Một ngày ở Phia Khăm

(Baonghean) - Là một trong số ít những bản nghèo khó nhất của xã 135 Bắc Lý (Kỳ Sơn), Phia Khăm 2 lọt thỏm dưới một thung lũng sâu cạnh con suối lớn. Nét hồn nhiên con trẻ có lẽ là gam màu tươi sáng nhất ở bản nghèo xa xôi này. 

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Tôi từng tự hứa với bản thân phải trở lại bản Phia Khăm 2, một cái tên gợi lên sự sung túc và may mắn. Thế nhưng, cuộc sống quần cư người Khơ mú nhỏ nhoi ở đây lại khiến cho người ta thương cảm. Cảm giác này cứ đeo đẳng từ cuối năm ngoái khi tôi tìm vào Phia Khăm 2, nơi vừa có một cô bé gái trốn khỏi sự cưỡng bức lao động ở một bãi vàng và được Công an tỉnh Quảng Nam giúp đỡ đưa về quê. Hẳn rằng chẳng còn nhiều người nhớ đến câu chuyện này, có lẽ bởi những sự vụ như vậy được đăng tải quá nhiều mỗi ngày trên báo chí và mạng xã hội.

Cổng nhà dân ở bản Phia Khăm 2.
Cổng nhà dân ở bản Phia Khăm 2. Ảnh: Hồ Phương

Phia Khăm chưa phải là chốn khó khăn nhất ở xã miền biên viễn Bắc Lý. Sau này, tôi nghe anh cán bộ xã Cụt Văn May bảo vậy. Thế nhưng hành trình vào Phia Khăm của chúng tôi chẳng hề giản đơn.

Là tay điều khiển xe máy đường trường cừ khôi, nhưng phải khó khăn lắm anh bạn phóng viên mới chở tôi vào đến Phia Khăm 2. Con đường dốc kéo dài dăm cây số lại còn lớm chởm đá, men theo bờ vực sâu hàng trăm mét khiến chúng tôi ai nấy đều mướt mồ hôi, dẫu rằng đang trong một đợt gió mùa, khí trời khá lạnh. 

Bản người Khơ mú Phia Khăm 2 có 43 hộ dân, đa số bà con làm nghề rẫy. Bò là vật nuôi phổ thông nhất ở đây. Trâu bò nuôi hầu như chỉ dùng cho 2 việc là cúng tế thần linh, cúng vía và cưới hỏi, ma chay. Dân bản cũng chẳng nghĩ nhiều đến việc nuôi gia súc để phát triển kinh tế; trâu bò, lợn gà hết thảy đều thả rông,

Bản có hơn 200 miệng ăn thì đã có 29 trẻ mầm non, 26 học sinh tiểu học. Lũ trẻ là những người đầu tiên phát hiện có khách lạ vào bản.

Đang giữa trưa nhưng bọn trẻ vẫn mải miết với trò chơi đua xe. Những chiếc xe bằng gỗ đẽo gọt thô mộc gắn trên thanh gỗ nhỏ làm chỗ ngồi. Bánh xe phía trước được cố định bằng chiếc trục linh hoạt có thể giúp ngoặt phải trái để di chuyển trên con dốc quanh co, lởm chởm đá. Đội đua gồm 4, 5 chú bé trạc tuổi 9, 10 tuổi. Chúng vác xe lên đỉnh dốc, ngồi vào rồi thả cho trôi xuống và cười giòn giã. Tiếng xe gỗ lốc cốc, tiếng cười giòn giã của bầy trẻ trong làn bụi đỏ tạo nên một khung cảnh hỗn tạp và kỳ thú.

Trẻ em bản Phia Khăm 2. Ảnh: Hồ Phương
Trẻ em bản Phia Khăm 2. Ảnh: Hồ Phương

Sự xuất hiện cả cánh phóng viên báo chí với chiếc máy ảnh trên tay khiến bọn trẻ có phần e dè. Chúng dừng cuộc chơi, cùng trốn miết vào căn nhà đầu bản. Chúng tôi trấn an lũ trẻ bằng vài câu chào và phải tốn khá nhiều thì giờ, bọn trẻ mới giữ được vẻ tự nhiên nhất trước ống kính máy ảnh.

Một chú choai khoảng 16 tuổi xưng tên Lô Văn Thành, đã nghỉ học khi đang dở lớp 9 cho biết, ở bản chẳng mấy khi có nhà báo ghé thăm. Những vị khách quen thuộc nhất là các anh lính biên phòng. Họ đến vì công việc, rồi đi. Các thầy cô giáo thì ở lâu hơn. Nhanh thì một năm, lâu thì vài ba năm rồi họ cũng chuyển đi. 

Cậu bé Thành có nét mặt thanh tú, mái tóc cắt ngắn, nhuộm đỏ. Kiểu để tóc thường thấy của thanh niên các bản người Khơ mú ngày nay. Tôi chỉ hỏi thêm được vài câu chuyện,  chú bé tỏ ra ngần ngại vì gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Thành lại hì hục gọt đẽo chiếc xe đua bằng gỗ, bên cạnh là cậu em trai hong hóng chờ ông anh lớn hoàn thành đồ chơi cho mình. Lúc này, lũ trẻ bạo dạn hơn, chúng đã chịu đứng tạo dáng trước ống kính máy ảnh.

