Mong một tấm bằng Tổ quốc ghi công…

Từ nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi để tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, cùng thân nhân của họ. Dù vậy, vẫn còn đó những niềm mong chính đáng chưa được giải quyết.

Gửi đơn kiến nghị đến Báo Nghệ An hồi đầu tháng 4/2021, ông Lê Sỹ Lâm, trú tại thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp) trình bày về những năm tháng ròng rã kiên trì “gõ cửa” các nơi để chú của ông, liệt sỹ Lê Sỹ Quang, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Ông Lâm viết, liệt sỹ Lê Sỹ Quang sinh ngày 5/9/1930, quê quán ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), nhập ngũ năm 1952, hy sinh ngày 17/10/1953 trên chiến trường Thượng Lào. Thời điểm đó, bố của liệt sỹ Lê Sỹ Quang là cụ Lê Sỹ Nguyên được hưởng chế độ tiền tuất ở xã Hưng Thông. Năm 1966, theo lời động viên của Nhà nước, cụ Lê Sỹ Nguyên đưa cả gia đình ngược lên xã Châu Quang (Quỳ Hợp) để khai khẩn vùng đất mới Phủ Quỳ. Đến năm 1974, cụ Lê Sỹ Nguyên qua đời, chế độ tiền tuất được cắt, việc thờ cúng liệt sỹ Lê Sỹ Quang được giao lại cho người con đầu là cụ Lê Sỹ Lâm (bố của người có đơn; hai bố con cùng tên). Đến năm 1995, cụ Lê Sỹ Lâm qua đời, là con trưởng nên ông Lê Sỹ Lâm được anh em trong gia đình giao trọng trách thờ cúng liệt sỹ.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Châu Quang (Quỳ Hợp).
Nghĩa trang liệt sỹ xã Châu Quang (Quỳ Hợp).

Vào năm 1996, xã Châu Quang xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ. Dù hài cốt liệt sỹ Lê Sỹ Quang chưa đưa về nước nhưng tên của ông được khắc tại bia ghi danh; đồng thời, được xây mộ, dựng bia mộ hoàn chỉnh. Đến năm 2005, ông Lê Sỹ Lâm được nghỉ hưu theo chế độ. Có thời gian lo việc nhà, ông mới nghĩ đến việc người chú ruột liệt sỹ chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, để rồi cất công đi tìm hiểu. Nhưng đau lòng thay, tại xã Châu Quang, dù đã khắc bia, lập mộ nhưng liệt sỹ Lê Sỹ Quang lại không có tên trong hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Tìm đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp, ông Lâm được những người có trách nhiệm của phòng cho hay, hồ sơ cũ đã thất tán, trong hồ sơ mới không có tên liệt sỹ Lê Sỹ Quang. Đánh đường xuống Sở LĐ-TB&XH, câu trả lời nhận được cũng tương tự như ở xã, ở huyện: “Không có thông tin về liệt sỹ Lê Sỹ Quang!”.

Năm 2016, ông Lâm viết đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Ngày 24/5/2016, Ban CHQS huyện Quỳ Hợp có Công văn số 255/BCH-CT trả lời trường hợp ông Lê Sỹ Quang đã được công nhận liệt sỹ; còn Phòng LĐ-TB&XH huyện thì lập hồ sơ gửi lên Sở LĐ-TB&XH nhưng được sở trả lời không quản lý hồ sơ liệt sỹ Lê Sỹ Quang. Tiếp tục cuộc hành trình, ông Lê Sỹ Lâm có đơn đến UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ CHQS tỉnh…

Đến tháng 4/2020, ông Lê Sỹ Lâm nhận được Phiếu duyệt hồ sơ đề nghị liệt sỹ do Phòng Chính trị – Bộ CHQS tỉnh chuyển về. Trong đó, xác định ông Lê Sỹ Quang đã được công nhận liệt sỹ và thân nhân đã được hưởng chế độ liệt sỹ nên không thuộc đối tượng đề nghị, xác nhận liệt sỹ theo Thông tư số 28/2013. Nếu thân nhân gia đình làm hồ sơ để đề nghị hưởng chế độ thờ cùng hàng năm của liệt sỹ thì liên hệ với Phòng LĐ-TB&XH của huyện để được hướng dẫn, giải quyết.

Giấy chứng nhận đeo huy chương Bộ Quốc phòng truy tặng cho ông Lê Sỹ Quang và Giấy khám bệnh gia đình liệt sỹ.
Giấy chứng nhận đeo huy chương Bộ Quốc phòng truy tặng cho ông Lê Sỹ Quang và Giấy khám bệnh gia đình liệt sỹ.

Theo hướng dẫn, ông Lê Sỹ Lâm làm đơn xin cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho người chú liệt sỹ của mình. Đơn được Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp và Sở LĐ-TB&XH xem xét xử lý. Tháng 12/2020, Bộ CHQS tỉnh cũng đã cấp Giấy Báo tử số 56/GBT để Sở LĐ-TB&XH hoàn thiện hồ sơ trình Bộ LĐ-TB&XH cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Lê Sỹ Quang. Nhưng oái ăm thay, vì các mục ghi về đơn vị và chức vụ trên Giấy Báo tử của liệt sỹ Lê Sỹ Quang bỏ trống nên Bộ LĐ-TB&XH không có đủ căn cứ để cấp… “68 năm trôi qua, giấy tờ lưu trữ đã bị mục nát, mất mát. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà chú tôi không thể có được tấm Bằng Tổ quốc ghi công…”, ông Lê Sỹ Quang xót xa viết.

Ông Lê Sỹ Quang có thực là liệt sỹ? Nếu là liệt sỹ, có phải vì “không có thông tin về đơn vị và chức vụ” nên chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công? Để làm rõ những nội dung này, chúng tôi đã kết nối, gặp ông Lê Sỹ Lâm sau 1 tuần nhận được đơn.

Ông Lê Sỹ Lâm, 71 tuổi, vóc người gầy, mái tóc đã bạc trắng. Đưa ra chiếc cặp đựng đầy tài liệu, ông Lâm mở đầu câu chuyện: “Tôi làm nghề giáo, công việc nhà trường bận rộn nên khi nghỉ hưu thì mới có thời gian nghĩ về việc của chú mình. Nhưng đeo đuổi đến nay cũng đã 16 năm có lẻ rồi…”. Xem tài liệu ông Lâm mang theo, đủ chứng minh ông Lê Sỹ Quang là liệt sỹ. Đáng lưu ý như Giấy chứng nhận đeo huy chương của Bộ Quốc phòng truy tặng cho ông Lê Sỹ Quang ngày 6/3/1958. Giấy khám bệnh gia đình liệt sỹ của Ban Tổ chức Dân chính thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An cấp cho thân nhân gần nhất của liệt sỹ Lê Sỹ Quang là ông Lê Sỹ Nguyên. Giấy xác nhận khen thưởng của Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cũng ghi rõ: “Ông Lê Sỹ Quang; quê quán xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; trú quán xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; đã được Bộ Quốc phòng truy tặng Huy chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhì. Theo Nghị định số 16/QĐ/BQP ngày 6 tháng 3 năm 1958 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký. Danh sách lưu tại Bộ CHQS tỉnh Nghệ An số thứ 358, trang thứ 7, tập Hai. Theo danh sách tại Bộ Quốc phòng ngày 10 tháng 11 năm 1997”. Phiếu duyệt hồ sơ đề nghị liệt sỹ do Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cấp, trong đó khẳng định ông Lê Sỹ Quang đã được công nhận liệt sỹ, và thân nhân đã được hưởng chế độ liệt sỹ nên không thuộc đối tượng đề nghị, công nhận liệt sỹ; đồng thời, hướng dẫn việc lập hồ sơ hưởng chế độ thờ cúng hàng năm của liệt sỹ. Giấy Báo tử số 56/GBT ngày 31/12/2020 do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chứng nhận đồng chí Lê Sỹ Quang nhập ngũ ngày 12/2/1952, hy sinh ngày 17/10/1953; nhưng những mục như cấp bậc, chức vụ, đơn vị, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh đề (không rõ)…

Ông Lê Sỹ Lâm bên mộ liệt sỹ Lê Sỹ Quang; Giấy báo tử số 56/GBT ngày 31/12/2020 do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chứng nhận.
Ông Lê Sỹ Lâm bên mộ liệt sỹ Lê Sỹ Quang; Giấy báo tử số 56/GBT ngày 31/12/2020 do Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chứng nhận.

Theo ông Lê Sỹ Lâm, Giấy Báo tử là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Vì trên Giấy Báo tử số 56/GBT, những mục cấp bậc, chức vụ, đơn vị, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh đều đề: (không rõ) nên liệt sỹ Lê Sỹ Quang chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Ông Lê Sỹ Lâm nói: “Sở LĐ-TB&XH thông tin đến tôi như vậy. Và đấy là quy định nên Sở LĐ-TB&XH không thể làm gì hơn được…”.

Cùng ông Lê Sỹ Lâm đến Nghĩa trang liệt sỹ xã Châu Quang, tại nhà bia ghi danh liệt sỹ, dòng thứ tự số 58 có khắc tên liệt sỹ Lê Sỹ Quang. Còn ngôi mộ liệt sỹ Lê Sỹ Quang, dù chưa có hài cốt nhưng được xây cất như hàng chục ngôi mộ liệt sỹ khác; đồng thời được khắc bia, có lọ cắm hoa, bình cắm hương đầy đủ. Tại đây, bên ngôi mộ gió của chú mình, ông Lê Sỹ Lâm rưng rưng: “Chú tôi hy sinh đã gần 70 năm rồi. Chẳng lẽ chỉ vì thông tin mất mát mà trên ban thờ chú không thể có được tấm Bằng Tổ quốc ghi công…”.

Trở về từ Quỳ Hợp, chúng tôi được bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao đổi về nội dung ông Lê Sỹ Lâm kiến nghị. Theo bà Loan, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan của tỉnh đã làm tất cả những gì có thể. “Trên địa bàn tỉnh, không chỉ riêng gia đình bác Lê Sỹ Lâm mà còn rất nhiều những gia đình thân nhân liệt sỹ có chung nguyện vọng này. Chúng tôi hiểu nguyện vọng của thân nhân liệt sỹ, nhưng quy định là vậy nên sở đã báo cáo tình hình thực tế của địa phương, có kiến nghị lên Bộ LĐ-TB&XH xem xét, tháo gỡ…” – bà Hồ Thị Châu Loan trao đổi.

Ở đây, chúng tôi được tiếp cận Báo cáo số 422/BC-SLĐTBXH-NCC ngày 16/12/2020 của Sở LĐ-TB&XH, thể hiện rõ cái sự “nhiều” mà bà Hồ Thị Châu Loan đã nói ra. Đây là báo cáo tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020 gửi Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công. Trong đó nêu: “Nghệ An có hơn 500 trường hợp người hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến không có hồ sơ liệt sỹ và chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công nhưng được đơn vị, nhân dân suy tôn là liệt sỹ và có tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sỹ các cấp. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ và Điều 3, Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Liên bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng để xác nhận liệt sỹ và thực hiện các chế độ ưu đãi đối với thân nhân.

Báo cáo số 422/BC-SLĐTBXH-NCC của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An; Văn bản số 3123/LĐTBXH-VP của Bộ LĐ-TB&XH gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Báo cáo số 422/BC-SLĐTBXH-NCC của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An; Văn bản số 3123/LĐTBXH-VP của Bộ LĐ-TB&XH gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo quy định tại Điều 13, Thông tư số 16/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ LĐ-TB&XH đang quy định đối với những trường hợp thân nhân liệt sỹ đã được giải quyết chế độ ưu đãi trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng chưa được cấp bằng khó thực hiện, vì: Phần lớn các trường hợp này cơ quan Nhà nước cũng như thân nhân không còn lưu trữ được căn cứ chứng minh thân nhân liệt sỹ đã được giải quyết chế độ ưu đãi trước ngày 01 tháng 01 năm 1995”.

Từ thực tế này, tại Báo cáo số 422/BC-SLĐTBXH-NCC, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công… cần nghiên cứu thêm để có quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tồn đọng nêu trên.

Cũng tại Sở LĐ-TB&XH, cán bộ Phòng Người có công cho chúng tôi thêm thông tin rằng, không chỉ sở, mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng rất quan tâm nội dung này. Một cán bộ nữ trao đổi: “Qua các lần tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng tiếp nhận được nhiều những phản ánh tương tự kiến nghị của ông Lê Sỹ Lâm. Chính vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển kiến nghị của cử tri đến Bộ LĐ-TB&XH, và được bộ hồi đáp…”.

Xem các tài liệu, biết nội dung cử tri kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến Bộ LĐ-TB&XH là: “Cử tri phản ánh việc triển khai cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sỹ đã lập hồ sơ theo Thông tư số 16/2014 của Bộ LĐ-TB&XH gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể hơn”. Còn Bộ LĐ-TB&XH, đã trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Văn bản số 3123/LĐTBXH-VP. Nội dung là: “Hiện nay thủ tục, hồ sơ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với những trường hợp thân nhân liệt sỹ đã được giải quyết chế độ ưu đãi trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa được cấp bằng được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, trong thực tế khó khăn lớn nhất là hầu hết hồ sơ không thể hiện được trường hợp thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi nên vẫn chưa đủ căn cứ xác nhận. Bộ LĐ-TB&XH xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới”.

Ông Lê Sỹ Lâm bên tấm bia ghi danh liệt sỹ.
Ông Lê Sỹ Lâm bên tấm bia ghi danh liệt sỹ.

Trước khi chúng tôi rời đi, lãnh đạo Phòng Người có công – Sở LĐ-TB&XH cho hay, mới đây, khoảng giữa tháng 4 này, Sở LĐ-TB&XH có ra Cục Người có công để báo cáo rõ hơn về tình hình khó khăn, vướng mắc. Sau đó, được một lãnh đạo của cục trao đổi rằng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Vì vậy, các Nghị định, Thông tư liên quan đến việc thực hiện Pháp lệnh sẽ được sửa đổi để có những quy định sát hơn với tình hình thực tế, góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở… Lãnh đạo Phòng Người có công nói: “Như vậy, có thể hiểu kiến nghị của gia đình bác Lê Sỹ Lâm sẽ có thể được giải quyết. Chỉ có điều, cần thêm một khoảng thời gian…”.

Ngay sau đó, chúng tôi đã chuyển những thông tin được nghe đến với ông Lê Sỹ Lâm. Qua điện thoại, ông Lê Sỹ Lâm xúc động: “Chúng tôi được an ủi khi nghe những thông tin này. Hy vọng khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực, niềm mong nhiều năm của chúng tôi sẽ được giải quyết…”. Vâng, chúng tôi cũng mong mỏi điều này sớm thành hiện thực. Vì chẳng lẽ người hy sinh vì Tổ quốc, đã được công nhận liệt sỹ mà không được tặng Bằng Tổ quốc ghi công?