Một đời lính – 3 mặt trận – 10 năm nếm mật Vị Xuyên

Người cựu binh ấy từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và đánh trận ác liệt nhất tại cửa ngõ Xuân Lộc. Ông cũng có mặt trong cánh quân đầu tiên ào ạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Khơ me Đỏ giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Tiếp đó, ông lại có tên trong chiến dịch không vận lớn nhất lịch sử từ Campuchia qua Tân Sơn Nhất ra Nội Bài để chi viện cho cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Và tại đây, cùng những người đồng đội, ông có 10 năm chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Ông là Thiếu tá Trần Văn Tùng – nguyên Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 122, Sư đoàn 313, Quân khu 2.

Ngôi nhà của ông Trần Văn Tùng nằm trong con ngõ sâu và hẹp ở khối Quang Trung, phường Vinh Tân, thành phố Vinh. Trước cổng đề số 8, nhưng căn nhà thực sự của gia đình ông lại nằm sâu phía sau dãy nhà trọ, có thể hiểu cho thuê phòng trọ là nguồn thu nhập chính của người cựu binh chiến trường biên giới phía Bắc.

Không có sự vồn vã, ồn ào, ông Trần Văn Tùng đón chúng tôi bằng nụ cười điềm đạm của một người dạn dày khói bụi chiến tranh và vô vàn hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Bằng chất giọng trầm đục hơi pha Bắc, người từng giữ cương vị Trung đoàn phó – Tham mưu trưởng Trung đoàn 122, Sư đoàn 313 thuật lại con đường binh nghiệp của đời mình, trong đó có 10 năm nếm mật nằm gai trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Sinh năm 1954 ngay trên chính mảnh đất Vinh Tân, thành phố Vinh nhưng nguyên quán của ông Trần Văn Tùng mãi tận huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972 thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất cũng là lúc Trần Văn Tùng tròn 18 tuổi. Tháng 5/1972 chàng trai trẻ đăng ký nhập ngũ nhưng bị loại vì không đủ sức khỏe. 5 tháng sau Tùng đăng ký lần hai, lần này vừa đủ tiêu chuẩn. Ngày đầu bước vào đời quân ngũ, Trần Văn Tùng được biên chế vào Đại đội 219 – đơn vị thường trực của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vinh. Đến tháng 10/1973, chàng lính trẻ Trần Văn Tùng được bổ sung vào Sư đoàn 341 thuộc Quân khu 4 chiến đấu tại mặt trận Quảng Bình. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào chặng nước rút, tháng 2/1975 chiến sỹ pháo binh Đại đội 8, Tiển đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 Trần Văn Tùng được lệnh cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khoảnh khắc xe tăng bộ đội Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975.
Khoảnh khắc xe tăng bộ đội Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975.

“Có thể nói lúc bấy giờ, trong những mũi tấn công vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền tại trung tâm Sài Gòn thì mũi tiến công vào Xuân Lộc là cam go, ác liệt nhất. Chính quyền ngụy xác định “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” nên chọn địa bàn này để tử thủ, ngăn đường tiến của quân ta” – ông Trần Văn Tùng cho biết. Chính vì thế cánh quân tiến theo hướng Xuân Lộc trong đó có Sư đoàn 341 (lúc này thuộc Quân đoàn 4) đã phải mất gần nửa tháng, từ 9 – 22/4/1975 mới phá vỡ được “mảnh ghép” cuối cùng này. “Mặc dù vậy đơn vị tôi chỉ vào sau đơn vị cắm cờ trên dinh Độc Lập khoảng 30 phút” – ông Tùng nói.

Sau khi Sài Gòn được giải phóng, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố, thời gian kéo dài trong 2 năm.

