Môi trường đầu tư - thước đo nỗ lực của Chính phủ kiến tạo

(Baonghean) - Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai và ngày càng thu được kết quả tích cực, nổi bật là sự cải thiện môi trường đầu tư.

Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai và ngày càng thu được kết quả tích cực, nổi bật là sự cải thiện môi trường đầu tư. Những thành tựu này không chỉ được khẳng định bởi kết quả khá ấn tượng về động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế; về số lượng dự án FDI và số doanh nghiệp đăng ký mới, quay lại hoạt động, cùng với số vốn thực hiện và bổ sung…, mà còn được ghi nhận qua việc Việt Nam liên tục có sự cải thiện xếp hạng các chỉ số về BCI - Chỉ số niềm tin kinh doanh (Eurocham); Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam (của ANZ Việt Nam); Chỉ số tín nhiệm quốc gia và xếp hạng cạnh tranh quốc gia; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Hệ số tín nhiệm của nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam.  

Cán bộ Khu kinh tế Đông Nam giới thiệu với nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năm đầu tư vào Nghệ An.	Ảnh: Nguyên Sơn
Cán bộ Khu kinh tế Đông Nam giới thiệu với nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năm đầu tư vào Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn

Đặc biệt, Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business report 2016) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã có sự cải thiện khá liên tục: Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 99/183 nước. Đến năm 2014, tăng lên thứ 93/189 nước; năm 2015 tăng lên thứ 91/190 và Doing Business 2016 report vừa công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá.

Việc xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng. Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87. Tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167. Tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.

Việt Nam cũng có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới: xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; Đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hợp quốc xếp thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015. 

Đến nay, Việt Nam đã ký kết trên 90 Hiệp định Thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng Thế giới.

Hiện ngoài WTO, Việt Nam đã ký 11 FTA: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc và New ZeaLand; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê); FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu; Kết thúc đàm phán  FTA với EU; đang đàm phán 6 FTA khác, như EFTA (bao gồm 4 nước là Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Ai-xơ-len); FTA với Đài Loan; FTA với Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); FTA với Ixrael (khởi động từ đầu tháng 12/2015); Hình thành AEC từ cuối năm 2015.

Việt Nam đang mở rộng quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20. Đã có 60 nước TPP công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Nhà máy may Nhật Bản tại huyện Yên Thành.	Ảnh: P.V
Nhà máy may Nhật Bản tại huyện Yên Thành. Ảnh: P.V

Trọng tâm nổi bật của cải thiện môi trường đầu tư là việc giảm thuế suất, thời gian nộp thuế cũng giảm nhanh. Bên cạnh đó, lãi suất và điều kiện tín dụng cho doanh nghiệp cũng được cải thiện theo hướng thấp hơn và thông thoáng hơn.

Thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công cũng được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông quan; gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường, không phân biệt thành phần kinh tế; Thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài. 

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo cam kết hội nhập được thúc đẩy bởi sự thay đổi tư duy từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển bề rộng sang chủ yếu phát triển theo bề sâu, dựa trên năng suất, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Sự cải thiện không ngừng môi trường đầu tư là thành quả và thước đo nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những nền tảng tạo sự hợp lực cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, hội nhập quốc tế hiệu quả và bền vững hơn.

TS. Nguyễn Minh Phong

TIN LIÊN QUAN

Tin mới