Mù 2 mắt, chàng trai Mông 'nghe' để học hết lớp 9 và làm ăn giỏi

(Baonghean.vn) - Mù cả hai mắt, chàng trai người Mông Gìà Bá Lỳ ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn sáng lên là tấm gương làm ăn giỏi ở vùng biên.

Mặc dù khiếm thị nhưng Gìa Bá Lỳ cho thấy nghị lực phi thường của mình. Hiện nay gia đình anh thuộc hộ khá ở bản Huồi Pốc. Ảnh: Lữ phú
Mặc dù khiếm thị, nhưng Già Bá Lỳ cho thấy nghị lực phi thường của mình. Hiện nay gia đình anh thuộc hộ khá ở bản Huồi Pốc. Ảnh: Lữ phú

Già Bá Lỳ sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh chị em ở bản Huồi Pốc, lúc mới lọt lòng Lỳ cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm lên 3 tuổi, trong một lần bị đau mắt đỏ, nghĩ đau mắt thông thường, bố mẹ anh đã dùng thuốc Nam chữa trị. Đến khi kịp nhận ra cách chữa trị lạc hậu ấy có thể gây ảnh hưởng lớn đến đôi mắt của con trai thì mọi thứ đã quá muộn. Lỳ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt.

Ai cũng nghĩ, sau biến cố ấy, cuộc đời của cậu bé Già Bá Lỳ sẽ mãi quẩn quanh bên xó bếp, mò mẫm trong gian nhà tăm tối, chật hẹp. Nhưng Lỳ đã thay đổi suy nghĩ tất thảy suy nghĩ của mọi người dành cho mình. Mắt không còn nhìn thấy, nhưng anh Bá Lỳ vẫn còn bầu nhiệt huyết và trái tim mạnh mẽ. Lỳ quyết theo các bạn đến trường, đến lớp. Mắt cậu không thể nhìn nhưng đôi tai vẫn có thể lắng nghe và cái đầu không ngừng tiếp nhận thông tin. 

Học hết phổ thông, đến năm 2011, cảm phục đức tính cần cù chịu khó của Bá Lỳ, cô gái Lầu Y Tồng, quê ở xã Mường Lống đã tự nguyện theo anh về làm vợ, rồi lần lượt hai cô con gái chào đời, mặc dù cuộc sống không mấy khá giả, song trong gia đình nhỏ bé này lúc nào cũng đầy áp tiếng cười.

Năm 2012, được anh em họ hàng giúp đỡ cho một cặp bò sinh sản, sau 5 năm cần cù chăm sóc, đến nay gia đình Bá Lỳ đã có cả một đàn bò 8 con, cộng với làm vườn và chăn nuôi gia cầm... mỗi năm cũng đem lại khoản thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng.

Chàng trai 28 tuổi chia sẻ: "Mình vừa học hỏi, vừa làm. Cũng vất vả lắm. Mình thích đi học, chỉ nghe thôi mình cũng học xong lớp 9, sau đó mình đi học đi làm nghề ở dưới Vinh. Đến bây giờ mình đã làm được một căn nhà tạm cho vợ con ở. Bây giờ cuộc so với ngày xưa thì cũng đỡ hơn nhiều".

Gia đình nhỏ của Lỳ luôn tràn ngập tiếng cười. Ảnh: Lữ Phú
Gia đình nhỏ của Già Bá Lỳ luôn tràn ngập tiếng cười. Ảnh: Lữ Phú

Khi cuộc sống của gia đình Già Bá Lỳ đã qua quãng thời gian khó khăn, cũng là lúc anh thực hiện bằng được ước mơ của mình. Đó là đăng ký tham gia một khóa học tin học văn phòng ở Hà Nội; tham gia khóa học tiếng Anh giao tiếp ở thành phố Vinh. Điều đặc biệt, dù đôi mắt đã mù nhưng Lỳ vẫn có thể soạn thảo văn bản và sự dụng máy tính thành thạo.

Vượt lên những mặc cảm, tự ti, Già Bá Lỳ trở thành người rất năng nổ trong hoạt động xã hội. Hiện nay anh đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Kỳ Sơn. Nhận xét về Lỳ, ông Lầu Chống Nhìa - Bí thư Chi bộ bản Huồi Pốc cho biết: "Trước hết Lỳ là một tấm gương hếu học không chỉ ở Huồi Pốc mà cả xã Nậm Cắn. Lỳ còn giỏi làm kinh tế, nhiều gia đình có sức lao động nhưng không bằng nhà Lỳ được. Dân bản nể phục lắm". 

Già Bá Lỳ nay vẫn đang không ngừng vươn lên để thực hiện hoài bão của mình. Anh là đại diện tiêu biểu cho những mảnh đời thiếu may mắn, dám ước mơ, khát khao để đi về phía mặt trời, nơi mà cuộc sống tạo ra phép màu cho những trái tim giàu nhiệt huyết.

 Lữ Phú 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới