Một thời học viện và karaoke của tôi...

(Baonghean.vn) - Định không viết, nhưng nghĩ mình đã từng là người trong cuộc, từng được đi học ở học viện, nếu mình biết mà không nói, cứ thấy có lỗi...

>>>Nhớ về người anh, người bạn, người em...

Bởi khi trong vụ hỏa hoạn có 13 người thiệt mạng, mất đến 12 người đang theo học chương trình cao cấp lý luận ở học viện, trên mạng xã hội có người nói họ do đi hát mà chết, lại có người nói họ hát trong giờ hành chính, có người còn nói họ là cán bộ nguồn mà như thế như thế...

Cơ sở Karaoke không thực hiện tốt phòng chống cháy nổ
Cơ sở Karaoke không thực hiện tốt phòng chống cháy nổ, để xảy ra vụ đại thảm họa ngày 1/11/2016.

À, có thể họ cũng có cái lý của họ chứ nhỉ, vì họ tiếp cận sự thật ở góc nhìn khác, thậm chí không chỉ thiếu hẳn rất nhiều thông tin, mà còn thiếu cả thiện chí. Vậy thì, tại sao tôi từng học ở học viện lại không viết ra một cái gì đó nhỉ. Nghĩ thế, tôi viết lan man mấy dòng rời rạc, dù biết khó có thể tránh được khiếm khuyết, nhưng chỉ muốn cung cấp thêm một cái nhìn trong cuộc.

Tôi viết những dòng này khi tôi đã hoàn thành một khóa học ở học viện chính trị đã hơn 2 năm. Hơn 2 năm nhưng ký ức tươi đẹp vẫn còn nguyên vẹn.

Thật lòng mà nói, cho tới thời điểm trước khi được nhập học, bản thân tôi từng không đánh giá cao về khóa học này. Điều này có nhiều lý do, mà phần nhiều là do nhận thức chủ quan, vừa do “a dua” theo cách nghĩ của một số người, như: Thực tiễn còn chẳng ăn ai, lý luận cao xa liệu có giúp ích gì; Đi học lớp cao cấp chính trị, toàn người có phụ cấp chức vụ, có vị trí, trong số đó chắc là nhiều “con ông cháu cha”, họ có tiền, tiêu tiền như nước, học để lên quan, mình kinh tế eo hẹp, chẳng có “ô dù” gì, “mơ hão làm gì cho hao mỡ”;... Nói chung là rất nhiều lý do, và cũng phải nói rằng có cả cái tính ương bướng bất cần khi người ta trẻ (dù rằng cái này đến giờ chưa chắc đã hết, vì tôi vẫn còn rất trẻ, tôi thề)...

Tuy nhiên, khi tôi nhập học, thì tôi biết mình đã từng nghĩ cạn.

Ngày 3/9/2013, tôi được nhập học tập trung ở học viện. Ngay từ cảm giác đầu tiên khi họp đoàn học viên cùng tỉnh đi học, tôi đã mừng thầm bởi nhiều người mình quen biết cũng cùng đi học khóa này. Tôi như có phần được động viên, kiểu: lo gì, ít ra cũng có người như mình.

Vào học viện, tôi được ở chung phòng với một bạn quê ở Quảng Ninh, một bạn quê ở Yên Bái.

Anh bạn quê ở Quảng Ninh vừa là công chức đi học, vừa tham gia điều hành một công ty kinh doanh bên ngoài. Anh ít nói, ít la cà, sinh hoạt cực kỳ điều độ. Hễ rảnh là đọc báo, đọc tin cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, chiều nào cũng giành thời gian chơi cầu lông. Anh đánh cầu lông đạt giải 3 đôi nam nhân kỷ niệm 60 thành lập học viện, và anh có thể đọc tin trực tiếp từ báo CNN, BBC. Vậy mà trước khi đi học, có lúc tôi đã nghĩ, trường cán bộ thì chỉ tập trung học viên là người mẹo mực, bê tha. Với người bạn này, chắc chắn là ý nghĩ đó hoàn toàn sai.

Mọi thứ anh đều giải quyết trên điện thoại. Rồi ứng dụng công nghệ camera tự động để quản lý và điều hành từ xa. Một đêm tôi ngủ 7 tiếng, anh chỉ ngủ 4-5 tiếng, còn lại là anh đọc, tính toán, thực hiện công việc qua tin nhắn... Với anh, gần như không điều gì là không thể. Đã quyết định làm việc gì thì bằng mọi cách làm bằng được. Không cách này thì nghĩ cách khác, không bao giờ anh đầu hàng.

Người ta cứ nghĩ cán bộ phải “leo” lên bằng quan hệ, hay tiền tệ, tôi thì nghĩ, người như anh nếu sử dụng thì tổ chức có lợi, làm ở đâu thì ở đó có lợi. Chúng tôi ở với anh cũng thế! Đã định làm cái gì cho chúng tôi là anh thực hiện luôn ở kết quả mỹ mãn nhất.

Còn anh bạn ở Yên Bái, hình như với bất kỳ ai anh cũng có thể hợp tác làm việc. Một điều tưởng rất đơn giản nhưng ít người làm được, đó là với bất cứ người nào anh tiếp xúc, anh luôn nghĩ đến mặt tốt, mặt nổi bật, mặt ưu điểm của họ. Và anh luôn tạo cảm hứng để người hợp tác với anh cảm thấy hứng khởi, hứng thú, tin tưởng, và sẵn sàng phối hợp giải quyết bất cứ công việc gì.

Tôi biết, có nhiều việc anh cũng rất lơ mơ, có nhiều lĩnh vực anh thiếu thông tin. Nhưng nếu anh quan tâm đến lĩnh vực nào thì bao giờ anh cũng tìm ra người tư vấn cho anh một cách tốt nhất có thể. Anh không biết nhiều, nhưng anh luôn biết tường tận những cái cần biết. Điều này với tôi thì lại khác, có khi biết lung tung linh tinh, nhưng cái cần biết lại không biết.

Hình như, tôi từng đọc được đâu đó rằng người thành công luôn phải biết cách đứng trên vai người khổng lồ. Tôi cũng hay bô bô nói về điều đó, nhưng chỉ khi gặp anh thì tôi mới biết chính anh là hiện thân sinh động của việc biết “đứng lên vai” người khác mà khiến họ rất rất hài lòng. Tôi nghĩ, đó cũng là cách để thành công. Tôi tin rằng nếu giao anh việc gì, dù anh không biết rõ, thì anh cũng biết cách tìm ra người để giúp anh thực hiện ở kết quả ở yêu cầu rất cao.

Về kinh tế, tôi tự biết mình eo hẹp hơn hai người bạn cùng phòng. Nhưng tôi thường thích là chi, thích là tiêu, đôi khi coi thường và khinh khi sự tính toán chi li. Nếu có tiền trong túi, tôi có thể tiêu bạt mạng. Vì thế mà tôi cũng luôn.... cháy túi. Hai anh bạn thì khác. Họ có kinh tế, thậm chí là khá giả. Nhưng hai anh luôn tính toán chi tiết, rõ ràng. Dù có lúc các anh có cả mấy quyển 500.000 đồng nguyên xê ri để trong tủ, nhưng đồ dùng chung chỉ 5000 đồng cũng cộng sổ để chia. Đã ăn chung thì quả củ đậu ăn sống cũng chia tiền. Nhưng đã mời ăn thì hết mấy cũng bao tất tần tật. Cái gì cần tiêu thì nhiều tiền cũng tiêu, cái gì không cần thì dù tốn ít tiền, cũng nhất quyết không tiêu.

Tôi nghĩ, với cách làm, cách kiếm tiền, cách chi tiêu đó, thì hai bạn tôi khấm khá là lẽ đương nhiên. Chẳng cần phải con ai, chẳng cần phải làm ăn lật lọng, họ cũng cứ có thể tạo ra nền tảng kinh tế vững vàng cho mình từ chính bàn tay của họ, bất luận ở đâu, làm gì.

Còn về chuyện lớp, có thể khẳng định, phần lớn học viên cao cấp lý luận đều có chức vụ là đúng, và có một bộ phận có kinh tế khá giả là đúng. Nhưng đại đa số thì vẫn sống cuộc sống công chức, viên chức, người lao động hết sức bình thường. Đã đi học, chấp nhận rời cơ quan, rời gia đình, rời công việc, rời quê hương, thì tâm lý ai cũng như ai. Đến lớp chẳng có “ông”, “bà”, chức này chức nọ, mà thuần túy đối xử ngang hàng: “Anh học viên, tôi học viên”. Chỉ có việc học, chỉ đưa trí tuệ, tính cách, tình cảm ra “giao tiếp” với nhau, nên cũng có cái vui, cứ như trẻ lại thời học trò.

Nếu không nhầm thì trong lớp học tôi học có học viên đến từ 16 tỉnh, trong khóa học có học viên đến từ 31 tỉnh. Nhìn chung đều trẻ tuổi, điều kiện hoàn cảnh nhiều nét tương đồng. Điều chắc chắn là tất cả đều học hành và đào tạo bài bản, dù đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặt bằng nhận thức tương đối cao, và đồng đều.

Gần như mỗi người mỗi vẻ, nhưng người nào cũng tiềm ẩn một mặt mạnh, một ưu điểm nào đó. Trong đó, có nhiều người tính cách quyết liệt, mạnh mẽ. Lại có người dù làm việc trong môi trường công việc áp lực cao, đòi hỏi chuyên môn sâu, phong cách hiện đại và năng động, nhưng bên trong họ là con người có đam mê, con người hướng đến lối “sống chậm”, biết trân trọng ý nghĩa, khoảnh khắc, họ thường tìm cho mình một thú vui nào đó, tìm quên hay cũng thể là khám phá bản thân, tìm thấy con người thật chính mình trong một bộ môn nghệ thuật nào đó...

Điều thú vị là, trong mỗi lớp học đều có những người chúng tôi gọi vui là “kỳ nhân”, “quái kiệt”, thực sự giỏi giang và có tính thuyết phục tới mức khiến mọi người phải ngả mũ. Ngồi cùng bàn với tôi là một người con của đất quan họ Bắc Ninh, được xếp vào hàng ấy. Bạn vừa được điều về làm vụ phó của một bộ, lại đang làm nghiên cứu sinh ngành Luật. Bộ nhớ của bạn như thể pho từ điển sống về ngành Luật.

Bề ngoài nhìn chân phương, giản dị, mà cái phông văn hóa thì quá trời là rộng, sâu. Như thể di dỉ dì di cái gì cũng biết. Đã thế, bạn còn hát hay, thể thao giỏi. Vừa đi học, vừa đi làm, vừa tham gia đầy đủ hoạt động ngoại khóa của lớp. Làm việc không ngưng nghỉ nhưng miệng lại luôn tươi cười như không, lại luôn toát ra vẻ nhẹ nhàng, nhàn nhã. Thế mà, khi tôi về nhà bạn chơi thì được biết, bạn xuất thân con nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ làm nông, trong dòng họ chẳng ai làm lãnh đạo, quản lý, cũng chẳng ai giàu có. Bạn tự tạo ra cho mình phong cách sống năng động, lôi cuốn, tự tin khẳng định vị trí và định hình lối sống qua năng lực của bản thân.

Một người khác, ngồi cạnh bàn tôi, là một chị làm giám đốc một công ty lớn. Chúng tôi loáng thoáng nghe lương chị cả trăm triệu đồng một tháng. Là giám đốc, nhưng đi học luôn đầy đủ. Tự lái xe đi làm, đi học. Bao giờ buổi sáng cũng đưa con đến trường, sau đó mua một gói xôi, cứ hết tiết giảng thứ nhất chị mới mở gói xôi ra ăn trong lớp, còn mời mọi người cùng ăn, hồn nhiên như cô tiên. Là giám đốc, nhưng các bạn trong lớp muốn mua cái gì chị cũng biết và chỉ vẻ nhiệt tình. Chị làm việc trực tiếp với người nước ngoài, điều hành hàng trăm hàng nghìn người, nhưng mọi thứ cứ đâu vào đấy. Với tôi, rời nhà ra học viện, tất cả chỉ mỗi chuyện học. Với chị, hình như chuyện học chỉ chiếm 1/100 công suất chị làm trong ngày.

Dù bận, nhưng biết chúng tôi ở tỉnh lẻ hay mua quà Hà Nội, chị luôn sẵn sàng tính toán và tư vấn cho mọi người mua đồ rẻ đến từng đơn vị nghìn. Có khi ngày lễ, chị mua cả xe quà Hà Nội biếu cho từng người trong lớp, chị nhớ và biết rõ sở thích của từng người. Còn nếu ai nhờ chị mua món quà gì, thì dù là dưới 10.000 đồng chị cũng lấy tiền. Ngược lại chị nhờ ai mua cái gì chị cũng trả đến từng đơn vị nghìn. Vô cùng rõ ràng, sòng phẳng.

Chị làm doanh nghiệp, lại là người Hà Nội mấy đời, nhưng hễ đi dã ngoại ở đâu chồng cũng có mặt đi cạnh. Ngỡ như ngoài chồng chị chẳng hề biết, chẳng cần biết ai. Đến nỗi, anh chồng chị được chúng tôi xếp là một thành viên cứng trong mọi cuộc đi của lớp.

Chị là doanh nhân, mà cư xử của chị lại gần với một giảng viên, gần với một người nghiên cứu, nhẹ nhàng, mực thước, nghiêm cẩn, sâu sắc, vừa bao dung vừa nghiêm túc, trách nhiệm. Chị làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Có cảm giác, ngồi ở chỗ nào chị cũng làm được việc. Đi dã ngoại với lớp cũng điều hành tốt mọi thứ như thể đang trực tiếp ngồi ở nhà điều hành. Tiếp xúc với chị, chúng tôi mới nghĩ, à, làm việc như chị thì có trăm triệu/tháng là hoàn toàn xứng đáng. Khác với lối làm việc tùy tiện, nhàn nhạt, vật và vật vờ, mà tôi từng và đang phải chứng kiến rất nhiều nơi hiện nay.  

Ở lớp, chúng tôi thường lên giảng đường buổi sáng, buổi chiều được cho là giành để tự nghiên cứu, tức là tự do. Trong thời khóa biểu phát cho từng học viên, cột bên trái ghi tên môn học trong buổi và giảng viên lên lớp, cột bên phải để trống và chỉ ghi là NC, tức Nghiên cứu. Nhưng chúng tôi lại gọi là “Ngủ chiều”.

Có một điều rất thú vị là trong lớp thường tách ra, mỗi tỉnh chỉ một đến hai học viên. Vì thế chúng tôi luôn có nhu cầu hoạt động tập thể để hỏi han, tìm hiểu, nghe ngóng lẫn nhau. Từ công việc, đến đời sống, đến đặc trưng vùng miền đều chia sẻ. Ban đầu là những cuộc liên hoan nho nhỏ, thường thì mỗi tuần một lần. Hoặc sau khi thi xong một môn. Việc thi và việc học trước đây hình như lỏng lẻo. Đến thời chúng tôi vào học thì đã làm nghiêm cách trước đó 1 năm. Vì thế việc học, việc thi cũng là một áp lực nặng nề.  Sau thi mỗi môn chúng tôi thường đi liên hoan.

Gọi là liên hoan, nhưng chẳng qua là chung nhau ăn cơm, có thêm tí đồ uống. Tất cả đều góp tiền chung chia, nên về chi phí thì cũng không khác đi ăn riêng là mấy. Nên nếu gọi là đi liên hoan suốt, cứ tưởng tiêu nhiều tiền, kỳ thực là chỉ để đỡ buồn khi xa nhà, xa quê. Chỉ là gia tăng thêm không khí giao lưu, đoàn kết, gắn bó.

Những ngày nghỉ, thường thì một tháng lớp chúng tôi đi một tua mấy tỉnh. Ai đi thì bỏ tiền xe, tiền ăn dọc đường. Đến tỉnh nào thì bạn ở tỉnh đó mời cơm. Thú thật, ban đầu chúng tôi ngại đi. Phần vì muốn về nhà, phần vì sợ tốn kém, nhất là đến khi lớp về quê mình thì lấy gì mà đón tiếp mấy ngày. Nhưng sau thời gian học chung, tình cảm gắn bó, cứ muốn đi cho biết quê bạn.

Càng về sau, càng hình thành nhu cầu tự nhiên là muốn mời bạn về để “khoe” với bạn quê mình, để bạn biết quê mình. Do đó càng về sau thì tranh nhau mời về thăm quê, và coi như mời về để trả nợ tình các bạn đã đón tiếp quá chu đáo, nhiệt tình mỗi lần mình đến quê bạn. Nhất là các bạn ở Tây Bắc thì thật không bút mực nào tả nổi tấm chân tình của họ. Khi lớp về quê, không chỉ cả gia đình ra tiếp mấy ngày, mà cơ quan cũ cơ quan mới của bạn cũng cùng ra đón tiếp. Đầm ấm vô cùng.

Mọi người luôn ý thức chỉ gắn bó một thời gian rồi ai sẽ trở về vùng đất đó công tác, vậy nên thường tranh thủ tham gia các cuộc sinh hoạt tập thể để tăng cường gặp gỡ, hiểu biết, thân tình, qua đó để học hỏi lẫn nhau. Ở học viện, đi uống xong đi hát là sinh hoạt rất bình thường.

Thậm chí, có thể nói đó là sinh hoạt “sạch”. Bởi nếu phá phách, bê tha, thì chắc là uống xong sẽ đi làm việc khác. Lúc tôi đi học, liên hoan xong thường đi hát tập thể, và thực tế đó là hoạt động hoàn toàn lành mạnh. Vì buổi chiều thường rảnh. Liên hoan xong đi hát vừa vui, vừa giã rượu, vừa luyện khả năng văn nghệ.

Có người không biết hát vẫn đi. Thậm chí chỉ đi theo để đến tìm một ghế bành mà nằm.... “ngủ chiều”. Đôi khi chiều bạn bè mà đi hát kara. Đôi khi vì tinh thần tập thể mà đi hát kara. Đôi khi vì đi chung xe taxi mà phải đi hát kara. Đôi khi, đi hát kara cho đỡ buồn... Mà nào phải to tát gì, thường xuyên gì cho cam, lâu lâu mọi người mới đi hát một bữa, thực tình là không đi cũng không đành.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Còn nhiều chuyện nữa, nhớ hết mà không thể kể hết.

Đó là thời học viện của tôi, đó là karaoke của tôi. Tôi tự hào và lấy làm biết ơn về thời gian đã được tham gia khóa học ở học viện. Giờ tôi có những người anh, người chị, người bạn ở nhiều miền quê trên đất nước cũng là do thời học viện, do những lần tham gia hoạt động tập thể, trong đó có cả karaoke.

Giờ thì, tôi thấy học viện đã có thông báo cấm các hoạt động tập thể không do nhà trường tổ chức diễn ra ngoài giờ học, cấm cả uống rượu, karaoke, cấm cả dã ngoại. Kể ra cũng không trách được học viện.

Cũng đúng thôi, 12 mạng người, 12 cán bộ trẻ, 12 trụ cột của gia đình đã ra đi khi họ là học viên của một lớp ở học viện cơ mà. Khủng khiếp và kinh hoàng! Học viện sao tránh khỏi mang tiếng. Kể cả học viên, cũng không tránh khỏi mang tiếng, bởi không phải ai cũng có cái nhìn của người trong cuộc, như người trong cuộc. Hay ít ra là một sự độ lượng.

Nhưng thôi, trách sao được thế gian, Trịnh Công Sơn nói rồi, “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” cơ mà. Nghĩ vậy, nên tôi lan  man tải ra đây những điều dùng dằng trong lòng. Vì tôi nghĩ, thực tình, cái đáng trách là cơ sở karaoke xây dựng không đảm bảo quy định phòng chống cháy nổ, thì người ta không “soi”, mà người ta lại “soi” người đi hát. Rồi còn buông lời này nọ. Thật là buồn...

Nói thêm một chút về các thầy cô học viện. Ừ thì có người cho rằng thầy cô ở đó chỉ có lý luận. Nhưng tôi thấy mình may mắn được học với những thầy cô biết dạy ở học viện và biết cả làm tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài. Ừ thì có người nói thầy cô viết sách chỉ bán được cho học viên. Nhưng tôi may mắn được thầy cô giáo khả kính mua sách gửi tặng riêng vì họ nghĩ tôi đang nung nấu điều quyển sách đó có chứa đựng.

Ừ thì có người nói thầy cô học viện nhiều người sành điệu, biết ăn, biết uống biết hát. Nhưng tôi và hai người bạn cùng phòng may mắn được thầy cô mời về nhà dùng cơm tự tay họ nấu, rau tự tay họ trồng.

Chúng tôi còn nghĩ nhiều khi thầy cô nể lời mời học viên mà tham gia, chung vui, gắng gượng để anh em học viên ít có khoảng cách. Thật may mắn không có thầy cô nào của học viện tham gia cuộc hát này, nếu không, với lối suy diễn vô giới hạn của những cách nghĩ hẹp hòi, họ lại chẳng vẽ ra khối chuyện cứ y như thật ấy chứ, ai mà cãi được, trừ phi họ là người trong cuộc.

Chí Linh Sơn

(Cho tập thể B12-13 và một thời học viện của tôi, cho một người em đã mãi mãi ra đi trong đau đớn nghiệt ngã...)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới