Mùa câu mực nháy, 'cần thủ' thu tiền triệu mỗi đêm ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Làng Đức Hậu (nay là xóm 9) xã Diễn Thịnh, Diễn Châu vốn nổi tiếng với nghề đánh bắt hải sản bằng lưới rút, lưới rồng, lưới bao. Những năm gần đây, nghề câu mực đã đem lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân. 

Nghề câu mực dù cực nhọc khi phải thức trắng đêm, nhưng bù lại về đến bến đã có các thương lái chờ để gom hàng. Hiện mỗi kg mực "nháy” tại bến giá 220.000 - 300.000 đồng/kg, tùy kích thước từng con; tính ra một đêm đi câu mực các “câu thủ” có thu nhập từ 1 -1,5 triệu đồng. Mùa câu mực kéo dài 3 - 4 tháng, mỗi “câu thủ” thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/mùa vụ.

Anh Hoàng Thủy, một tay câu mực nổi tiếng làng Đức Hậu kể rằng cách đây ba năm, chỉ có mình cha con anh đi câu mực, sau đó mới có vài ba người trong làng cũng mạnh dạn sắm nghề đi câu. Cũng nhờ bươn chải đi làm ăn xa mà mấy anh em trai trẻ học được bí quyết câu mực từ Phú Quốc rồi về truyền nghề cho ngư dân trong làng.

Nghề câu mực xã Diễn Thịnh. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Sản phẩm mực câu của anh Hoàng Thủy ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Trần Cảnh Yên
 

Nghề câu mực đem lại thu nhập cao, trong khi đầu tư mua sắm ngư cụ không tốn kém như những nghề khác. Một cái bè mảng gắn máy đẩy bằng mười “ngựa”, thêm mấy chục chùm lưỡi câu và một bình điện với dăm bảy cái bóng đèn là đủ bộ đi biển. 

Về làng Đức Hậu đúng giữa mùa câu mực sẽ thấy cảnh trên bến dưới thuyền buổi chập choạng và khi rạng đông thật náo nhiệt. Buổi chiều hôm khi mặt trời sắp lặn là cảnh đẩy bè xuống biển. Bè được kê lên bằng bộ bánh lốp, chồng chạy xe kéo trước mũi bè, vợ con hộ sức đẩy phía sau. Tiếng xe máy rú ga, tiếng reo hò gọi nhau í ới làm huyên náo cả một vùng cửa bể .

Nghề câu mực xã Diễn Thịnh. Ảnh: Trần Cảnh Yên
 Nghề câu mực cho ngư dân làng chài Đức Hậu có thu nhập tương đối ổn định. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Sau một đêm thức trắng câu mực, đến buổi rạng đông, mấy chục chiếc bè câu cùng quay mũi tăng ga chạy về đất liền. Lúc này, cửa bể làng Đức Hậu  tất bật  hơn với công việc thu dọn ngư cụ, kê kích đẩy bè lên cạn; các bà, các chị nhanh chóng mang sản phẩm mực "nháy” nhập cho thương lái, các nhà hàng hải sản để lấy độ tươi ngon. Lúc này các “câu thủ” mới  có khoảng thời gian nhâm nhi thư giãn, rồi đánh một giấc cho đến chiều để bắt đầu chuẩn bị cho một “vát” câu mực mới.

Anh Hoàng Thủy chia sẻ bí quyết của nghề: " Dụng cụ hành nghề chỉ một cần câu với cuộn dây cước, mồi giả là thanh chì với các móc sắt được mài nhọn dùng làm lưỡi câu, cuốn xung quanh bằng dây kim tuyến phản quang, khi thả xuống biển sẽ phát sáng dưới ánh đèn pha và dụ mực lại gần. Thời gian mực ăn câu nhiều nhất vào khoảng trời tối. Phải biết nhìn trăng, dòng chảy của nước, kỹ thuật nương, kéo dây thì mới đảm bảo con mực dính câu. Rồi cách kéo mực lên như thế nào để tránh công toi cũng là một kỹ thuật ".

m
Nghề bắt mực ngoài kỹ thuật, nghệ thuật thả câu, rút mồi còn phải nắm bắt được luồng bãi, đèn đủ sáng mới dụ được mực đến ăn mồi. Ảnh: Đào Tuấn

Với kinh nghiệm hàng chục năm lênh đênh giữa biển khơi, theo anh Sáu Đào, con mực có 10 râu nhưng chỉ 2 cái dài nhất có tác dụng bám giữ, khi mực dính mồi nếu kéo nhanh quá có thể làm đứt râu mực sẽ mất "ăn". Nghề này lúc may mắn lúc rủi ro, có khi một đêm thu nhập cả triệu bạc, nhưng cũng có lúc bạc mặt đến sáng không câu được con nào vì gặp con nước động”.

Mỗi "vát" đi biển về một bè thu nhập khoảng 5 -7 kg mực, bè nào may mắn gặp bãi có thể câu được 10 -15 kg. Con mực câu được nhốt trong lồng, khi mang lên bờ đều đang sống, lớp sao trên thân mực đang nhấp nháy đổi màu. Vì vậy mà dân chài thường gọi mực câu là mực "nháy” để thêm hấp dẫn thực khách.

Nghề câu mực xã Diễn Thịnh. Ảnh: Trần Cảnh Yên
Mực "nháy” luôn được khách hàng tìm mua với giá cao. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Theo bà Cao Thị Vinh, xóm trưởng xóm 9, xã Diễn Thịnh, nhờ có nghề câu mực kết hợp với các nghề đánh bắt hải sản khác như lưới rút, lưới rùng, đi cà kheo xúc ruốc người dân ở đây có thu nhập tương đối ổn định; đời sống không ngừng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

 Trần Cảnh Yên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới