Mong một mùa lễ hội bình yên

(Baonghean) - Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội, mùa hành hương của người Việt. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của các lễ hội truyền thống thì một số nơi, người đi hội cũng không khỏi lo âu tái diễn cảnh chen lấn, giẫm đạp ở chốn trang nghiêm. 

Từ mùng 2 Tết, những ngôi chùa lớn, những ngôi đền được tiếng linh thiêng đã đông nghẹt thiện nam, tín nữ và khách thập phương tham quan vãn cảnh. Đầu Xuân, hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử luôn là niềm khao khát của những người con Phật khắp mọi miền đất nước.

Về với Yên Tử là về với Đạo, với Đời, để hiểu thêm giá trị của Thiền phái Trúc Lâm mà Vua Trần Nhân Tông đã dành cả đời mình tu tập. Dù bây giờ, con đường chinh phục đỉnh Phù Vân đã có cáp treo, nhưng ai cũng muốn trong đời ít nhất một lần được thử sức mình với đỉnh cao 1.068 m, mong một lần đến chốn Thiền môn để được tách mình khỏi bao tục lụy nhân gian.

Giành lộc ở chùa Hương - ảnh Intenet
Giành lộc ở chùa Hương. Ảnh: Intenet

Đầu Xuân còn là dịp để những người con đất Việt tưởng nhớ về một chiến công hiển hách mà ông cha ta đã dùng máu xương của mình để tạc ghi vào lịch sử. Đã thành truyền thống, sáng 1/2 (tức mùng 5 tháng Giêng), cùng với Tây Sơn (Bình Định), Đống Đa (Hà Nội), lễ Kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2017) được tổ chức trang trọng tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết, thành phố Vinh. Lễ hội thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương, lãnh đạo chính quyền cùng dâng hương, hoa bày tỏ lòng thành kính, tri ân chiến công hiển hách của vị anh hùng áo vải cờ đào.

Người dân đến vãn cảnh, thắp hương ở Đền thờ Quang Trung (TP Vinh) - Ảnh: Đức Dũng
Người dân đến vãn cảnh, dâng hương ở Đền thờ Quang Trung (TP Vinh)  - Ảnh: Đức Dũng

Thật khó kể hết những lễ hội văn hóa, lịch sử, tôn giáo, lễ hội dân gian... được tổ chức khắp mọi miền đất nước trong những ngày đầu năm này. Ngay trong ngày đi làm đầu năm sau 1 tuần nghỉ Tết, ngày 2/2( tức mùng 6 tháng Giêng), Hà Nội đã khai hội Chùa Hương năm 2017, Hội Gióng; Ninh Bình khai hội chùa Bái Đính; Bắc Ninh đã nhộn nhịp khi hàng vạn du khách về dự lễ đền Bà Chúa Kho...

Đi hội đầu Xuân để thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần cũng như ước vọng về cuộc sống tốt đẹp, nguyện cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ, đặc biệt là hướng mọi người đến tưởng nhớ công đức của các bậc thánh hiền, tự hào về chiến công hiển hách của các anh hùng dân tộc, thêm yêu đất nước quê hương, thấy mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống là điều rất nên làm, đáng được trân trọng. 

Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Intenet
Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Intenet

Thế nhưng, dù không muốn cũng vẫn phải nhắc đến, đó là tình trạng biến tướng của một số lễ hội gần đây khi các giá trị tâm linh đã trở thành một nhu cầu mang tính thực dụng. Mặc dù chưa phải cao điểm của mùa lễ hội năm 2017, nhưng những hình ảnh phản cảm ở một số lễ hội đã xuất hiện trên nhiều tờ báo, trên mạng xã hội.

Cảnh cuớp lộc ở Hội Gióng đã tái diễn mặc dù đã được ngành Văn hóa Hà Nội và huyện Sóc Sơn cam kết ngăn chặn. Hình ảnh những thanh niên bất chấp lực lượng bảo vệ, vượt rào, xông vào giành giật từng cành hoa tre, từng trái cau, lá trầu tạo nên cảnh hỗn loạn ngay trong chốn tôn nghiêm thật phản cảm trong mắt mọi người. Rồi cảnh chen lấn, giẫm đạp nhau ở chùa Hương, cảnh hàng ngàn người đua nhau đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) với mong muốn một năm mua may bán đắt, giàu có phát tài...

Đền, chùa nào người cũng nêm như cối, tiền lẻ rải khắp nơi, nhét cả lên tượng Phật, tượng thánh. Rồi cả cảnh chen lấn, xô đẩy tại hệ thống các đền Trần để cướp ấn Quang Trung Linh từ hàng năm. Không biết đến nay đã có nhà khoa học, nhà nghiên cứu nào trả lời chính xác những “công dụng” mà lá ấn mang lại cho người nhận ấn chưa, nhưng cứ nhìn cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau lộc ấn và nhiều thứ lộc khác ở các lễ hội thì không ai có thể nói rằng, đó là những hành vi của con người trong xã hội văn minh!

Cảnh cướp lộc hoa tre ở Hội Gióng. Ảnh: Intenet
Cảnh cướp lộc hoa tre ở Hội Gióng. Ảnh: Intenet

Các cụ ngày xưa có câu “Tả tơi như chơi hội” để miêu tả cảnh du Xuân đầu năm mới. Nhưng “tả tơi” trong câu nói này là sự đông đúc, vui vẻ chứ không phải là các cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp cho bằng được như ở một số lễ hội hiện nay.

Đó là những hành vi phản cảm, phi truyền thống cần phải loại bỏ. Trước Tết, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo ứng xử văn minh trong lễ hội với sự tham gia của các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, thống nhất quan điểm hướng tới xây dựng bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội, quy định ứng xử của ban tổ chức, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội.

Đối với những lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia như lễ hội chùa Hương, đền Trần, Hội Xuân Yên Tử, Lễ hội đền Hùng, hội Lim, đền Bà Chúa Kho..., Bộ đã yêu cầu các địa phương sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, có đầy đủ phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến nhằm tránh ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau. 

Tất cả đã được chuẩn bị. Tất cả đã có cam kết. Nhưng có còn diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau; có còn cảnh cướp lộc ở các lễ hội hay không? Câu trả lời nằm ở ý thức của mỗi người dân. Hãy để lễ hội chỉ là sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện tính nhân văn, khát vọng về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc./. 

Vân Thiêng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới