Một số trao đổi xung quanh Đồ án điều chỉnh quy hoạch Thành phố Vinh

(Baonghean) - Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đã 3 lần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (vào các năm 1994, 2000, 2009) và do các Kiến trúc sư trong tỉnh lập quy hoạch. Với kỳ vọng có một đồ án quy hoạch phát triển đô thị hiện đại mang tầm quốc tế, lần điều chỉnh quy hoạch này UBND Tỉnh giao cho nhà tư vấn Nhật bản-Nhà thầu tư vấn Nikken Sekkei thực hiện. Xung quanh đồ án điều chỉnh lần này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến trao đổi của KTS Lương Bá Quảng - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Nghệ

Quá trình làm việc, Viện Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng Nghệ An được chọn làm nhà thầu phụ cùng hỗ trợ Nikken nghiên cứu lập đồ án. Qua hai lần hội thảo, báo cáo, Hội Kiến trúc sư Nghệ An với tư cách là nhà chuyên môn đầu đàn của tỉnh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã có những ý kiến lưu  ý nhà tư vấn cần có những những phân tích sâu sắc hơn có khoa học hơn về một số nội dung trong đồ án. Và thực tế, nhà thầu tư vấn Nikken đã mang đến một cách làm việc khoa học từ việc thực hiện tiến độ thời gian, điều tra số liệu đầy đủ, cố gắng nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng miền; mang đến chúng ta một phương pháp tiếp cận quy hoạch, một tư duy phát triển đô thị hiện đại và Nikken đã tiếp thu, thừa kế các đồ án quy hoạch Thành phố Vinh mà Chính phủ đã phê duyệt, đặc biệt là đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thành phố Vinh đến năm 2025 phê duyệt năm 2009.