Ánh mắt rất chăm chú. Ánh mắt đen láy, nhìn đượm buồn của bầy trẻ ở những bản người Khơ mú từ lâu đã là một nỗi ám ảnh với tôi. Ánh nhìn phảng phất chút âu lo, hoang dã và hồn nhiên. Chỉ trong chốc lát chúng đã tỏ ra chán chiếc máy ảnh, lũ trẻ trai lại cầm theo xe gỗ, đội đua nhanh chóng xếp hàng đầu con dốc. Đó là thú chơi vui nhộn nhất của trẻ em bản Phia Khăm 2.  

Bầy trẻ gái thì rủ nhau ra bờ suối trèo hái quả rừng. Buổi trưa là khoảng thời gian vàng bạc của bọn trẻ để thỏa chí vui đùa. 2 giờ chiều, tiếng trống trường sẽ điểm và lũ trẻ lại bắt đầu một buổi học mới. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Lý năm nay bước qua tuổi 40 đã gắn bó với đất Bắc Lý 17 năm nay. “Tôi lên đất Bắc Lý đúng vào năm 2000, trước ngưỡng thiên niên kỷ mới”. Thầy giáo có dáng người thấp đậm quê xứ Đò Lường bắt đầu câu chuyện. Lần đầu tiên thầy giáo Lý vào địa bàn bản Phia Khăm 2 vào năm 2005. Khi ấy bản mới hơn 30 nóc nhà. Ngày ấy, muốn vào Phia Khăm 2 chỉ có cách lội bộ từ trung tâm xã ở bản Hồi Cáng men theo dòng suối Khe Tắn. Mùa mưa nước lớn thì phải đi tắt đường rừng.

Việc dạy học nghe cứ như chuyện hài. Ban đầu thầy trò chẳng hiểu tiếng của nhau. Thầy viết chữ, đọc to rồi gõ bảng, bầy trẻ nhao nhao đọc theo. Thầy lặng lẽ cầm tay mỗi đứa một nắn từng nét viết. Thế rồi chúng cũng đọc cũng viết được nhưng chẳng hiểu nghĩa chữ. Vậy là thầy phải mày mò học tiếng Khơ mú để còn biết đường giải nghĩa cho học trò. Được vài năm, thầy chuyển đi nơi khác cũng ở Bắc Lý này.

Lần thứ hai thầy giáo Lý vào đây là từ đầu năm học mới này, Phia Khăm 2 đã có đường, đi được xe máy tới nơi. Vậy có thể gọi là “cách mạng” rồi. Trường cũng đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Dù vẫn thiếu thốn lắm, nhưng với thầy Lý thì cuộc sống nơi đây đã hoàn toàn khác xưa. Trẻ con từ nhỏ đã đi học mầm non, giao tiếp tiếng phổ thông cũng tàm tạm. 

Phụ nữ bản Phia Khăm 2 xúc cá ở suối. Ảnh: Hồ Phương
Phụ nữ bản Phia Khăm 2 xúc cá ở suối. Ảnh: Hồ Phương

Tiếng trống trường vang lên báo hiệu đã đến giờ lên lớp và thầy giáo Lý dừng câu chuyện. Sân trường đang rộn rã, thoáng chốc đã im lìm. Thầy Lý phụ trách một lớp ghép 4 và 5. Một phòng học có hai chiếc bảng, hai dãy ghế cho học trò ngồi quay lưng vào nhau. Sỹ số ít nên ngành giáo dục vùng cao nhiều khi phải tổ chức những lớp ghép như thế. Một phòng 2 lớp học không còn là hình ảnh lạ ở những địa bàn vùng cao như xã Bắc Lý. 

Chúng tôi lại có thêm một cuộc kiếm tìm mướt mồ hôi nữa mới có được những thông tin căn bản nhất về thôn bản. Có một điều lạ là khi hỏi thăm trưởng bản, mỗi người lại nói ra một cái tên khác nhau. Hóa ra theo tục lệ nơi đây, một người đàn ông ngày nhỏ có một tên gọi “cúng cơm”, lớn lên, lập gia đình được đặt một tên gọi khác.

Khi tìm ra nhà thì lại hay tin trưởng bản bận đi ăn mừng vì trong xã có bản vừa đạt chuẩn Nông thôn mới. Nơi đây sóng điện thoại cũng chẳng có nên việc liên lạc cực kỳ gian nan. Cuối cùng chúng tôi tìm được anh Hùng Văn Khánh, là trưởng Ban Công tác Mặt trận của bản.

Qua vài câu chuyện thăm hỏi nhau, anh cán bộ bản 30 tuổi thổ lộ: “Bây giờ bản vắng lắm, các anh ạ. Ra Tết là thanh niên đi làm ăn xa, người lớn lên rừng hết. Bản chỉ còn trẻ con và người già thôi. Chẳng mấy ai thạo tiếng phổ thông. Ra Tết năm nay trâu, bò, lợn, gà chết nhiều nên bản càng thêm khó khăn.”

Tôi hỏi thăm về cô bé Cụt Thị Xí, người vừa trốn khỏi bãi vàng hồi cuối năm ngoái. Anh Khánh cho hay, chỉ một thời gian ngắn sau đó cô bé lại cùng chúng bạn trở lại Quảng Nam tìm đến một bãi vàng khác. Ở nhà không có việc làm, trở lại bãi vàng dường như là con đường khả dĩ nhất của nhiều thanh niên trẻ ở Phia Khăm 2. 

Chiều đã đổ trên bản nhỏ. Trong ánh nắng nhạt nhòa. Sắc đỏ như thêm thắm đượm những hàng rào hoa trạng nguyên. Vừa lúc tan trường, lũ trẻ trở lại với những trò vui bất tuyệt. Nét hồn nhiên con trẻ có lẽ là gam màu tươi sáng, nốt nhạc vui nhất ở bản nghèo xa xôi này./.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới