Một số điểm mới về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (sau đây gọi là Quy định số 80), thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017. Quy định có một số điểm mới cụ thể như sau:

1. Quy định số 80 gồm 6 chương, 34 điều, ít hơn 02 chương, nhiều hơn 06 điều so với Quy định số 105 (gồm 08 chương, 28 điều). Trong đó các điều từ điều 1 đến điều 3 bổ sung về phạm vi, đối tượng, mục đích, yêu cầu và nguyên tắc trong phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử.

2. Nội dung quản lý cán bộ

Bổ sung thêm việc bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định, phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức cán bộ; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

3. Trách nhiệm quản lý và quyết định đối với cán bộ

Xác định rõ trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề hệ trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (trước đây theo Quy định số 105 không xác định rõ trách nhiệm quản lý của Ban Chấp hành Trung ương).

Quy định 80 của Bộ Chính trị nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Quy định 80 của Bộ Chính trị nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

4. Ban Bí thư uỷ quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.Bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý theo quy định (trước đây theo Quy định số 105 nội dung này thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư).

5. Trách nhiệm của tỉnh ủy, thành ủy

Bổ sung nội dung về thẩm quyền quyết định điều chỉnh cơ cấu cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ ngoài cơ cấu cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ được xác định theo quy định của Bộ Chính trị.

6. Trách nhiệm của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy

- Bổ sung các nội dung công tác cán bộ đối với đồng chí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trước đây theo Quy định số 105 thẩm quyền xem xét giới thiệu ứng cử chức danh Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Trung ương).

- Quyết định phê duyệt quy hoạch chức danh ủy viên ủy ban kiểm tra và các chức danh khác thuộc thẩm quyền quản lý của ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ theo quy định.

- Khi cần thiết giao quyền bí thư, giao phụ trách đảng bộ trực thuộc.

7. Về trách nhiệm của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương

- Nêu rõ hơn thẩm quyền của Ban Thường vụ đảng uỷ các quân khu, Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp, trao đổi ý kiến với ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ đối với nhân sự: Chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng, chính uỷ, phó chính uỷ bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương trao đổi ý kiến về nhân sự giám đốc, phó giám đốc công an tỉnh, thành phố.

8. Về công tác phê duyệt quy hoạch cán bộ

Trước đây quy định Bộ Chính trị phải phê duyệt các chức danh quy hoạch diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Còn Quy định số 80 đã bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, đó là ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết).

9. Về bổ nhiệm cán bộ

- Khi bổ nhiệm cán bộ sẽ xem xét thêm tiêu chí là uy tín của cán bộ. Do đó, nếu như cán bộ không có uy tín hoặc chưa đủ uy tín thì sẽ không được bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, Quy định số 80 bổ sung thêm nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ là cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật sẽ không được bổ nhiệm.

- Về điều kiện bổ nhiệm cán bộ đã được bổ sung thêm quy định về việc cán bộ phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm.

Bên cạnh đó, Quy định số 80 thay đổi điều kiện về bổ nhiệm cán bộ đối với trường hợp kỷ luật như sau:

Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật):

-12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách.

- 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo.

- 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Thời gian không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn đã được quy định cụ thể hơn so với quy định trước đây.

10. Về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

- Bổ sung, làm rõ quy trình đối với nhân sự nơi khác tại bước 2: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp người được giới thiệu có số phiếu đạt tỉ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem xét, quyết định); lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị và hồ sơ nhân sự theo quy định.

- Về kết quả lấy phiếu quy định rõ hơn về cách tính tỷ lệ số phiếu: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. (trước đây ghi là trên tổng số người được triệu tập có mặt dự hội nghị nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau).

Đối với nhân sự tại chỗ (trong quy trình 05 bước), trong đó nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn ở các hội nghị: Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức danh; người nào đạt số phiếu đồng ý cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo. Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo (trước đây theo Quy định số 105 trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo).

11. Về thành phần hồ sơ nhân sự

Không xác định thời gian hiệu lực đối với kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự (trước đây quy định Kết luận tiêu chuẩn chính trị có giá trị trong 6 tháng).

12. Về biệt phái cán bộ

Tại Điều 29 Quy định số 80 đã có những thay đổi như sau: Chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý là đối tượng sẽ được điều động, biệt phái cán bộ (Trước đây Quy định số 105 xác định đối tượng là cán bộ được điều động, biệt phái do yêu cầu công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền).

13. Về phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (Điều 15)

- Trước đây Quy định số 105 bố trí trong phụ lục.

- Có một số điểm mới như sau: Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp đã thôi giữ chức vụ hoặc được điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến về những vấn đề sau:

+ Tham gia ứng cử thành viên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (trước đây theo Quy định số 105 chỉ bao gồm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký và tương đương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội); làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài (nội dung này Quy định số 105 trước đây không có); làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

+ Đi nước ngoài (Trước đây theo Quy định số 105 chỉ xin ý kiến khi đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước).

Ngoài ra còn một số điểm mới về bố cục, cách trình bày, câu từ tuy nhiên không làm thay đổi nội dung so với Quy định số 105.

Tin mới