Tháng 2/1978, khi vừa kết thúc khóa học quân chính tại Quân đoàn 4, Đại đội phó Đại đội 8 Trần Văn Tùng được lệnh theo đơn vị hành quân đến tỉnh Hà Tiên. Mặt trận Tây Nam nóng lên từng ngày, người Đại đội phó trở lại với súng đạn, bước vào những trận đánh mới. Ông Trần Văn Tùng cho biết, trận đánh đầu tiên ông tham gia trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra vào ngày 8/4/1978 tại Lục Sơn – còn gọi là Núi Đất nhằm đẩy bật quân Khơ me Đỏ trên đất Campuchia. Và không thể nhớ hết những hy sinh, mất mát sau những giao tranh với kẻ thù, nhưng với người lính pháo binh Trần Văn Tùng, may mắn nhất là ông được tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia, tham gia đánh trận cuối cùng thọc sâu vào Phnôm Pênh giải phóng thủ đô nước bạn. Đó là ngày 7/1/1979.

Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, trưa 7/1/1979.
Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, trưa 7/1/1979.

Tháng 2/1979, khi Sư đoàn 341 đang giúp chính quyền cách mạng và nhân dân Campuchia tiễu trừ tàn dư của bè lũ Pol Pot – Ieng Sary trên khu vực biên giới với Thái Lan thì ở trong nước xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động hơn 60 vạn quân cùng xe tăng, đại bác đồng loạt nổ súng xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Cuối tháng 2/1979, Quân đoàn 4 nhận lệnh: Mỗi sư đoàn lựa chọn từ các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn… để hình thành nên một bộ khung trung đoàn mới chi viện cho biên giới phía Bắc. Đó chính là Trung đoàn 266 được thành lập ngày 15/3/1979 sau sự kiện ngày 17/2 gần 1 tháng. Lúc bấy giờ ông Trần Văn Tùng trở trành Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 266, Sư đoàn 313 thuộc Quân khu 2. Sau khi có lệnh di chuyển ra Bắc, ông Tùng lần đầu tiên trong đời được đi máy bay từ Campuchia về Sài Gòn rồi bay ra Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên một chiến dịch không vận thần tốc với quy mô chưa từng có từ Nam ra Bắc, đưa bộ đội chủ lực ra chi viện cho biên giới phía Bắc ngăn chặn quân xâm lược Trung Hoa.

Bộ đội Việt Nam ở Campuchia chờ lên máy bay về nước chi viện cho biên giới phía Bắc.
Bộ đội Việt Nam ở Campuchia chờ lên máy bay về nước chi viện cho biên giới phía Bắc.

Trong dòng hồi tưởng của mình, người lính trận Trần Văn Tùng vẫn không ngừng nguôi ngoai về những địa danh như Khuổi Mạn, Sì-ca-lá hay những cao điểm: 772, 1030, 1054, trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Cũng thật dễ hiểu, 10 năm ròng rã từ 1979 đến 1989 ông có mặt trên vùng chiến địa ác liệt này. Ông Trần Văn Tùng kể trong ngậm ngùi: Địa hình vô cùng hiểm trở, núi cao, đèo sâu, các cao điểm bị địch chiếm giữ, quân ta chủ yếu chốt phía dưới, giao tranh diễn ra hàng ngày, hy sinh mất mát cũng không thể kể xiết.

Nhưng ở mặt trận Vị Xuyên ác liệt nhất không phải xảy ra trong năm 1979 mà là năm 1984. Khi đó, Trung Quốc vẫn giữ khoảng nửa triệu quân nằm dọc theo biên giới Việt – Trung, nhiều khu vực, cao điểm của Việt Nam bị chúng ngang nhiên chiếm giữ. Ngày 7/5/1984, một số đơn vị, trong đó có đơn vị của ông Trần Văn Tùng được lệnh phản công giành lại các cao điểm bị Trung Quốc xâm lược trước đó, như: 1030, 1054, Sì-ca-lá… Lúc này ông Tùng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 266, Sư đoàn 313.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta.
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta.

“Tôi đã tham gia nhiều trận đánh nhưng chưa khi nào thấy sự hy sinh lớn lao và dữ dội đến vậy. Chỉ trong khoảng 5 phút Tiểu đoàn 4 mất 2 cán bộ đại đội. Người Đại đội trưởng tên Huynh vừa hy sinh, tôi quyết định cử Đại đội phó tên Mọi lên thay cũng hy sinh ngay sau đó. Tại cao điểm Sì-ca-lá, quân ta ở dưới đánh lên, địch dùng các loại vũ khí hỏa lực mạnh như pháo, cối từ trên cao dội xuống, chúng còn kích pháo từ sườn cao điểm 1030 sang. Thời gian này, bộ đội đơn vị chúng tôi chủ yếu là những thanh niên 17 – 18 tuổi người Hà Tuyên, Thanh Hóa, một số khác mới tái ngũ. Có những chiến sỹ vừa nhận đơn vị buổi chiều, chưa kịp nhớ mặt, nhớ tên, buổi tối đã hy sinh. Xót lắm” – ông Tùng kể và còn nói rằng, hy sinh, mất mát là vậy nhưng “không một chiến sỹ nào rời vị trí, không một lời than nao núng, trái lại, chúng ta chiến đấu cực kỳ anh dũng và ngoan cường, quân xâm lược càng dã man, ác độc bao nhiêu, chúng càng nung lên trong lòng mình nỗi căm hờn, quyết giữ từng tấc đất của cha ông”.

Sau trận đánh ngày 7/5/1984, một thời gian ngắn đi học, ông Trần Văn Tùng được biên chế vào Trung đoàn 122, Sư đoàn 313 với cương vị Trung đoàn phó – Tham mưu trưởng. Trung đoàn 122 tiếp tục bám trụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên với nhiệm vụ phòng ngự tuyến đầu tại các cao điểm 1509, 772 và khu vực Bốn Hầm. “Trong các địa điểm này, có thể nói cao điểm 772 và “Bốn Hầm” là khốc liệt nhất, “Bốn Hầm” cũng là tên mà bộ đội đã đặt cho vùng thung lũng, hang hố, nằm dưới chân các dãy núi đá vôi cực kỳ hiểm trở” – ông Tùng cho hay.

Những người lính tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Tư liệu
Những người lính tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Tư liệu

Tại Bốn Hầm, các trận đánh không diễn ra ồ ạt như trước đó, nhưng sự hy sinh, mất mát luôn đeo bám, rình rập từng giây, từng phút. “Phía trên thì bọn chúng giữ (Trung Quốc -PV), ta luồn lách phía dưới. Sống chết chỉ như sợi tóc. Có những lúc quân ta và địch chỉ cách nhau vài mét, ai siết cò nhanh hơn người đó thắng. 10 năm tôi có mặt tại Vị Xuyên, nhưng rất ít khi tay rời khỏi súng. Nói điều này để thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Mọi hoạt động tiếp vận đều diễn ra trong đêm tối. Để vận chuyển 1 thanh bê tông dài 1,8m phải cần 4 người. Nhất nhất mọi hoạt động phải diễn ra trong lặng im. Chỉ cần một tiếng ho khẽ, một đốm lửa nhỏ là ngay lập tức đạn pháo của địch từ trên cao phóng tới” – Người cựu binh hồi tưởng. Nhưng bộ đội ta bằng kinh nghiệm, bằng sự quả cảm và lòng yêu nước cũng đã giáng nhiều đòn chí mạng vào dã tâm của kẻ thù. Trong những ngày đó, dù gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng nhiều vành đai công sự, hào chiến đấu, hầm hố được bộ đội ta xây dựng kiên cố ngay trên vùng núi đá.

Đầu năm 1987, sau khi hoàn thành một số công trình quân sự tại các điểm chốt giữ, Trung đoàn 122 bàn giao lại cho Sư đoàn 556 để rút về phía sau. Đến tháng 9/1989 sau khi mặt trận Vị Xuyên cũng như toàn tuyến biên giới bắt đầu bình yên trở lại, vị Trung đoàn phó – Tham mưu trưởng, Thiếu tá Trần Văn Tùng ra quân, trở về thành phố Vinh quê hương. Ông tham gia công tác xã hội ở địa phương, từng là Phó Chủ tịch Hội CCB phường Vinh Tân, đại biểu HĐND phường. Hiện nay ông là Bí thư Chi bộ khối Quang Trung. “Từ năm 1989 đến nay có một số giai đoạn vì cấp trên điều động các vị trí công tác khác, còn lại tôi đều làm Bí thư Chi bộ khối Quang Trung” – ông Tùng cười chia sẻ.

Ông Trần Văn Tùng khi trở về cuộc sống đời thường.
Ông Trần Văn Tùng khi trở về cuộc sống đời thường.