Một ngày ở Khe Nóng

cap k k k k hi những ngôi nhà sàn cũ kỹ ở bản Khe Nóng xã Châu Khê (Con Cuông) và từng quãng suối đã khuất nẻo sau rặng núi phía xa, tôi mới nhận ra rằng cuộc sống nơi đây từ bao nhiêu năm nay như vẫn giậm chân tại chỗ. Thời gian như ngưng trôi ở cái bản nhỏ chỉ có bốn chục nóc nhà này.

Tôi đến bản Khe Nóng lần đầu gần 10 năm trước. Người địa phương quen miệng gọi là bản nhưng thực chất quần cư gồm 40 hộ dân này chỉ là một đội sản xuất của bản Châu Sơn gần trung tâm xã Châu Khê cách đó 20km. Ngày ấy, để vào được quần cư của người Đan Lai này là cả một vấn đề. Tôi phải nhờ một anh chuyên nghề xe ôm ở xã biên giới Châu Khê chở đi mới có thể vượt qua mấy đoạn dốc dài vừa cao vừa quanh co như rắn lượn. Lại còn phải vượt suối trên một chiếc bè nứa, qua các bản Khe Nà, Khe Bu mới đến Khe Nóng. Mấy năm về trước, có con đường tuần tra biên giới bằng bê tông từ bản Khe Nà vào sâu trong vùng lõi rừng Pù Mát. Đã có cầu bắc qua suối và vượt suối bằng bè nứa đã là chuyện của quá khứ rồi.

Chỉ còn một quãng ngắn chừng 3km nối từ con đường tuần tra biên giới và đến bản Khe Nóng thì từ 10 năm nay gần đã không có gì thay đổi. Nó vẫn vậy. Chúng tôi vẫn phải lội qua 6 quãng suối sâu mới nhìn thấy ngôi nhà sàn đầu tiên. Có quãng ngập sâu gần ngang thắt lưng, ngập lút bánh xe và chúng tôi khá vất vả đánh vật với quãng đườc gần nửa giờ đồng hồ. Ai nấy đều vã mồ hôi trán rồi cuối cùng cái chân cũng được nghỉ.

Đã đến giờ dùng bữa trưa. Vậy là chúng tôi mất 2 giờ đồng hồ để đi quãng đường chừng hơn 20km. Những đứa trẻ ngồi trên chiếc cầu thang bằng tre bắc lên nhà sàn tròn mắt nhìn hai đôi giày sũng nước được chúng tôi xách trên tay. Một vài đàn ông ngồi uống nước trong quán tạp hóa duy nhất trong bản ngoác mồm nhìn chúng tôi cười lấy cười để như thể vừa nom thấy hai tên ngốc đang làm một điều gì đó ngược đời lắm.

Té ra ở đây đi giày là một việc làm ngốc nghếch. Người lớn chỉ đi dép rọ vì chỉ cần ra khỏi bản là phải lội qua suối. Trẻ con phần lớn chỉ chạy chân trần. Chúng mặc lại quần áo của anh chị lớn hơn không còn mặc vừa, cứ thế hồn nhiên nhìn ra hai kẻ ngốc chúng tôi đang cầm theo giày ướt. Chúng chạy tán loạn khi nhìn thấy ống kính máy ảnh giơ lên. Một bà cụ bỏ vội những cây nứa lớn khi đang còng lưng hì hụi kéo rồi nép vào hàng rào. Đám phụ nữ từ một ngôi nhà nhìn ra, cũng cười ngặt nghẽo. Dường như chiếc máy ảnh là một thứ khiến họ e ngại.

Lúc này đã trở nên thoải mái hơn, tôi mới có thời gian quan sát lướt qua. Phần lớn dân bản đều ở nhà sàn như người Thái. Đầu bản, là nhà sàn khá lớn của ông La Văn Linh, người uy tín của cộng đồng mới chỉ trên 300 con người này. Ông cụ đã hơn 80 tuổi, già yếu hẳn với với lần tôi có dịp tiếp xúc trước đây. Một số ngôi nhà sàn mới được dựng lên, có phần bề thế hơn đôi chút so với những gì tôi từng nhìn thấy cách đây 10 năm.

Còn lại vẫn những cảnh sống quen thuộc. Dưới gầm nhà sàn, những phụ nữ mải miết bóc măng cho vào nồi luộc, Một số thì dùng dao phanh từng búp măng đã luộc, dần mỏng ra rồi xếp đều lên liếp tre. Sau đó họ sẽ đem hong trên bếp hoặc phơi ngoài nắng cho khô quắt lại mới cất vào bao tải chờ bán cho người thu mua. Hái măng đã là nghề truyền đời của người Đan Lai nơi đây. Đó cũng là công việc giúp họ kiếm thu nhập hiệu quả nhất.

Một phụ nữ khá bạo dạn khi tiếp xúc với chúng tôi xưng tên là La Thị Miền, năm này 42 tuổi. Chị bảo phải chạy đua với thời gian vì sắp hết mùa măng. Về đêm và sáng, trời đã trở lạnh. Phụ nữ trong bản vẫn hối hả với những chuyến lên rừng cuối cùng. Bởi chỉ ít tuần nữa, măng hết. Họ chỉ còn cách luẩn quẩn ở nhà. Những người trẻ hơn thì kiếm cơ hội thu nhập bằng cách đi làm thuê thời vụ, gần thì trong huyện, xa thì tận Quảng Ninh. Phần lớn thanh niên trai tráng trong bản đi làm thuê khai thác keo cho một vài người trồng keo trên đảo ở miền duyên hải phía bắc.

Một thay đổi dễ nhận thấy nhất sau ngần ấy năm ở quần cư Đan Lai này là người ta đó có thể gọi điện thoại. Tôi lấy làm thú vị khi thấy một thanh niên trẻ với mai tóc gọn gàng đang lướt mạng trong căn nhà sập xệ. Anh thanh niên giới thiệu tên là La Văn Cường, sinh năm 1994. Cường cho biết gần đây bản đã có thể lên mạng nhưng với anh thì đó chỉ là việc làm để giết thì giờ. Cường là một trong số không nhiều người học hết lớp 9 ở quần cư Khe Nóng. Phần lớn chỉ xong lớp 5 rồi ở nhà. Con gái 15, 16 tuổi đã kết hôn. Những thanh niên nam muốn tìm đến làm công nhân tại các khu công nghiệp cũng khó vì đại bộ phận chưa tốt nghiệp THCS.

Là người ham thích lao động, lại muốn ở nhà đỡ đần cha mẹ, Cường đã không đi làm ăn xa. Vào mùa hái măng, cậu không có một ngày ngơi nghỉ. Trong một lần vượt suối bị ngã gãy chân, Cường mới buộc phải ở nhà lên mạng cho khuây khỏa. “Có sóng điện thoại mà vẫn nghèo thì cũng không để làm gì?” – Nam thanh niên 23 tuổi nói. Anh bảo sẽ không bao giờ chịu lập gia đình nếu cuộc sống vẫn cứ khó khăn như thế này.

Phải thêm 2 lần lội suối nữa, chúng tôi mới đến được Tổ công tác của Đồn Biên phòng Châu Khê. Tổ có 3 thành viên trong đó sỹ quan trẻ Nguyễn Cảnh Thành đã gắn bó với nơi đây 2 năm trời. Sau bữa trưa, anh trút bầu tâm sự: Đời sống của ngời dân nơi đây khó khăn bộn bề thì là điều không phải bàn cãi nữa. Nhưng sự học nơi đây cũng là một điều đáng nói. Đời sống của giáo viên công tác tại đây cũng gặp vô vàn khó khăn. Chúng tôi sau đó tìm đến điểm trường. Tại đây có 3 cô giáo phụ trách cả bậc học mầm non và tiểu học. Chúng tôi không hỏi được nhiều chuyện vì đang trong giờ lên lớp. Thế nhưng các cô giáo cũng cho hay họ đều là người mới chuyển đến điểm trường. Vì chưa có điện lưới, chiếc tua bin để dùng điện cù đặt dưới suối đã hỏng học, chưa thay thế được khiến các cô phải ăn tối và soạn giáo án trong ánh nến.

Trung tá Trần Văn Nhàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Châu Khê gắn bó trên 20 năm với các địa bàn biên giới ở huyện Con Cuông chia sẻ về cuộc sống của người dân trên địa bàn bản Khe Nóng bằng một giọng điệu trầm buồn với nhiều trăn trở. Ông bảo để tham thay đổi được đời sống kinh tế nơi đây là một việc rất gian nan. Hàng năm, tổ công tác và các chiến sỹ trong đơn vị cũng tổ chức nhiều đợt hoạt động hỗ trợ giúp dân tu sửa đường và phát triển kinh tế nhưng vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Gần đây, một số tổ chức xã hội cũng có liên hệ để giúp đỡ người dân bản Khe Nóng, ông Nhàn liền nghĩ ngay đến những khó khăn mà các giáo viên đang công tác nơi đây gặp phải. “Có lẽ tới đây sẽ có đoàn từ thiện đến giúp các cô xây dựng đường bê tông và mái che trước lớp học. Mong sao sẽ có nhiều hơn sự quan tâm của xã hội đối với bản nghèo nhất huyện này.” – Trung tá Nhàn chia sẻ.

Khe Nóng mới chỉ 40 hộ, chưa thể thành lập bản. Tuy nhiên gần đây chính quyền địa phương cũng đã có nhiều sự đầu tư vào phát triển quần cư xã biên giới này. Gần đây, người dân đã biết làm ruộng nước. Có thể coi đó là thắng lợi bước đầu trong việc đưa Khe Nóng ra khỏi vùng biệt lập. Người dân đã có thể nghĩ về một tương lai khả dĩ hơn cho việc phát triển kinh tế, giúp làng bản vươn lên.

kk k k k kk

Bài: Hồ Phương - Hữu Vy

Thiết kế: Hà Giang

Kỹ thuật: Ngọc Quý