể, năm 2013, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 36.300 người, năm 2014 là 36.686 người, năm 2015 là 37.500 người, năm 2016 là 37.860 người, năm 2017 là 37.590 người. Phần nhiều trong số đó là người đi xuất khẩu lao động, tính riêng năm 2017, Nghệ An đã đưa được 13.810 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung ở các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Kết quả này đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Bình quân giai đoạn 2013 - 2017, tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở thành thị là 3,09% và ở nông thôn là  0,87%. 

Lao động nộp hồ sơ giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
Lao động nộp hồ sơ tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Phước Anh
Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ lao động có việc làm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiện vẫn đang có hàng vạn lao động chưa có việc làm và thiếu việc làm, trong đó có nhiều lao động đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, lao động đã qua đào tạo... Bên cạnh đó, trình độ lao động thấp, chưa đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc công nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường cũng như điều kiện làm việc bằng công nghệ hiện đại của người lao động còn hạn chế.

Được biết, tính đến ngày 30/6/2018, lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh là hơn 1,8 triệu người, chiếm 59,85% dân số.

Đề án Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 đặt mục tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 223.350 lao động.

Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động các địa phương trong tỉnh vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực lao động, tạo nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và tăng cường an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp từ 62,8% hiện nay xuống còn 49% năm 2020; tăng lao động ngành công nghiệp, xây dựng từ 13,6% lên 23%, ngành dịch vụ, thương mại từ 23.6% lên 28%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 61% vào năm 2020./.

Tin mới