Một phía tuyến đầu phòng, chống Covid-19

Sáng sớm, sương mù chưa tan hết trên những đỉnh núi, vượt qua con dốc cao, khúc khuỷu và gồ ghề, chúng tôi đến chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của Đồn Biên phòng Thông Thụ đóng tại điểm Huồi Kho, có nhiệm vụ kiểm soát dọc tuyến sông Chu từ cột mốc 361 đến đập phụ Đồng Văn, Thủy điện Hủa Na. Chốt được lập từ tháng 3/2020, luân phiên có 5 người bám trực 24/24h, có người đã bám trụ ở chốt từ ngày đầu mới là lán dựng tạm; nay thì đã có điện năng lượng mặt trời và nhà cố định bằng tôn kiên cố. Thời gian qua, tổ chốt số 2 đã bắt 5 vụ, 9 đối tượng nhập cảnh trái phép qua biên giới bằng đường sông.

Thượng tá Hoàng Văn Huy – Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: Chốt số 2 vẫn chưa phải là địa bàn khó khăn, vất vả nhất, mà là chốt số 3, số 4, muốn lên các chốt ấy có khi phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Công tác phòng, chống dịch thời điểm này đỡ căng thẳng hơn nhưng không thể chủ quan do một bộ phận công dân Việt Nam đang làm công nhân tại một công trường xây dựng đập thủy điện ở bản Xốp Pén thuộc cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, không có việc làm đã tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam…

Tổ chốt số 2 Đồn Biên phòng Thông Thụ canh gác phòng, chống người xuất nhập cảnh trái phép.
Tổ chốt số 2 Đồn Biên phòng Thông Thụ canh gác phòng, chống người xuất nhập cảnh trái phép.

Thiếu tá Hoàng Tân Phương làm nhiệm vụ tại chốt số 1 thì cho hay: Các đối tượng thường lợi dụng buổi đêm hoặc thời điểm vắng người, đi vòng qua các chốt để xuất, nhập cảnh trái phép. Bởi vậy, ngoài trực chốt, anh em phải đi tuần tra cả đêm lẫn ngày từ cột mốc 363-365. Như trường hợp Lô Văn Thái, 30 tuổi, trú xã Thông Thụ nhận 5 triệu đồng tiền công chở 3 người luồn rừng theo đường tiểu ngạch sang Lào, cán bộ, chiến sỹ phải mật phục lúc 2-3 giờ sáng mới bắt được.

Các chốt phòng, chống dịch Covid-19 hầu hết đều đóng ở những khu vực rừng núi khắc nghiệt: Mùa Hè nắng như đổ lửa, mùa Đông rét tê người nhưng những người lính quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Thông Thụ vẫn vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Họ tự tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống với khu vực chăn nuôi, khu vực trồng rau mùa nào thức nấy, xanh mướt mắt.

Tổ chốt số 1 Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra phòng, chống người xuất nhập cảnh trái phép.
Tổ chốt số 1 Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra phòng, chống người xuất nhập cảnh trái phép.

Ngày cũng như đêm trên những cung đường lặng lẽ, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau tuần tra trên các đường mòn, lối mở không để người dân vượt qua chốt mà không được kiểm soát, khai báo y tế. Công tác quản lý, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu Thông Thụ cũng được thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho nhân dân hai biên giới qua lại, thăm thân, trao đổi hàng hóa.

Quản lý bảo vệ 29,5 km đường biên giới quốc gia với 9 cột mốc và 1 cửa khẩu thông thương với huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào, Đồn Biên phòng Thông Thụ luôn xác định phải phối hợp tốt với cấp ủy chính quyền và dựa vào “tai mắt” của dân. Thời gian qua, Đồn đã phối hợp tốt với các lực lượng công an, dân quân, tổ tự quản đường biên, cột mốc của xã Thông Thụ, Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào tổ chức hàng chục cuộc tuần tra khép kín biên giới, tuần tra song phương, tuần tra phát quang đường biên cột mốc, tuần tra kiểm soát trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, vành đai biên giới, tuần tra bảo vệ rừng, khu vực giáp ranh…

Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ trao đổi với người dân về tình hình phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh tư liệu
Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ trao đổi với người dân về tình hình phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh tư liệu

“Địa bàn rộng, nhiều đường mòn lối mở, trong khi lực lượng còn mỏng, nếu không dựa vào “tai mắt” của dân thì khó hoàn thành nhiệm vụ”, Đại úy Cao Anh Tuấn – Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thông Thụ nói khi dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh Quang Văn Sinh ở bản Mường Phú – người có mối quan hệ mật thiết và cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho lực lượng Biên phòng trong việc phát hiện, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Anh Sinh cho hay: “Giúp bộ đội chống dịch, bảo vệ biên giới cũng là bảo vệ sự bình yên của bản làng nên không chỉ tôi mà bà con dân bản đều có ý thức cảnh giác, người nào ở bản làm ăn xa về hoặc người lạ đến, hay khi làm nương rẫy phát hiện điều gì bất thường bà con đều báo cho bộ đội biết…”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra trên sông, ngăn người dân xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19.; Người vượt biên trái phép bị tổ chốt thuộc Đồn biên phòng Thông Thụ phát hiện, đưa đi cách ly khi đang tìm cách vượt biên trái phép; Chốt bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid 19 số 1 thuộc Đồn Biên phòng Thông Thụ. Ảnh T.C - Anh Bách - L.T
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra trên sông, ngăn người dân xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19.; Người vượt biên trái phép bị tổ chốt thuộc Đồn biên phòng Thông Thụ phát hiện, đưa đi cách ly khi đang tìm cách vượt biên trái phép; Chốt bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid 19 số 1 thuộc Đồn Biên phòng Thông Thụ. Ảnh T.C - Anh Bách - L.T

Là Thôn đội trưởng nên anh Quang Văn Sinh thường xuyên lên các chốt để hỗ trợ Bộ đội Biên phòng, Tết năm vừa rồi anh cũng trực chốt cùng những người lính quân hàm xanh. Chỉ cho chúng tôi dãy cọ uốn lượn với những tán lá xòe rộng, xanh mướt tạo nên khung cảnh đẹp như tranh phía trước ngôi nhà sàn cổ của gia đình, anh Sinh nói: “Nhiều người hỏi mua lá cọ nhưng tôi bảo để dành cho bộ đội trên chốt lợp chống nóng, nhà tôn mùa này nóng lắm…”.

Ở Thông Thụ, không chỉ nam giới mà cả phụ nữ cùng tham gia công tác bảo vệ biên cương, điển hình như Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới bản Mường Piệt được thành lập cách đây gần 3 năm với sự tham gia của hơn 40 hội viên. Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; phòng chống tệ nạn ma túy và nạn mua bán phụ nữ, trẻ em, thành viên trong câu lạc bộ còn tích cực tham gia tuần tra biên giới định kỳ và đột xuất với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ… Sự đồng hành của người dân chính là động lực giúp những lính biên phòng trở thành “lá chắn thép” vững vàng trong phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống tội phạm nơi tuyến đầu.

Biên giới mùa này thật đẹp! Chia tay những người lính quân hàm xanh ở các chốt phòng, chống dịch Covid-19, tạm biệt những cung đường quanh co với nhiều loài hoa khoe sắc, trên đường trở về xuôi, cô bạn đồng nghiệp chợt ngân nga “nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa… Sắc hoa yêu thương trong lòng người lính trẻ…”.

Vườn rau tăng gia của tổ chốt Covid số 2, nơi đây có  hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt tại chốt.
Vườn rau tăng gia của tổ chốt Covid số 2, nơi đây có hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt tại chốt.