Một nửa lương tâm

Thú thật với bạn đọc, trong “tổ hợp năng khiếu” của tác giả bài viết này thì mảng văn nghệ là tệ hại hơn cả, trong mảng văn nghệ thì phần âm nhạc là đại diện tiêu biểu của thảm họa. Mỗi lúc tôi cất tiếng hát cũng là mỗi lúc không nhìn thấy ai  xung quanh. Khi cao hứng nghêu ngao vài câu thì hình như cũng chỉ duy nhất “Ca dao em và tôi” là thuộc đôi chút lời. Sáng nay cuối tuần, nhân lúc vắng “thính giả”, như bao bận khác tôi lại mạnh dạn sử dụng “chất giọng trời cho” của mình để thổn thức ngân lên những câu: “Cắt nửa vầng trăng. Cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng. Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu…”. Đang sung sướng với phần âm nhạc tự trồng thì giọng Hùng hét giật bắn người: “Thôi, đừng cắt nửa vầng trăng nữa, người ta đang cắt nửa que thử xét nghiệm kia kìa”. Tôi quay lại, Hùng đưa cho tờ báo có bài “Cắt đôi que thử xét nghiệm để trục lợi”. Một vụ việc tày trời!

Đúng là dư luận đang sôi đò, nóng nước sau khi đài truyền hình chiếu phóng sự điều tra phản ánh tình trạng gian lận kết quả, bớt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn. Với hình ảnh sắc nét, góc quay camera chuẩn chả kém phim trường, tường tận mọi hành vi táng tận nhất của những người nhân danh thầy thuốc cứ mồn một bày ra trước nhãn cầu khán giả. Mắt chữ “A” mồm chữ “O”, hàng triệu người xem trên mọi miền từ ngỡ ngàng đến bàng hoàng và sợ hãi những gì diễn ra trên màn ảnh. Thao tác nhanh gọn, thành thạo như đã trở thành kỹ năng, kỹ xảo của người thực thi nhiệm vụ. Từ cái ngón tay kẹp que chuyên nghiệp thoăn thoắt đến cái động tác đưa kéo vào ngọt xớt, chuẩn đến từng phần trăm mi-li-mét. Quan sát kỹ chả khác gì các chị nghệ nhân bên mây, tre đan trổ tài thi tay nghề. Xin lỗi các chị nghệ nhân mây, tre đan! họ không đủ tư cách để so sánh với các chị ít nhất cũng về mặt nhân phẩm! Đúng rồi, họ giống với hình ảnh “nghệ nhân” bơm tạp chất vào tôm hơn. Giống cả ngoại hình đến nội tâm dã man! Có lẽ “quá nhanh và quá nguy hiểm” là câu nói sinh ra để dùng cho trường hợp này. Thật! Một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu… cứ thế và cứ thế, mỗi ngày như mọi ngày. Hành trình bát quái mà những que thử dôi dư sẽ đi đến “an nghỉ” tận đâu thì chưa rõ địa chỉ, nhưng sự trở về của những đồng tiền từ sự táng tận ấy đã quá tỏ tường rồi. Cô kỹ thuật viên của khoa “thật thà dũng cảm” thừa nhận, việc cắt mẫu vẫn làm hàng ngày, các mẫu thừa do kỹ thuật viên trưởng quản lý nên không biết đi đâu, về đâu. Ngoài việc “phẫu thuật que thử” ra, tại cái bệnh viện danh tiếng ngút trời này còn “kiêm nhiệm” tình trạng trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân (thường là 4 bệnh nhân) vào một ống nghiệm rồi mới tiến hành xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA). Sau khi xét nghiệm bằng hình thức chung chạ này, nếu kết quả xét nghiệm máu âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân xét nghiệm lại để “bắt đúng người, đúng tội”. Thậm chí có ý kiến cho rằng việc trộn mẫu là rất bình thường trong xét nghiệm. Ồ phần tự động chơi bài “hợp tác xã” mẫu máu thì phần “thủ công” có thế không nhỉ? Giả sử một nửa que thử lại dùng cho 4 người, thành ra “sản lượng” một que những 8 người à? Một thành tám, tám thành sáu mươi tư, sáu mươi tư thành một trăm hai tám… Khủng khiếp chưa? Không rùng mình mới lạ! Theo nhận định của những người am hiểu và có lương tri thì đây là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Một số nhà khoa học đã lên tiếng rằng, tất cả kết quả xét nghiệm bằng cách thức kỳ dị trên đều không thể chính xác! Trời ơi, thế là nó sai, thế là người nhiễm HIV vẫn có thể mang kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Xanh-Pôn ung dung đi hiến máu. Ai dám khẳng định trong tương lai sẽ không xảy ra một thảm họa y tế từ vụ việc mất nhân tính này?

Y là một nghề cao quý, nghề gắn với lời thề Hippocrates. Đó là lời thề của một vị bác sỹ sinh ra trên đảo Aegean (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, ông tổ của nền y học hiện đại. Ngày nay, hàng ngàn sinh viên y khoa trên thế giới vẫn đặt tay lên trái tim đọc thời thề thiêng liêng ấy trước khi ra trường. Hãy dừng lại một phút để đọc lại vài điều trong lời thề: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công; Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại”.

Sự việc ở Bệnh viện Xanh-Pôn gợi nhớ về một vụ bê bối khác của bệnh viện cách đây 5 năm, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm. Theo người tố cáo thì sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Người ta chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả trả cho nhiều người khác. Công an Hà Nội đã vào cuộc, điều tra sơ bộ xác định trong thời gian này Khoa Xét nghiệm đã cấp phát 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau (2, 3 hoặc 4 người giống nhau). Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được bảo hiểm thanh toán cho số phiếu xét nghiệm trên, tổng cộng trên 60 triệu đồng. Sau đó thì lời thề Hippocrates đã linh ứng, hàng loạt bị cáo đã phải ra trước vành móng ngựa để chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, điều làm người ta “khó nghĩ” nhất là sau đó đại diện Sở Y tế Hà Nội đã trao Giấy khen cho 3 nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vì hành động dũng cảm tố cáo sai phạm. Mỗi cá nhân nhận được tiền thưởng là 320.000 đồng! Thế mới biết cái giá của hành động tố cáo tiêu cực là… vô giá!

Trở lại với vụ việc cắt đôi que thử. Rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật một cách trắng trợn, gây nguy hiểm cho nhiều người và hình như là có tổ chức. Họ quá coi thường mạng sống đồng loại. Sự ham hố đồng tiền đã làm thui chột nhân cách. Nơi an toàn nhất lại trở thành nơi nguy hiểm nhất. Rồi họ sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Ai đó từng nói, nửa cái bành mỳ là nửa cái bánh mỳ, còn nửa sự thật lại là một sự dối trá. Họ cắt nửa cái que thử là họ đang cắt ngang lương tâm của chính mình thành nửa người, nửa quỷ! Họ nợ tạo hóa một lời xin lỗi! Cuối cùng xin được mượn bài thơ “Một nửa” của tác giả Nguyễn Hoàng Sơn để kết cho bài viết này.

“Nửa cốc nước đủ làm vơi cơn khát,
Nửa vầng trăng đủ cho kẻ mộng mơ,
Nửa sự thật không còn là sự thật,
Tình yêu không một nửa bao giờ!

*
Tôi tự hỏi phải chăng mình khe khắt?
Thế giới này vạn vật chia hai.
Nhưng tôi biết điều này là sự thật:
Trong cuộc đời không ai chết thay ai!”.

Kỹ thuật: Chôm Chôm