Mùa 'săn' đào tết

(Baonghean) - Khoảng hai tuần trước Tết Nguyên đán là mùa “săn” đào núi của dân chơi xứ Nghệ. Đây cũng là quãng thời gian mà những chủ vườn đào vùng cao “hốt bạc”. Mùa đào tết Đinh Dậu (2017) nhiều người còn lặn lội sang tận Lào để tậu đào cung cấp cho thị trường tết.
Gần chục năm nay, hai tuần cuối năm trở thành những ngày thu tiền nhiều nhất trong năm của ông Xồng Bá Mùa, ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Khoản thu nhập cuối năm có mùa lên đến trăm triệu đồng nhờ vào vườn đào rộng chừng 3ha dưới chân núi Phu Xai Lai Leng hùng vĩ. 
Nhà sàn trở thành “chợ” đào.
Nhà sàn trở thành “chợ” đào.
Ở miền đất quanh năm nhiệt độ không quá 250C này có lẽ đào là cây chống chịu tốt nhất. Chẳng thế mà vườn đào của ông Mùa trồng từ hồi còn trẻ, nay ông ngoài năm mươi, tuổi cây cũng bằng nửa tuổi đời người nhưng những cây đào vẫn sinh trưởng mạnh mẽ lắm. Xuân về hoa nở rực hồng cả một góc núi. Hè sang, trên rẫy lại lúc lỉu trái.
Đào núi khi chín quả ửng đỏ như má con gái xuân thì. “Mỗi năm mình thu tiền đào được hai lần. Một lần bán quả, một lần bán hoa. Thật chẳng có cây trồng nào mà người ta vừa bán được cả hoa lẫn quả.”, lão nông vùng biên giới Na Ngoi cười tủm tỉm. Dịp áp Tết là lúc vườn đào của ông thu bộn tiền nhất. Trước Tết gần một tháng, đã thấy người miền xuôi đánh xe lên hỏi mua đào. Người săn đào núi ở thị trấn Mường Xén, Hòa Bình, thậm chí là thành phố Vinh cách xa gần 250km cũng tìm đến…
Các khu rừng áp biên giới Việt - Lào như Pà Khốm, bản Huồi Mới, Mường Lống của xã Tri Lễ là những nơi có nhiều đào.
Các khu rừng áp biên giới Việt - Lào như Pà Khốm, bản Huồi Mới, Mường Lống của xã Tri Lễ (Quế Phong) là những nơi có nhiều đào. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn), xã Tri Lễ (Quế Phong) là những vùng trồng nhiều đào nhất miền núi Nghệ An. Những cây đào có tuổi đời hàng mấy chục năm, thân cành phủ rêu mốc, nụ đào lớn, đỏ hồng, lâu tàn. Xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn có những gốc đào hàng trăm tuổi, trồng trên độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, mỗi hoa có đến 6 cánh. Nhờ những đặc điểm này mà đào núi được dân chơi thị thành xem như một mặt hàng thời thượng để chơi Tết và làm quà biếu vào cuối năm, khi Tết đến, Xuân về.  
Những người sốt sắng nhất với vườn đào của người Mông vùng cao lại chính là những lái buôn. Họ tranh thủ những ngày áp tết này để kiếm thêm thu nhập. Trong tiết trời, mưa rét dưới 10 độ, những chiếc xe tải vẫn vượt dốc vào Na Ngoi tìm đào Tết.
Từ đường quốc lộ đi vào các bản nơi có đào cũng mất 40-50km chạy xe máy dừng, đèo dốc cheo leo. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Từ đường quốc lộ đi vào các bản nơi có đào cũng mất 40-50km chạy xe máy dừng, đèo dốc cheo leo. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Tay thoăn thoắt buộc cành đào vào thùng xe, anh Nguyễn Văn Tuấn trú huyện Thanh Chương (Nghệ An) là người buôn đào Tết chuyên nghiệp gần 5 năm nay chia sẻ: Buôn đào Tết cần phải biết “chớp thời cơ” và cũng phải “nghiên cứu kỹ thị trường” vì nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn trước Tết. Những năm trước, anh thường đánh xe tải đến các bản làng người Mông để gom đào. Nhận định năm nay sẽ khan hàng vì thời tiết khắc nghiệt, anh Tuấn đã phải cọc tiền trước nửa năm trời để không bị người khác giành mất hàng.
Có những gốc đào đường kính to bằng cả một người ôm nhưng chưa ai có thể lấy vì đường sá hiểm trở, anh Vi một người săn đào huyện Quế Phong cho biết. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Có những gốc đào đường kính to bằng cả một người ôm nhưng chưa ai có thể lấy vì đường sá hiểm trở, anh Vi một người săn đào huyện Quế Phong cho biết. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Có thể nói, nhờ những lái buôn như anh Tuấn, mà những chủ vườn đào người Mông ở vùng cao xứ Nghệ có được nguồn thu nhập khá tốt vào dịp cuối năm. Ông Mùa Bá Súa, bản Huồi Giảng xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm nào cũng kiếm được khoản thu từ 5 - 7 triệu đồng để sắm Tết. Trồng đào, không mất công chăm chút nhiều, nên có thể gọi những khoản thu cuối năm chính là “lộc” do thiên nhiên ban tặng.
Mùa đào năm nay có vẻ gian nan hơn đối với những lái buôn, mặc dù những cành đào núi đã bắt đầu xuất hiện trên những nẻo đường xã vùng biên Tri Lễ (Quế Phong). Những lái buôn người bản địa cho biết, xuất xứ của những cành đào này chủ yếu là ở Lào. Anh Trần Văn Vĩnh, trú xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cho biết, trong lần đầu tiên vào nghề buôn đào Tết, anh và nhóm bạn đã phải sang tận Lào để mua đào. Theo dự tính của những nhóm buôn đào, mỗi chuyến sang Hủa Phăn mua đào trở về nhập bán cũng mất từ 3 - 4 ngày. Như vậy trong khoảng thời gian 2 tuần của mùa đào Tết, mỗi nhóm thực hiện được 4  - 5 chuyến đào “ngoại”.
Một lái buôn đào núi.
Một lái buôn đào núi.
Mùa đào này, căn nhà sàn của anh Lô Văn Xuân, ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ (Quế Phong) trở thành nơi trưng bày đào. Những cành đào vừa được vận chuyển về đang chờ bạn hàng đưa về xuôi. Anh Xuân cho hay, những bản làng người Mông ở vùng Mường Quắn tỉnh Hủa Phăn (Lào) quanh năm mây phủ đang giữ được những vườn đào hàng trăm năm tuổi. Người mua đào từ Việt Nam sang thường nhập đào về theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu Tri Lễ. 
Trước khi gom hàng đưa lên xe ôtô đưa về thành phố Vinh và miền xuôi, một số sẽ được bày bán ở ven đường quốc lộ tại địa bàn. Giá cả rất đa dạng tùy vào từng gốc đào, có thể dao động từ 300.000 đồng tới cả vài ba chục triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Trước khi gom hàng đưa lên xe ôtô đưa về thành phố Vinh và miền xuôi, một số sẽ được bày bán ở ven đường quốc lộ tại địa bàn. Giá cả rất đa dạng tùy vào từng gốc đào, có thể dao động từ 300.000 đồng tới cả vài ba chục triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Để có được những cành đào xuất xứ từ Lào, mỗi người đều phải di chuyển bằng xe máy trên những đoạn đèo dốc địa hình rất phức tạp, nên không chở được nhiều. Anh Trần Văn Vĩnh chia sẻ: Mỗi chuyến một người chỉ có thể chuyển được 5 - 6 cành và phải chi ra từ  3 - 4 triệu đồng tiền Việt. Khi mua về, trừ chi phí mỗi người còn lãi từ 2 - 3 triệu đồng. Đó là thành quả của một chuyến đi rất gian nan, thậm chí phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Theo người dân, đào đá thường ở vùng cao trên 1000m só với mực nước biển. Thân cây màu sẫm thường có rêu hoặc các loại tầm gửi ăn bám nhìn vào có màu mốc. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Theo người dân, đào đá thường ở vùng cao trên 1000m só với mực nước biển. Thân cây màu sẫm thường có rêu hoặc các loại tầm gửi ăn bám nhìn vào có màu mốc. Ảnh: Nguyễn Hùng Cường.
Thời tiết khắc nghiệt khiến đào ở vùng miền núi Nghệ An bị chết nhiều trong năm vừa qua gây ra sự khan hiếm đào Tết, nên nhiều người phải tìm sang mua tận Lào.  Sự săn lùng của người chơi cũng như những lái buôn trong một thời gian dài cũng khiến nguồn đào ở miền núi Nghệ An đang dần cạn kiệt.
Gần một tháng nay, đào bung nở khắp thung lũng Mường Lống. Ông Và Nỏ Vừ - Chủ tịch UBND xã Mường Lống  tỏ ra trầm ngâm: “Đào nở sớm không phải là tin vui.” Vị chủ tịch xã trăn trở. Cứ đà này, tết đến không nhà nào còn đào để mà bán. Đành chở đến mùa quả vậy! 
Hữu Vi – Hồ Phương
 
TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới