Mức hỗ trợ mới nhất cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xóm ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Việc ban hành chính sách hỗ trợ thêm và riêng của tỉnh là cần thiết, góp phần động viên khích lệ và giảm thiệt thòi cho những người dôi dư do chủ trương sáp nhập.

Chiều 6/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Vinh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp nhằm thẩm tra dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

a
Dự cuộc làm việc có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức

Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với các đối tượng. Cụ thể, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã.

Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài hưởng các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ và chính sách khác theo quy định của pháp luật thì được hưởng mức hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đối với: cán bộ, công chức cấp xã đủ 55 tuổi trở lên đối với nam, đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Cán bộ, công chức cấp xã đủ 50 tuổi trở lên đối với nam, đủ 45 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Hỗ trợ một lần bằng 12 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các trường hợp thôi việc ngay.

Hỗ trợ một lần đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm, khối, bản như sau:

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định của pháp luật hiện hành, được hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng (hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng).

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung giải trình những nội dung các đại biểu quan tâm. Ảnh: Thanh Lê
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung giải trình những nội dung các đại biểu quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản được hỗ trợ số tiền cụ thể cho từng chức danh như sau:

Bí thư chi bộ và trưởng xóm, khối, bản: Số tiền hỗ trợ là 4,5 triệu đồng.

Công an viên (kiêm xóm phó): Số tiền hỗ trợ là 4 triệu đồng.

Thôn đội trưởng: Số tiền hỗ trợ là 3 triệu đồng.

Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố (kiêm khối phó): Mức hỗ trợ là 2,7 triệu đồng.

Tổ viên tổ bảo vệ dân phố: Mức hỗ trợ là 1,6 triệu đồng.

Y tế xóm, bản tại các xã khó khăn theo quy định của Nhà nước: Mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng.

Y tế xóm, bản còn lại: Mức hỗ trợ là 1,6 triệu đồng.

Số tiền hỗ trợ được tính tương đương với 3 tháng phụ cấp hiện hưởng ở mức cao nhất cho từng chức danh.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định mức hỗ trợ một lần đối với ủy viên thường trực Mặt trận Tổ quốc, ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã; Trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở xóm, khối, bản số tiền cụ thể cho từng chức danh như sau:

Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ và Ủy viên Thường vụ các đoàn thể ở cấp xã: Số tiền hỗ trợ là 2 triệu đồng.

Trưởng ban công tác Mặt trận xóm, khối, bản mức hỗ trợ là 1,4 triệu đồng.

Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xóm, khối, bản số tiền hỗ trợ là 1,2 triệu đồng.

Tổng số kinh phí dự kiến thực hiện chính sách là 86.113.000.000 triệu đồng.

Đảm bảo công bằng cho các đối tượng

Thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết, ý kiến các đại biểu đề nghị: Dự thảo nghị quyết cần quy định cụ thể về mức hỗ trợ theo khung thời gian làm việc, không nên cào bằng định mức hỗ trợ giữa các đối tượng; số tiền hỗ trợ cần tính toán làm tròn số; cần xem xét để điều chỉnh, cân đối chính sách phù hợp cho từng đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; không chuyên trách xóm, khối, bản. 

Ý kiến các đại biểu băn khoăn về tên của nghị quyết; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách; làm rõ nguyên tắc thực hiện chính sách…

Cán bộ Sở Nội vụ trao đổi việc giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Sở Nội vụ trao đổi việc giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng nhấn mạnh: Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư cần có giải pháp giải quyết và được hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghỉ việc.

Vì vậy, việc ban hành một chính sách hỗ trợ thêm và riêng của tỉnh là cần thiết góp phần động viên khích lệ và giảm thiệt thòi cho những người dôi dư do chủ trương sáp nhập.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng cho rằng, tên gọi nghị quyết cần ghi rõ giai đoạn thực hiện 2019 - 2021; cần quy định rõ năm công tác để tính chế độ cho từng đối tượng.
Đồng chí Phan Đức Đồng đề nghị cơ quan soạn thảo (Sở Nội vụ) phối hợp với Ban Pháp chế tiếp thu ý kiến các đại biểu bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp lần thứ 11 của HĐND tỉnh (kỳ họp bất thường) ngày 11/11 sắp tới.

Tin mới