Mong muốn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho học trò

P.V: Chào Dương, cho đến thời điểm này, tôi vẫn thắc mắc vì sao Dương lại chọn sư phạm trong thời điểm ngành Sư phạm không còn là ngành học hấp dẫn và là một trong những ngành rất khó xin được việc làm?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Em học ở lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và tốt nghiệp năm 2012. Thành tích đáng kể nhất của em trong 3 năm ở trường chuyên có lẽ là giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Toán và với kết quả này có thể em có nhiều lựa chọn vào đại học. Tuy vậy, thời điểm đó, trong lớp em là học sinh duy nhất đăng ký vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Quả thực, đây là một quyết định khá “lạ” lúc bấy giờ và cá nhân em cũng được nhiều người đặt câu hỏi. Riêng em thấy điều này là bình thường bởi sư phạm và Toán là hai lĩnh vực em rất yêu thích, em muốn được truyền kiến thức cho các học trò. Ngoài ra, có thể em chịu nhiều ảnh hưởng của một số hình mẫu thầy cô giáo cũ của mình, đó là cô giáo tiểu học dạy em năm lớp 5 ở Diễn Châu, người mà em rất ngưỡng mộ bởi sự tâm huyết và nhiệt tình và sau này là thầy giáo Đậu Hoàng Hưng – Giáo viên chủ nhiệm và dạy Toán của em 3 năm THPT. Các thầy cô chính là người truyền cảm hứng cho em.

P.V: Với một nền tảng khá tốt, chắc chắn Dương đã trải qua 4 năm sinh viên khá dễ dàng?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Em học lớp chất lượng cao của Khoa Sư phạm Toán và thực ra những năm đầu em hoàn thành chương trình khá dễ dàng vì chương trình có liên quan đến phần kiến thức em ôn thi đội tuyển quốc gia. 4 năm sinh viên, em cũng tham gia các cuộc thi Olympic sinh viên và cũng trải nghiệm nhiều công việc như gia sư, tham gia các hoạt động của khoa, của nhà trường… Lớp của chúng em cũng có ba sinh viên từng là học sinh giỏi quốc gia, một sinh viên là học sinh giỏi quốc tế, nhiều sinh viên đến từ trường chuyên nên việc học được các thành viên trong lớp rất chú trọng và cùng nỗ lực để có tấm bằng xuất sắc sau khi ra trường.

P.V: Được biết, với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, sau khi ra trường Dương đã nhận được khá nhiều lời mời về dạy tại các trường phổ thông. Nhưng em đã chọn một con đường khác?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Như chị đã biết đấy, em sống thiên về cảm xúc. Khi mới tốt nghiệp, em cũng đã có một số cơ hội về dạy ở trường công lập nhưng khi đó em đã từ chối và quyết định xin làm việc ở trung tâm gia sư. Lúc đó, em chỉ nghĩ đơn giản, mình mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều trải nghiệm và chỉ mong mình thực sự chín chắn hơn. Hai năm làm việc ở trung tâm gia sư, ngoài tham gia giảng dạy em còn tham gia biên soạn một số tài liệu. Tuy nhiên, sau này em quyết định từ bỏ vì ước mơ của em là muốn truyền đạt kiến thức cho học trò và em muốn được sử dụng nhiều hơn nữa những kiến thức mà mình đã học. Trong khi đó, đối tượng học sinh ở các trung tâm gia sư lại không là mục tiêu mà mình hướng tới.

P.V: Trong đợt tuyển dụng giáo viên vừa qua của tỉnh Nghệ An, Dương là một trong ba giáo viên được tuyển dụng đặc cách và em là ứng viên duy nhất tốt nghiệp tại Pháp. Vì sao em lại chọn đi du học?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Sau khi nghỉ việc ở trung tâm gia sư, em đã đăng ký học cao học quốc tế tại Viện Toán học – Học viện Khoa học và kỹ thuật với một mục đích quan trọng là tìm kiếm cơ hội đi du học. Mặc dù vậy, con đường để đi du học của em cũng khá gập ghềnh bởi trước đó thường học viên cao học năm thứ nhất là đã có thư giới thiệu của các thầy ở Viện. Tuy vậy, ở khóa của em do nhập học muộn nên gần hết năm thứ nhất các thầy vẫn chưa viết thư giới thiệu.

Quả thật lúc đó em cũng rất nản vì để được đi du học thì cần ít nhất phải có 2 thư giới thiệu của 2 giảng viên đầu ngành. Trong lúc khó khăn, em đã nghĩ tới thầy giáo của em là Giáo sư Nguyễn Quang Diệu từng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và “đánh liều” viết thư cho thầy bằng email và gửi gắm vào đó rất nhiều tâm huyết và nguyện vọng của mình. Lúc em gửi thư, em cũng không nghĩ thầy sẽ hồi đáp vì thầy dạy em từ năm thứ 3 và em không học thầy nhiều. Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau 30 phút thầy đã hồi đáp lại cho em và đồng ý viết thư giới thiệu cho em.

Cho đến lúc này em cũng không nghĩ được vì sao thầy lại ủng hộ mình nhanh thế và đây là một tấm vé thông hành quan trọng để em có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ở Pháp. Sau này, em nhận được thư mời của 3 Trường Đại học tại Nantes, Lyon, Nice và em chọn học tại Đại học Nice Sophia Antipolis thành phố Nice và được chi trả toàn bộ chi phí học tập.

P.V: Rất nhiều nhà toán học của Việt Nam đã được học và thành công tại Pháp. Cá nhân em, em học được gì sau hơn một năm du học cao học ở đất nước này?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Mặc dù chỉ ở Pháp trong một thời gian không dài và đúng thời điểm dịch Covid – 19 đang bắt đầu bùng phát nhưng đây thực sự là một trải nghiệm cuộc sống vô cùng quý giá với em. Lần đầu tiên đến Pháp em không thông thạo tiếng Pháp nhiều và có nhiều cái chưa biết. Tuy nhiên, trái với những gì em đã tìm hiểu trước đó, những người đầu tiên em gặp ở Pháp rất thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ một người đến từ nước ngoài như em.

Thời gian ở Pháp, em học về Toán học chứ không phải về sư phạm Toán nhưng việc tiếp cận kiến thức của em không quá khó khăn. Điều lớn nhất em học hỏi được ở các thầy cô của mình đó là khả năng truyền thụ bài giảng, cách tiếp cận với sinh viên với một thái độ rất cởi mở, thẳng thắn và gần gũi. Những trải nghiệm về cuộc sống văn hóa, con người đã làm thay đổi em khá nhiều về mặt kiến thức, ứng xử và học cách thích ứng với môi trường mới.

P.V: Sau khi kết thúc khóa học, em đã về dạy học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và được tuyển dụng chính thức từ tháng 7 năm nay. Cảm giác của em như thế nào khi được quay trở lại ngôi trường mà em đã từng học, gặp lại thầy cô và được đứng trên bục giảng?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Em nghĩ là em đã may mắn bởi từ trước khi đi du học đến khi hoàn thành chương trình em luôn được Ban giám hiệu của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tạo cơ hội cho em được về công tác tại nhà trường. Đối với em, việc trở lại trường cũ vừa có cảm giác háo hức nhưng cũng có những lo lắng, hồi hộp. Bởi lẽ, dù mình khá tự tin về kiến thức nhưng việc đứng trên bục giảng và phía dưới có rất nhiều học sinh đem đến cho em nhiều cảm xúc.

Em cũng nghĩ rằng, khi được về công tác ở một trường như Trường Phan thì ít nhiều ai cũng có những áp lực bởi bề dày thành tích của trường, bởi về đây là phải thực sự cống hiến. Những ngày qua, em cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo cũ, các anh chị đồng nghiệp và điều đó giúp em tự tin hơn.

P.V: Ngành Giáo dục Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo. Là một giáo viên trẻ, em nghĩ lợi thế của mình khi tiếp cận chương trình mới là gì?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì kiến thức là nền tảng cơ bản của các giáo viên và theo em nghĩ là thầy giáo, cô giáo thì việc học chưa bao giờ là đủ và cần phải tiệm cận với thế giới. Cá nhân em, sau gần một học kỳ đứng lớp em nghĩ mình đã hết sức cố gắng, đã truyền đạt được cho các bạn học sinh đầy đủ những nội dung của bài giảng. Thời gian tới, em sẽ phải tiếp tục trang bị cho mình kiến thức để tiệm cận với những lớp chuyên và sẽ cố gắng làm tròn hơn nữa vai trò đứng lớp của mình.

Em nghĩ em còn trẻ, ngoài kiến thức em sẽ đem đến nguồn năng lượng tích cực cho học trò. Hơn nữa, bên cạnh vai trò là một người thầy em sẽ cố gắng gần gũi với học trò, làm bạn với các em và sẵn sàng chia sẻ với các em về những khó khăn, vướng mắc trong học tập và cuộc sống.

P.V: Chỉ một thời gian ngắn nữa, những học trò của em cũng sẽ tốt nghiệp và sẽ đứng trước rất nhiều lựa chọn trong tương lai. Nếu có một học sinh nào lại băn khoăn giữa quyết định cho nghề sư phạm hoặc một ngành nghề khác em sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào?

Thầy giáo Trần Đại Dương: Trước khi các bạn học sinh đưa ra quyết định em sẽ phân tích cho các bạn ấy những cái lợi, cái ưu điểm và cả những khó khăn của các trường. Tuy nhiên, dù chọn ngành nghề gì thì trước tiên phải xuất phát từ niềm yêu thích và đam mê. Khi đã đưa ra quyết định thì mình phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.

Hiện tại, lựa chọn nghề sư phạm đã cho em rất nhiều trải nghiệm bổ ích và việc được trở lại Trường Phan, được đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc. Đến thời điểm này, em rất hài lòng với những thứ mà mình đã trải qua. Em nghĩ rằng mình đã chọn đúng con đường đi của mình.

P.V: Cảm ơn thầy và chúc thầy sẽ gặt hái được nhiều thành công!