Khu chung cư cao tầng Nguyễn Sỹ Sách (TP.Vinh). Ảnh: H.V
Khu chung cư cao tầng Nguyễn Sỹ Sách (TP.Vinh). Ảnh: H.V
Trong quá trình thực hiện, Hội Kiến trúc sư Nghệ An thấy rằng, để lập một quy hoạch xây dựng, công tác tính toán quy mô đô thị là hết sức quan trọng bởi vì trên cơ sở quy mô được xác lập mới có được các giải pháp về tổ chức không gian, cấu trúc đô thị, kế hoạch phân kỳ đầu tư… Tính toán đúng mới có giải pháp đúng, việc thực hiện quy hoạch khả thi. Tính toán về quy mô đô thị bao gồm tính chất, chức năng đô thị; quy mô dân số đất đai, tốc độ tăng trưởng… Các tính toán đều dựa trên những dự báo phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đến nay, công tác quy hoạch vẫn tính toán theo phương pháp cũ, mỗi đồ án làm mỗi khác, chưa khoa học, chưa có tầm nhìn đầy đủ, hơn nữa số liệu thống kê còn thiếu cơ sở khoa học, vì vậy nhiều đồ án quy hoạch giảm tính khả thi, phải điều chỉnh nhiều lần.
Lần này nhà thầu tư vấn Nikken là một nhà tư vấn tầm cỡ quốc tế, các chuyên gia dưới góc nhìn của một xã hội phát triển, văn minh, hiện đại sẽ có phương pháp tính toán dự báo rất khoa học, nhằm hiện thực hơn đồ án quy hoạch và giúp các kiến trúc sư quy hoạch trong tỉnh một bài học, một trải nghiệm bổ ích. Tuy nhiên trong báo cáo của Nikken không cho thấy điều đó. Chắc chắn việc này Nikken cùng nhà thầu phụ và các nhà chuyên môn cần thảo luận thêm để đồ án có những khác biệt trong phương pháp nghiên cứu đảm bảo đồ án có chất lượng hơn.
Về tổ chức không gian đô thị, các chuyên gia dưới góc độ tư duy hiện đại cần phải chỉ ra những khác biệt giữa đô thị ở các xã hội phát triển và chưa phát triển; Những cấu trúc nào sẽ là cấu trúc mang tính động lực phát triển đô thị; những cấu trúc khác biệt mang tính đặc trưng vùng, miền..; những so sánh cấu trúc các đô thị Nhật, đô thị khác tương đồng để đề ra những giải pháp cho đô thị Vinh. Những vấn đề đó, trong báo cáo của Nikken cũng như trong hồ sơ quy hoạch của Nikken chưa đề cập cụ thể.
Chẳng hạn: Dưới kinh nghiệm của Nhật Bản thì trục Vinh - Cửa lò có đúng đắn không? Có là động lực phát triển thành phố không? Hệ thống cây xanh rất ít ở nội thành Vinh về lầu dài sẽ có hệ lụy gì? Giao thông nội đô trong thực tiễn phát triển đô thị hiện đại thì mục tiêu nào là quan trọng: đường rộng, mật độ cao hay đa dạng phương tiện? Tàu điện ngầm khi nào thì cần phải có; liệu Thành phố Vinh trong tương lai phương tiện giao thông công cộng có là chủ đạo không ?.... Về cấu trúc đô thị: Liệu xu hướng đang thịnh hành là đô thị ven đường ở Việt Nam nói chung và ở Vinh nói riêng theo kinh nghiệm các đô thị Nhật Bản thì xu hướng này còn tồn tại nữa không và tồn tại bao lâu nữa?
Có rất nhiều vấn đề để tham gia góp ý cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch Vinh, tuy nhiên, trong bài này chỉ nêu ra một số vấn đề với tính chất phản biện cho đồ án. 
Trong cơ cấu quy hoạch, Nikken thừa kế quy hoạch trước đây, vẫn bố trí một thành phố đại học trên Đại lộ Vinh - Cửa lò nhưng lùi về phía Đông và nhập làm một với Cửa Lò. Đây là một ý hay với mục tiêu phát triển Cửa Lò tạo nên sự sầm uất cả 4 mùa cho thành phố du lịch. Ngoài ra, khoảng giữa Đại lộ Vinh - Cửa Lò tạo một khoảng không gian trống giữa 2 đô thị tạo điều kiện thông thoáng cho đô thị. Tuy nhiên, Nikken đã tính đến sức hấp dẫn của Đại lộ Vinh - Cửa Lò và xu hướng đô thị ven đường tại Việt Nam hay chưa? Liệu khi làm xong Đại lộ Vinh - Cửa Lò hai bên đường có quản lý được hay không, liệu hôm nay có nhà đầu tư nào muốn đầu tư xây dựng trường đại học ở Cửa Lò sau dự án không mấy thành công của Đại học Vạn Xuân?
Khu vực tập trung các dịch vụ công cộng tại phố Quang Trung và Thành cổ là một lựa chọn rất đúng, tuy nhiên khu vực này vốn đã là trung tâm của đô thị Vinh từ trước vào thời điểm Vinh có quy mô 2 vạn người cho đến nay chúng ta đã thấy được những khó khăn không thể giải quyết. Có nhất thiết phải chọn khu vực này không khi mà việc di dời dân cư trong thành cổ đã hơn 20 năm không thực hiện được, khi giải tỏa những căn nhà hết niên hạn tại khu Quang Trung để xây khu đô thị mới đã nhiều năm rồi vẫn chưa xong? Ngoài ra, hạ tầng tại khu vực này liệu có mang tải được các hoạt động nhộn nhịp của một khu vực tập trung cao các dịch vụ công cộng hàng đầu của đô thị? Ách tắc giao thông và ngập nước đã là vấn nạn thường xuyên của khu vực này, việc đầu tư cải tạo hạ tầng sẽ cực kỳ khó khăn và hết sức tốn kém. 
Chúng ta học được rất nhiều trong cách làm việc, trong cách thể hiện từ báo cáo cho đến thể hiện hồ sơ của các nhà chuyên môn đến từ Nhật. Tuy nhiên, phải thấy rằng các nhà tư vấn Nikken Sekkei chưa có đủ thời gian thâm nhập Việt Nam đặc biệt là Nghệ An. Hơn nữa đội ngũ cộng sự tại chỗ không có (nhà thầu phụ hiện nay không được cùng tham gia nghiên cứu, chỉ hợp tác thụ động), kiến thức về Việt Nam học chưa phải là đã đầy đủ, vì vậy thiếu sót là tất yếu.
Từ góc độ nhà chuyên môn, chúng tôi muốn nêu một số ý kiến vừa có tính phản biện vừa có mục đích nêu vấn đề để cùng tranh luận. Hy vọng rằng qua trao đổi cả 2 bên sẽ có được những bài học bổ ích.
Lương Bá Quảng

Tin mới