Muốn được việc cần thiện chí chung!

(Baonghean) - Trong lúc tháo dỡ công trình, đơn vị thi công đã làm sập bức tường, kéo theo các vết rạn, nứt khiến cho chủ nhà phải “lánh nạn” đi chỗ khác. Sự việc đã xảy ra được hơn 20 ngày nhưng các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung.

Thi công dự án, kéo sập tường nhà dân

Ngày 21/7, trong quá trình tháo dỡ công trình để thực hiện dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng cho thuê - Nhà ở và chung cư (Saigon Sky) giai đoạn 2 do Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung (gọi tắt là công ty) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công đã làm sập bức tường ngôi nhà ông Phạm Văn Tấn (SN 1946, số 24, đường Nguyễn Thái Học, phường Đội Cung, TP.Vinh) kéo theo hư hại nhiều kết cấu, hạng mục.

Ông Tấn cho biết: Sáng đó, tôi dậy sớm để đi khám bệnh. Hơn 8 giờ thì các con gọi điện thoại nói nhà bị sập. Tôi về thì thấy mấy người của đơn vị thi công đang múc gạch từ trong phòng ngủ của tôi ra ngoài. Tôi yêu cầu để nguyên hiện trạng nhằm có căn cứ giải quyết sự việc. 

Bờ tường căn phòng ngủ của ông Tấn bị đổ sập một vùng lớn.
Bờ tường căn phòng ngủ của ông Tấn bị đổ sập một vùng lớn.

Dù đã hơn 2 tuần sau khi sự việc xảy ra nhưng phòng ngủ của ông Tấn vẫn còn ngổn ngang. Bức tường đã bị sập một mảng lớn, những viên gạch bong hết vữa, phần còn lại bức tường nứt toác, nghiêng hẳn về một bên. Theo ông Tấn, đơn vị thi công không chỉ làm sập bức tường mà còn làm sập trụ ở góc tường kéo theo các đường nứt lớn ở mái, cầu thang, bờ tường phòng khách... khiến ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào?.

Từ khi bức tường bị sập, ông Tấn phải “lánh nạn” ở chỗ khác mà không dám về nhà. Ông Tấn còn cho rằng, trong quá trình thi công, đơn vị thi công không hề thông báo cho gia đình, hơn nữa quá trình tháo dỡ gây bụi bặm, tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. 

Được biết, vào sáng 21/7, sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Tấn đã báo cáo với chính quyền địa phương. UBND phường Đội Cung (TP. Vinh) đã thành lập tổ công tác xuống kiểm tra hiện trạng, đồng thời lập biên bản hiện trường, có chữ ký của tất cả các bên liên quan.

Biên bản hiện trường nêu rõ: “Tại thời điểm kiểm tra hiện trạng, bên đơn vị thi công phá dỡ công trình đã làm sập một phần bức tường phía Đông của gia đình ông Phạm Văn Tấn với diện tích khoảng 11,7m2. Toàn bộ phần mái và tường tầng 2 bị bóc tách, rạn nứt ngang nhà. Phía trước nhà bị nứt dọc…”.

Không chỉ sập tường, theo chủ nhà thì đơn vị thi công đã làm đổ trụ khiến cho mái bằng rạn nứt.
Không chỉ sập tường, theo chủ nhà thì đơn vị thi công đã làm đổ trụ khiến cho mái bằng rạn nứt.

Cũng tại buổi làm việc, tổ công tác của UBND phường Đội Cung đã đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công ngừng tháo dỡ công trình và tiến hành thỏa thuận với gia đình về phương án xử lý. Và nếu sau 5 ngày, các bên không thỏa thuận được thì báo cáo lên UBND phường để có hướng xử lý.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Tuy nhiên, 5 ngày trôi qua, các bên vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về mức đền bù. Đến ngày 27/7, UBND phường Đội Cung chủ trì buổi hòa giải giữa các bên liên quan. Tại buổi hòa giải, phía gia đình cho rằng, căn nhà hiện đã hư hỏng nặng yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng căn nhà mới, trong đó hai bên sẽ bàn bạc cụ thể và gia đình sẽ chịu một phần chi phí. 

Tuy nhiên, phía chủ đầu tư thì cho rằng, công ty không chịu trách nhiệm về việc nhà ông Tấn bị hư hỏng. Bởi công ty đã hợp đồng với đơn vị thi công về việc mua bán và tháo dỡ tài sản và nay để xảy ra sự việc thì đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cũng tại buổi đối thoại, đại diện cho đơn vị thi công là ông Trần Hữu Mai cho rằng, gia đình đề nghị làm lại nhà mới là không hợp lý. Đơn vị chỉ chịu trách nhiệm với những chỗ hư hỏng. 

Không những thế, chủ ngôi nhà còn cho rằng, đơn vị thi công đã gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường cho gia đình trong quá trình tháo dỡ tài sản.
Chủ ngôi nhà cho rằng, đơn vị thi công đã gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường cho gia đình trong quá trình tháo dỡ tài sản.

Kết quả là buổi hòa giải không thành, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết sự việc. Ông Võ Tuấn Anh - Chủ tịch UBND phường Đội Cung cho biết, khi nhận được thông tin thì phường đã tổ chức hòa giải để thống nhất phương án đền bù nhưng không có kết quả. Sau đó, phường đề nghị công ty mời đơn vị giám định độc lập đến thẩm định mức độ thiệt hại của ngôi nhà. Kết quả giám định là căn cứ để các bên thỏa thuận đền bù hoặc làm chứng khi khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, vào ngày 1/8, khi đơn vị giám định đến nhưng các bên vẫn thiếu tinh thần hợp tác nên cuối cùng không thực hiện được. Phường đã hướng dẫn cho gia đình gửi đơn ra tòa án để được giải quyết.

Làm việc với lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung, ông Lê Văn San - Phó Tổng Giám đốc công ty cho rằng, sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng khi đã xảy ra rồi thì nên giải quyết theo hướng hợp tình, hợp lý. Nói về trách nhiệm của công ty trong giải quyết sự việc, ông San cung cấp một bản hợp đồng đề ngày 27/6 và cho rằng: Trước lúc tháo dỡ, công ty đã làm hợp đồng mua bán và tháo dỡ tài sản cho ông Trần Văn Đàn (trú ở Nghi Trường, huyện Nghi Lộc).

Trong hợp đồng quy định rõ, bên B (ông Đàn – PV) chịu trách nhiệm đưa ra biện pháp thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình, an ninh trật tự tại khu vực và các vấn đề liên quan đến môi trường, tài sản của các hộ dân xung quanh trong quá trình tháo dỡ. Nếu có xảy ra tai nạn, bên B chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Vì thế, khi để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm là của anh Trần Văn Đàn”. 

Về thông tin, vào ngày 1/8, đơn vị giám định là Trung tâm kiểm định xây dựng Nghệ An có đến xác định thiệt hại ngôi nhà nhưng không được gia đình đồng ý đang có ý kiến trái chiều. Theo gia đình thì khi trung tâm đến, gia đình không phải không đồng ý mà gia đình vẫn để trung tâm làm nhưng sẽ gửi đơn đến tòa án yêu cầu giải quyết sự việc. Còn theo ông Lê Văn San thì trung tâm yêu cầu công ty đứng ra ký hợp đồng nhưng công ty không đồng ý.

Dự án phải tạm dừng thi công do 2 bên chưa thỏa thuận được mức đền bù hợp lý.
Dự án phải tạm dừng thi công do 2 bên chưa thỏa thuận được mức đền bù hợp lý.

“Công ty tôi chỉ mời trung tâm về giúp, còn trách nhiệm chính là của ông Trần Văn Đàn. Trung tâm đã về xem chứ chưa chính thức giám định thiệt hại. Chúng tôi liên tục đốc thúc anh Đàn phải sớm giải quyết dứt điểm sự việc để công ty có mặt bằng thực hiện dự án. Còn về phía gia đình, chúng tôi cũng thấu hiểu hoàn cảnh nhưng gia đình nên có sự hợp tác để sự việc sớm được giải quyết, tránh ảnh hưởng kéo dài cho cả các bên. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm sự việc”, ông San cho biết.

Như vậy, có thể nói rằng, do các bên liên quan thiếu thiện chí nên sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đơn vị thi công phải tạm dừng hoạt động tháo dỡ đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, phía gia đình ông Tấn cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và nỗi lo nơm nớp không biết ngôi nhà sẽ “tồn tại” được bao lâu, nhất là khi mùa mưa bão đã về.

Sự việc đã xảy ra và đó là điều ngoài mong muốn, vì vậy các bên cần ngồi lại với nhau, cùng nhau phối hợp để sớm thỏa thuận được mức đền bù hợp lý. Tình huống khởi kiện ra tòa là phương án bất đắc dĩ.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới