'Mỗi người nghệ sỹ là một chiến sỹ'

(Baonghean.vn) - 'Mặc kệ quân địch bắn chỉ thiên cảnh cáo song những người nghệ sỹ vẫn tiếp tục chương trình…' - đó là tâm sự của người nghệ sỹ già khi nhớ về những năm tháng theo quân giải phóng đất nước.

bna_5905c6cdc05f2.jpg
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Văn Xuyên. Ảnh: Chu Thanh.

Có mặt tại Nghệ An trong những ngày đi lưu diễn theo đoàn, chúng tôi rất may mắn khi được trò chuyện với NSƯT Phạm Văn Xuyên (64 tuổi) là một trong những người nghệ sỹ lão làng, cựu Phó giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, đồng thời cũng là người nghệ sỹ từng theo tiếng gọi của Tổ quốc ra chiến trường phục vụ.

Là lứa học sinh đầu tiên theo học ở trường xiếc Việt Nam, tính đến nay, ông đã có 47 năm cống hiến hết mình cho ngành xiếc Việt Nam. Ông Xuyên nhớ lại, ông bắt đầu theo học xiếc từ những năm 1970.

“Thời ấy học tập cực khổ lắm. Vừa học, vừa phải sơ tán khi có còi báo động máy bay Mỹ ném bom. Cực khổ nên ban đầu khóa tôi có 40 người nhưng về sau rơi rụng dần, chỉ còn lại 20 người bám trụ” - ông Xuyên chia sẻ.

Ảnh: Chu Thanh
Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Xuyên vẫn thường đi biểu diễn cùng đoàn xiếc của Liên đoàn xiếc Việt Nam để thỏa niềm đam mê. Ảnh: Chu Thanh

Ra trường năm 1973, ông Xuyên nhiều lần theo tiếng gọi của Tổ Quốc đi phục vụ miễn phí cho người lính nơi chiến trường và phục vụ cho bà con vùng vừa được quân đội Việt Nam giải phóng.

Nhớ lại thời kỳ ấy, ông Xuyên hào hứng: “Hồi ấy chiến tranh ác liệt, chuyện vừa chạy địch vừa diễn là chuyện thường ngày của anh em trong đoàn. Biết là nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì yêu nghề, vì muốn mang lại niềm vui cho binh lính sau những giờ phút sinh tử nơi chiến trường, cho đồng bào nơi vừa được giải phóng nên những người nghệ sỹ như tôi ai cũng hăng hái”.

Thời kỳ ấy, một đêm diễn, ông Xuyên một mình diễn đến 7 tiết mục phục vụ cho nhân dân. “Diễn đến mức sau khi lui về cánh gà, áo tôi còn vắt được ra nước nhưng vẫn thấy vui”. 

Ông Xuyên trầm ngâm, cái thời bom đạn ác liệt đấy ai biết trước ngày mai sẽ ra sao. Có người hôm trước còn hào hứng xem ông diễn trên tàu, vài ngày sau ông hay tin đã ngã xuống tại một chiến trường ác liệt. Chính tính mạng của bản thân ông và những người nghệ sỹ cũng nhiều lần nằm trên lằn ranh sinh tử.

Ảnh: Chu Thanh
Mang lại niềm vui cho khán giả dù trong thời chiến hay thời bình là điều mà mỗi người nghệ sỹ như ông luôn tâm niệm. Ảnh: Chu Thanh

Không ít lần khi đến diễn ở những vùng vừa được quân đội Việt Nam giải phóng, kết thúc chương trình phục vụ cho bà con thì mới hay tin sân khấu mình đứng diễn đã bị tàn quân Mỹ ngụy gài bom, may mắn là được phát hiện và vô hiệu hóa kịp thời. Hay có những đêm diễn cuối năm 1973 ở cầu Hiền Lương, đứng trên sàn diễn, ông có thể thấy chốt của địch bên kia sông. Mặc kệ quân địch bắn chỉ thiên cảnh cáo song những người nghệ sỹ như ông vẫn tiếp tục chương trình của mình.

Nguy hiểm rình rập là vậy nhưng những người nghệ sỹ như ông Phạm Văn Xuyên vẫn tiếp tục công việc của mình. Bởi trong mỗi con người như ông luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ: “Mỗi người nghệ sỹ cũng là một chiến sỹ” chiến đấu trên mặt trận của riêng mình.

Thời chiến cũng như thời bình, những người nghệ sỹ như ông vẫn tiếp tục nhiệt huyết sống với nghề dẫu còn nhiều khó khăn. Bản thân ông Xuyên, sau khi về hưu, nghỉ công việc tại Liên đoàn xiếc nhưng ông vẫn nhớ nghề, vẫn sẵn sàng theo đoàn để mang lại niềm vui cho bà con nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới