Mùi rừng

Những ai gắn bó với rừng hoặc đã từng đi rừng thì không thể quên được một cái mùi mà người gọi là mùi rừng.

Mùi rừng khác với mùi ruộng đồng rơm rạ, mùi vườn nhà với những trái cây hoa lá hay mùi làng với những con đường trong ký ức và hiện tại.

Mùi rừng cũng khác với mùi phố phường với xe cộ áo quần đầy đủ sắc màu thành thị hoặc mùi nhà trọ trong những ngày trọ học của sinh viên nông thôn vào thành phố.

Mùi rừng là cái mùi rất khó diễn tả nhưng lại rất dễ nhớ.

Mùi rừng là mùi ngai ngái của lá cây, mùi nồng nồng đặc trưng của nhựa cây tràn trề sức sống. Mùi rừng là tiếng chim hót đâu đây khiến ta thấy bông hoa bên suối cũng như reo cười tỏa hương ngào ngạt.

Mùi rừng là tiếng suối róc rách rửa mát tâm hồn và thể xác của ta sau những bước chân mệt mỏi.

Mùi rừng là tiếng lá thông reo rì rào trong gió xen lẫn tiếng của người công nhân đang khai thác nhựa thông như một bài hát ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca người lao động đang ngày đêm làm đẹp cho đời.

Mùi rừng là tiếng gà rừng gáy nghe như một lời chào hay lời mời gọi của một ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi.

Mùi rừng là hơi ấm từ những thân cây lá mục đã qua bao ngày đang âm thầm hòa với đất để góp phần giúp rễ nuôi lớn thân cây dâng màu xanh cho cuộc sống.

Mùi rừng là hơi ấm của những con người khi họ đi tuần tra bảo vệ rừng hay đang truy đuổi một nhóm lục lâm thảo khấu đang phá hoại những thân cây hàng trăm năm tuổi.

Mùi rừng là vắt cơm nắm mang theo thấm đẫm không khí cỏ cây hơi thở của núi rừng khiến ta xắt một miếng ăn vào mà nhớ mãi.

Những năm bao cấp, khi chúng tôi còn là học sinh và thỉnh thoảng đi rừng vơ lá thông về làm chất đốt. Hoặc chúng tôi vào những khu rừng tự nhiên gom những cành cây gãy đem về đun nồi bánh chưng ngày Tết.

Mùi rừng những ngày đó theo bước chân tôi cho đến tận bây giờ.

Những năm trong quân ngũ, đơn vị chúng tôi đóng quân gần rừng. Nhớ những lần chúng tôi đến bên bìa rừng và bắt gặp những cây nắp ấm. Chúng tôi thấy những con ruồi chui vào bông hoa trông giống như nắp ấm và bông hoa từ từ khép lại. Khoảng 30 phút sau, nắp hoa mở ra và con ruồi đã tan trong đó tự bao giờ.

Cách đây gần 20 năm, trong một lần vào khu rừng ở huyện Konplong (Kon Tum). Một mình tôi chèo thuyền trong con suối giữa rừng vừa hát cho đỡ cô quạnh. Khi đó, tôi theo một chiếc xe khai thác cát xây dựng cho công trình của huyện. Tôi được giao nhiệm vụ ở lại trông máy hút cát khi xe chở cát về công trường. Tuy là nơi khai thác cát nhưng đó là một khu rừng rất xa khu dân cư và cái mùi rừng ở đó cứ làm tôi nhớ mãi. Đó là mùi của lá và thân cây nằm bên suối bên cạnh những chú cá suối đang lượn lờ như một bản nhạc nhẹ nhàng dịu êm. Trên bờ, tôi đã bắt gặp những chú chim cất lên giai điệu gợi nhớ câu thơ của Khương Hữu Dụng: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”.

Giờ đây, tuy sống ở xa rừng nhưng thỉnh thoảng tôi lại tìm đến rừng để được hòa mình với thiên nhiên, với cỏ cây mây trắng, với màu xanh bất tận và với làn gió rừng trong lành như mối tình thuở mười tám đôi mươi.

Có những lúc nhớ rừng, tôi mở máy tính ra xem những đoạn video, clip của những người bảo vệ rừng để được sống với rừng như nỗi nhớ về một mối tình thuở học trò nay chỉ còn trong kỷ niệm.

Mỗi lần nhìn một cây rừng bị đốn hạ là tôi như bị mất đi một cái gì đó thật xót xa. Tôi yêu cây xanh và yêu rừng như yêu những trang văn câu thơ in trong tâm khảm.

* * * * *

Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày thêm Xuân.

Mùa Xuân năm nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều người dân và các cơ quan, đoàn thể lại hồ hởi trồng thêm cây xanh để quê hương càng thêm xanh đẹp.

Và mùi rừng lại được sống lại trong mỗi chúng ta dù ta đang sống ở phố hay ở những chốn thôn quê.

| Tác giả: Hữu Hảo
| Ảnh minh họa: PV – CTV