Mùa vui Mường Chọong

(Baonghean.vn) - Trong cái nắng tháng Sáu như thắp lửa, về thăm Mường Chọong ngày này, trên khắp bản gần, bản xa bà con đang tất bật vụ mùa. 

Nằm ở trung tâm Mường Chọong, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) có tổng diện tích 317 ha ruộng nước, là một trong số ít những xã vùng cao có nhiều ruộng nước trên địa bàn Quỳ Hợp. Đã ba năm qua Châu Lý liên tục được mùa, năng suất bình quân liên tiếp cán mốc 65 tạ/ha, làm nên một chuỗi vui hiếm thấy trên những thửa ruộng chốn này.

Có người thì bảo được mùa là do mấy năm qua Châu Lý “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; có người lại bảo do nguồn nước Nậm Chọong trong lành nên lúa cử “thả” xuống là bén rễ, chắc hạt, mẩy bông; có người lại bảo nhờ giống mới... Ừ nhỉ, cái sự được mùa có lẽ bởi nhờ lắm lắm nguyên do, nhưng niềm vui được mùa là có thật, niềm vui no ấm cứ thế nhẹ nhàng lan tỏa trong mỗi nếp nhà.

1
Cánh đồng lúa bản Lấu, xã Châu Lý trĩu hạt. Ảnh: Cao Duy Thái

Là một cán bộ công tác lâu năm tại địa phương, từng kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã Thắm- Xết- Bồn, rồi chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý, ông Vi Văn Hóa kể cho tôi nghe cái chặng hành trình đưa nước về ruộng để Châu Lý có những gì như ngày hôm nay, 317ha ruộng nước không phải bỏ hoang một chân ruộng nào.

Ngay từ thời còn kinh tế tập trung theo mô hình Hợp tác xã, lĩnh vực thủy lợi đã được cán bộ nơi đây đặc biệt quan tâm. Từ những năm 1977, đập thủy lợi Đồng Cồng đã được xây dựng. Hàng ngàn ngày công lao động, cùng với nguồn kinh phí không nhỏ đã làm nên hình hài một đập thủy lợi chắn ngang dòng Nâm Choọng, cung cấp nước tưới cho những chân ruộng khắp bản Bùng, bản Chọong, bản Thắm...

Ngày ấy còn dang dở giấc mơ sẽ làm hệ thống kênh dẫn nước, để biến những bãi bồi Đồng Vình, Đồng Cạn... thành ruộng nước, kênh dẫn nước này đã được đào ngay trước sân khu di tích Đền Chọong bây giờ, và chỉ bị lấp khi địa phương tiến hành tôn tạo di tích Đền Chọong vào năm 2014. Đến hôm nay, sau bao nhiêu trận lũ lụt tàn phá, đập thủy lợi Đồng Cồng dù mang trên mình những dấu vết sạt lở nhưng hàng năm vẫn cung cấp nước tưới cho cả một diện tích ruộng nước rộng lớn trong vùng.

Sau này, đập Đồng Ngọn, đập Bai Quèn... cũng đã được xây dựng. Ông Vi Văn Hóa phân trần: Các cụ nói cấm có sai, làm lúa thì cứ phải là khắc cốt ghi tâm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nói thì ngắn gọn vậy thôi nhưng bắt tay vào làm mới khó. Riêng cái khoản “nhất nước” này địa phương cũng đã phải căn cơ, chắt bóp mà đầu tư từ năm này sang năm khác.

Còn nhớ vào năm 1990, khi ấy ông còn giữ chân Chủ nhiệm Hợp tác xã Thắm- Xết- Bồn, cái thời “đưa tay vẽ cả đồng xanh” ấy ông cùng anh em cũng đã làm được khối việc hiệu quả. Ấn tượng nhất là cái vụ đắp Bai Hin, cả mấy trăm nóc nhà của cả vùng cái ăn đều nhìn vào mấy cánh đồng ruộng nước, mà trời thì mưa nắng phập phù, vào mùa vụ cứ phải là cầu trời khấn Phật cho mưa để gieo cấy. Không chịu ngồi yên, ông cùng anh em trong ban chủ nhiệm bàn nhau xây đập trữ nước, kinh phí thì... tiết kiệm từ nguồn thu của Hợp tác xã. Sau thời gian tích lũy, có được 10 triệu đồng, ông cùng anh em tự thiết kế, thuê thợ thi công. Ròng rã mấy tháng xây dựng, Bai Hin đã hình thành trong niềm vui khôn tả của ban Chủ nhiệm và bà con dân bản. Đập Bai Hin cung cấp nước tưới cho những chân ruộng Đồng Chọong, Đồng Thắm...

Cùng với duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi xây dựng trước đây; từ các nguồn vốn đầu tư, những năm qua, đập bản Vực, bản Xết, đập thủy lợi Khe Luông... đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Hệ thống mương bê tông dẫn nước được hoàn thành trên khắp các cánh đồng của xã Châu Lý. Có thể kể đến mương bê tông đồng bản Ngọn xây dựng các năm 2010, 2015; đồng bản Vực xây dựng năm 2011; đồng bản Chọong xây dựng năm 2012, đồng Bồn Bựn năm 2014, đồng bản Bàng 2016 và sắp tới là hệ thống mương bê tông cung cấp nước tưới cho cánh đồng bản Lấu. 

1
Bà con xã Châu Lý tranh thủ ngày nắng để thu hoạch, tuốt lúa ngay ngoài ruộng. Ảnh: Cao Duy Thái

Dẫn tôi đi thăm những chân ruộng tại cánh đồng bản Lấu, bản Bàng, chị cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Châu Lý - Nguyễn Thị Lam hồ hởi khoe rằng, năng suất lúa bình quân của xã năm nay đạt 65 tạ/ha. Những chân ruộng điển hình đạt trên 85 tạ/ha. Các loại giống mới như Thiên ưu 8, Kinh sở ưu, SL 9... đều góp mặt trong cơ cấu giống của xã. Cánh đồng bản Lấu, bản Bàng được Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An lựa chọn đầu tư mô hình với giống lúa Hương ưu 98, NA6 đều cho kết quả tốt, tạo tiền đề cho những mùa sau, giúp bà con vững tin đưa những giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất.

Trong câu chuyện cùng người già, người trẻ, càng trân quý cái sự chăm chỉ cần cù của người dân nơi đây. Ví như cánh đồng Bản Lấu mà tôi được mục sở thị, trước đây là đất chua phèn, lúa cấy xuống cứ ố vàng còi cọc, bà con đã cùng nhau đập đá, nung vôi để có hàng tấn vôi rải xuống thau rửa cải tạo đất. Hay như vùng Bản Chọong nổi tiếng với sự chăm sóc cây lúa, mỗi vụ xuống giống, tất cả thửa ruộng đều có phân chuồng ủ hoai, lại còn bón thúc, làm cỏ đúng quy trình kỹ thuật.

Ơn trời mưa thuận gió hòa, đất không phụ công người hai sương một nắng... đã góp nên mùa vui ở Mường Chọong hôm nay.

                                                                                                                                                  Cao Duy Thái

TIN LIÊN QUAN

Tin mới