Muôn kiểu chống hạn cho cây 'tiền triệu' trong nắng gắt ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Cam là cây trồng cần đầu tư lớn, cho thu nhập hàng triệu đồng/cây, do vậy, vào những ngày nắng nóng kéo dài, các chủ vườn phải bằng mọi cách chống hạn cho cam hiệu quả nhất.
Bơm nước tưới trực tiếp vào gốc cam để chống hạn là cách phổ biến nhất hiện nay đối với người trồng cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng
Bơm nước tưới trực tiếp vào gốc cam để chống hạn là cách phổ biến nhất hiện nay đối với người trồng cam ở Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ đầu tháng 6 đến nay, suốt hơn 1 tháng, thời tiết Nghệ An có nắng nóng liên tục, đồng nghĩa với cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có cây cam. Nếu chăm sóc tốt, cam là cây cho thu nhập tiền triệu, do vậy người trồng cam lo chống hạn bằng mọi cách.

Ông Bùi Văn Thân, chủ hộ trồng cam ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết, gia đình có 2 ha cam đã 4 năm tuổi. Để chống hạn cho cam, ông Thân đầu tư 1 chiếc máy nổ Đông Phong, đặt bên bờ suối Lin, cách vườn cam chừng 30m. Chiều nào cũng vậy, suốt cả tháng nay, khi hết ánh nắng là ông ra vườn tưới từng gốc cam. 
Trồng dưa lê xen trong vườn cam, mang lại lợi ích kép trong mùa nắng nóng của một số hộ dân ở Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng
Trồng dưa lê xen trong vườn cam, mang lại lợi ích kép trong mùa nắng nóng của một số hộ dân ở Quỳ Hợp. Ảnh: Xuân Hoàng

Với ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Minh Hợp có cách chống hạn cho cam mang lại hiệu quả kép. Đó là trên diện tích 1 ha cam, ông trồng xen dưa lê vào giữa 2 hàng cam. Trong luống dưa, ông Hậu lót bạt, đục lỗ, hàng ngày bơm nước vào đầy đủ, nước ngấm dần xuống đất, độ ẩm cao, nên vườn cam không bị héo, sau 3 tháng dưa lê cho thu hoạch.

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Minh Hợp có 2,7 ha cam, đã được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Bà Liên cho biết, bằng cách tưới cuốn chiếu, cứ sau 4 ngày được tưới một lần trong khoảng thời gian 24 tiếng, nên nước thấm sâu vào lòng đất, cam phát triển tốt trong những ngày nắng nóng.

Theo ông Quán Vi Giang - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: Quỳ Hợp hiện có hơn 2.000 ha cam. Vào những ngày nắng nóng liên tục của tháng 6 và đầu tháng 7, người trồng cam của Quỳ Hợp bằng mọi cách chống hạn cho vườn cam. Phổ biến nhất là bơm nước từ khe, suối lên và khoan giếng tại vườn cam. Tuy nhiên, do nguồn nước khe, suối, ao, hồ cạn kiệt nên nhiều vườn cam không được tưới đầy đủ.

Chống hạn cho cam hiệu quả nhất vẫn là công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, tạo độ ẩm cao và con người không vất vả. Ảnh: Xuân Hoàng
Chống hạn cho cam hiệu quả nhất vẫn là công nghệ tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, tạo độ ẩm cao và con người không vất vả. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong số hơn 2.000 ha cam thì có khoảng 1.500 ha bị héo quắt, còn khoảng 500 ha do những hộ có điều kiện đầu tư tưới công nghệ nhỏ giọt và khoan giếng lấy nước tưới tại chỗ, nên mức độ héo ít hơn.

Ở huyện Tân Kỳ, các chủ vườn đang quay quắt để chống hạn cho cam. Thời tiết nắng nóng như những ngày qua, khiến toàn bộ diện tích 200ha cam của địa phương bị ảnh hưởng, héo lá. Tuy nhiên, để cứu cây cam không bị chết khô, người dân đã vận dụng mọi cách để bơm nước tưới cho cam.

Clip: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết, ngoài 70 ha cam được đầu tư áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là đảm bảo cây cam không bị ảnh hưởng, 130 ha cam còn lại, bà con phải bơm nước khe, suối, giếng lên tưới cho cam. Cam là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nên người trồng cam chấp nhận đầu tư tưới nước, cứu sống cây cam trong nắng nóng./.

Tin mới