Mùi rơm rạ

(Baonghean) - Tôi sinh ra từ làng! Làng quê tôi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay với mùi hương lúa mới, mùi rạ rơm dịu ngọt sau mỗi vụ mùa. Kỳ lúa chín là khoảng thời gian mà người dân quê ngóng đợi sau bao ngày lam lũ trên đồng.

Trong ký ức của tôi, bức tranh ngày mùa luôn sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi ăm ắp lúa vàng, tụi con nít được giao nhiệm vụ trông nom cửa nhà và “đi lúa” trong lúc người lớn đi gặt. Cứ độ vài ba tiếng sân lúa lại phải “đi” một lần cho mau “khén”. Đôi bàn chân bé xíu đi từng đường lúa ngang dọc, nhanh thật nhanh để trốn cái nắng hừng hực trên đầu và cái nóng bỏng rát dưới chân.

Ngày mùa trong tôi còn là những đường rơm ngút ngàn. Đâu đâu cũng thấy rơm trải thảm, vàng những lối đi. Rơm chệm chễ, ngất ngưởng trên hàng rào. Rơm tràn xuống cả những chân ruộng khô, nứt nẻ chân chim. Rơm xao xác dưới chân, quấn quýt những vòng xe đạp.

Chao ôi! Nhớ nhất là những trưa trời nắng cháy đội nón ra đường trở rơm. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, những bàn tay cầm liềm, cầm xỉa hoặc đòn gánh thoăn thoắt xới lên từng nhát rơm vàng óng. Mùi rơm tươi dịu ngọt ban sáng giờ bốc lên một mùi oi nồng, ngàn ngạt. Nhưng có lẽ cực hơn cả là những chiều chạy giông. Trẻ con, người lớn cứ cuống quýt cả lên, hết hốt lúa lại đến xây rơm, ai cũng “vắt chân lên cổ mà chạy”. Thế mà có bữa giông đến mau quá, chẳng kịp trở tay nên lúa, rơm ướt hết.

Ngày ấy ở quê tôi rơm rạ gần như được tận dụng triệt để. Đó là nguồn nhiên liệu chủ yếu dùng trong việc đun nấu hàng ngày, là nguồn thức ăn dữ trữ cho trâu bò ngót một năm trời sau đó. Đối với rơm rạ xấu hơn thì được dùng để lót nền cho các vật nuôi trong nhà.

Cứ sau mỗi buổi gặt sẽ được một mẻ lúa, mẻ rơm. Gặp nắng to lúa, rơm chỉ cần phơi một ngày đã “khén”. Lúa thì cho vào bồ, vào cót, còn rơm thì được chất quanh một cái cọc tre vững chãi đóng trước hoặc sau vườn. Khi lúa trên đồng dần vãn cũng là lúc ngọn cây rơm cao dần. Bố phải vo từng ôm rơm chắc nịch, choãi chân mới quẩy được rơm lên. Xong xuôi bố đội lên đầu ngọn rơm cái nón cũ bạc màu trông ngộ mà thương!

Trẻ con ngày ấy khoái rơm lắm. Chúng thi nhau trèo lên đống rơm rồi lại tụt xuống, lộn nhào trên rơm, ném rơm vào nhau túi bụi. Thích nhất là trò nấp mình trong rơm chơi cút bắt, tìm nhau đỏ mắt phải xin hàng, nhưng tiếng cười thì vang mãi không thôi. Chiều của những ngày cuối mùa gặt, cả bọn lại rủ nhau ra đồng gom cọng rơm sót, nổi lửa ngồi quanh, vui với khói đốt đồng.

	                                                                        Minh họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong

Và có một điều mà không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng háo hức đợi chờ là được đón lễ cúng cơm mới. Đó là khi công việc đồng áng đã xong các mẹ, các chị đong lấy lon gạo mới vừa xay cho vào nồi, vo rồi đậy nắp vung cẩn thận và bắt đầu nổi lửa. Ngày ấy vật liệu dùng làm chất đốt thổi cơm không phải cái gì khác ngoài rơm mới. Từng nhón rơm từ từ được cho vào bếp bằng một que cời khó bắt lửa, vừa có tác dụng dùa than sang một bên hoặc về phía sau. Chẳng mấy chốc mà nồi cơm đã sôi, mẹ nhấc vung, dùng đôi đũa cả quấy sơ để gạo không bị đứng nồi, sau đó hạ lửa nhỏ để nồi cơm sôi liu riu. Khi nước trong nồi đã cạn, hạt gạo nở bung, tỏa mùi thơm nghi ngút, đôi đũa cả xóc đều một lần nữa. Rồi sau cùng mẹ vun tro om dưới nồi cho cơm ráo và nhanh chín. 

Mâm cỗ cúng cơm mới, ngoài cơm còn có thêm rượu, thịt. Tục cúng cơm mới ở quê tôi không nhằm vào một ngày nào quy ước sẵn, mà thường thì mùa vụ xong lúc nào là nhà nhà tiến hành cỗ, lễ ngay lúc ấy. Đó là lời cảm tạ của nhà nông với đất trời, vũ trụ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đó còn là lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà phù hộ cho con cháu sức khỏe làm ăn mạnh giỏi. 

Cứ như thế cánh đồng đi qua những mùa gặt, tôi lớn lên, bao con người từ làng lớn lên. Hạnh phúc góp nhặt từ những điều tưởng chừng bé nhỏ, sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời!                                                                                                      

Nguyễn Hòe

TIN LIÊN QUAN

Tin mới